Không ít lần bạn sẽ có dịp bắt gặp hình ảnh những viên gạch cổ màu ngói nung ấm áp, chân chất và gần gũi khi vô tình lướt qua những con đường xưa cũ. Lạ một điều, gạch nung dẫu có phơi mình với nắng gió, càng chịu màu phôi pha lại trông càng đẹp lạ. Kết hợp gạch cổ trong trang trí nội thất sẽ mang đến cho ngôi nhà của bạn một diện mạo mới, đẹp mộc mạc và tràn đầy hồn Việt.
- Những kiểu nhà vườn độc đáo trên thế giới
- Đem mùa thu vào nhà của bạn một cách dễ dàng
- Thiết kế nội thất cho căn hộ chỉ rộng 38m²
Gạch cổ, có tự bao giờ
Gạch cổ là tên mà người ta hay gọi để chỉ loại gạch nung được sử dụng phổ biến trong công trình kiến trúc xưa, đặc biệt là ở Sài Gòn. Những căn biệt thự cổ điển được xây dựng công phu từ thời Pháp thuộc, hiện vẫn còn nằm rải rác khắp các quận như 1, 3, 5 hay thậm chí là những nhà kho, xưởng ở các khu tập trung nhiều người Hoa sinh sống như khu Chợ Lớn, quận 8, quận 6 ngày xưa cũng đều dùng gạch cổ để xây dựng tường bao che.
Một viên gạch cổ có kích thước khoảng 10x20x5cm, đặc ruột và vô cùng chắc chắn. Màu sắc tự nhiên của viên gạch rất đẹp và không bị phai màu với thời gian. Mặc dù trải qua hàng trăm năm, bề mặt ngoài của gạch có thể có một chút “phôi phai” do tác động của môi trường nhưng điều đó càng làm cho màu gạch tự nhiên hơn, ấm áp hơn.
Thử lấy một viên gạch cổ hơn 100 tuổi, cắt ra làm đôi sẽ thấy bên lòng trong viên gạch vẫn là một khối đặc còn tươi màu ngói như vừa mới nung xong. Những viên gạch này là nhân chứng vượt thời gian khi thầm lặng chứng kiến và “ghi dấu” lại những ký ức, lịch sử thăng trầm của Sài Gòn hàng trăm năm qua. Vì lẽ đó, giá trị về mặt tinh thần của gạch cổ vô cùng lớn.
Ngày nay nhiều quán cà phê hoặc nội thất tư gia đều mang gạch cổ kết hợp hài hòa vào lối trang trí hiện đại như một cách để giữ gìn ký ức đẹp về một Sài Gòn hào hoa, xưa cổ.

Không quá khó để tìm mua những viên gạch cổ, bạn có thể đến các cửa hàng vật liệu trang trí nội thất dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt (gần đoạn đường Hải Thượng Lãng Ông, Q.5), để tìm mua những viên gạch cổ ưng ý với giá tốt nhất.
Điểm xuyết nhẹ nhàng – Cân bằng không gian
Bạn có thể dùng mảng gạch cổ để làm điểm nhấn cho mọi không gian nhà từ phòng khách, phòng ăn đến phòng ngủ… nếu như bạn là một “tín đồ” của hoài niệm. Tuy nhiên, không nên sử dụng gạch cổ quá nhiều trong một không gian vì sẽ gây cảm giác nặng nề như một sự dư thừa.
Sử dụng gạch cổ một cách tiết chế, kết hợp tường chủ đạo màu sáng và cửa gỗ hoặc đồ nội thất gỗ màu tối là công thức chính tạo sự cân bằng cho một không gian đầy hoài niệm.

Kết hợp đột phá với màu vôi
Khi ốp gạch cổ lên tường trang trí, bạn nên trộn thêm một ít xi măng trắng hay vôi vào vữa hồ để tạo ron giữa các viên gạch. Màu bạc của mạch vữa sẽ hòa hợp với màu thời gian của gạch cổ giúp mảng tường trang trí sẽ thật hơn, đẹp tự nhiên hơn. Bạn cũng có thể cắt mỗi viên gạch cổ ra thành 5 miếng dày khoảng 2cm để dùng ốp vào tường. Cách này giúp bạn vừa có thể sử dụng những miếng gạch có màu ngói tươi loang nhẹ, vừa tiết kiệm được chi phí vì sẽ dùng được nhiều hơn.
Mang cả thiên nhiên vào nhà
Tường gạch cổ có một đặc điểm vô cùng đáng yêu là không bị đóng rêu mốc với thời gian. Bạn có thể sử dụng gạch này để trang trí cho những không gian kiến trúc lẫn trong nhà cả ngoài trời. Với cách này, bạn vừa bảo vệ tường nhà sạch sẽ, luôn tươi mới trước nắng mưa, vừa tạo nên những không gian gần gũi, thân quen của kiến trúc Việt cổ. Các họa tiết như rèm tre, khung cửa gỗ, tre, trúc, dừa cảnh hoặc dàn dây leo trầu bà là sự kết hợp tuyệt vời để tôn thêm vẻ đẹp của màu gạch cổ tự nhiên cũng như tạo mảng xanh cho không gian nhà bạn.
Những bậc thềm miên viễn
Bạn có thể sáng tạo khi tận dụng những viên gạch cổ nguyên, ghép thành từng bậc cấp dẫn lên ngôi nhà thân yêu của mình. Bề mặt thô nhám của viên gạch cùng với mạch hồ sẽ càng làm tăng độ bám cho từng bước chân quen. Chiều đến, bạn có thể ngồi trên những bậc thềm tự tình với chính mình, thả lòng trôi về miền ký ức xa xưa, nơi có những kỷ niệm tuổi dấu yêu, một niềm thương nỗi nhớ nào đang lẩn khuất, hay cả những nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi.
Phụ Nữ Ngày Nay