Tôi phải cảm ơn những cuộc cãi vã

Tin tôi đi, sẽ đến lúc, bạn cảm ơn những nỗi đau, bạn sẽ cảm ơn những lần cãi vã, bạn cảm ơn cả những vết sẹo khi thấy rằng, tất cả chúng, đều mang lại cho bạn rất nhiều giá trị trong cuộc đời.

Vợ chồng tôi có 2 năm làm bạn, 4 năm yêu nhau và gần 7 năm chung sống. Quãng thời gian tưởng đâu đủ dài để hiểu nhau nhưng thực ra, chúng tôi vẫn thi thoảng có những cuộc cãi vã nảy lửa. Trong những lần cãi vã đó, cũng có lúc, chúng tôi đã nghĩ tới hai từ “ly hôn”, dù sao đó ngẫm lại, cả hai đều bật cười. Thật ra, tôi thấy, nhiều khi, cãi nhau cũng có những cái lợi mà không phải ai cũng biết.

Có thể bạn không tin điều đó. Cô bạn tôi, 30 tuổi, lấy chồng cách đây hơn 2 năm và có một cô con gái xinh xắn. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ rằng cô bạn tôi rất hạnh phúc. Tại sao ư, chẳng mấy khi hai vợ chồng cô ấy cãi nhau, anh chồng có thể nói là “ngoan”, cả hai đều thu nhập tốt. Thế nhưng, ẩn sâu trong đó là một cuộc hôn nhân đầy bế tắc. Cô bạn tôi kể, sau quãng thời gian yêu nhau say đắm, về cùng nhau, những thói xấu thường ngày của cả hai mới bộc lộ hết.

Cô bạn phàn nàn rằng chồng tính trẻ con, không biết đối nhân xử thế lại cũng không có chí tiến thủ. Đã vậy, về nhà, anh chồng cũng lười biếng không giúp gì vợ việc nhà và cả việc chăm sóc con. Vài ba lần nhắc nhở, thủ thỉ rồi đâu lại vào đấy, cô bạn đâm ra chán, chẳng thèm đếm xỉa tới ông chồng nữa. Vì thế, cuộc sống của bạn cứ trôi đi có vẻ bình an nhưng hóa ra lại ngấm ngầm đầy rẫy những thất vọng và bức bối.

Cô bạn hỏi tôi: “Tao đã khuyên bảo chán chê rồi, nhỏ to đủ kiểu rồi mà không lay chuyển nổi, cứ thế này, chắc sớm muộn cũng mỗi đứa một nẻo. Giờ tao phải làm gì đây?”. Tôi chỉ hỏi bạn một câu: “Sao vợ chồng mày không cãi nhau to một phen?”.

Tôi phải cảm ơn những cuộc cãi vã

Cãi nhau nhiều khi cũng có lợi đấy

Tôi không hề khuyên bạn xằng bậy, thực ra, có những lúc, cãi nhau mới ra vấn đề và đôi khi, đó là một cách “hâm nóng” lại cuộc hôn nhân của bạn. Bạn biết đấy, có những bức xúc, nếu để mãi trong lòng thì rất khó chịu, dần dần, mọi thứ trở nên nặng nề vô cùng. Hơn nữa, nhiều khi, bạn bức xúc đấy, nhưng đối phương không hề biết nỗi niềm của bạn. Nếu như nhỏ nhẹ chẳng ăn thua, hãy cứ thử làm to chuyện, xả hết mọi chuyện ra xem sao. Có thể, bạn đời của bạn sẽ bất ngờ hoặc sốc đi nữa, nhưng chẳng phải, anh ấy sẽ hiểu suy nghĩ của bạn hơn sao?

Khi bạn “xả” ra hết những bức bối trong lòng, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, bạn đời qua đó cũng biết được nỗi lòng bạn và những vấn đề đúng – sai. Thông thường, sau khi cãi nhau, cả hai bạn sẽ có một khoảng thời gian tĩnh lặng và riêng tư. Mới đầu, cả hai đều có thể rất bực bội và ấm ức, nhưng dần dần, suy nghĩ lại, hai bạn sẽ tự phân tích, đánh giá và hiểu nhau hơn. Đó cũng là những gì mà vợ chồng tôi từng trải qua.

Một khi, chúng tôi đã thấu hiểu nhau hơn, đã cảm thấy lắng mình lại, một trong hai người sẽ làm lành với người kia. Tất nhiên, sau “cơn sóng” đó, “mặt hồ” bình yên trở lại và thường là chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Chúng tôi cũng cố gắng khắc phục những ưu, nhược điểm hoặc điều chỉnh một chút để hòa hợp hơn. Hoặc nếu không, chúng tôi cũng dễ dàng chấp nhận điểm được và chưa được của nhau hơn, bớt đi những thành kiến những bực bội về nhau.

Chẳng hạn, có giai đoạn, chồng tôi mê mải với games online từ sáng đến tối. Cứ nhìn cảnh chồng ôm lấy điện thoại, máy tính để chơi game là tôi bực lắm, đi qua đá xéo một cái, đi lại thở dài một hơi. Chồng tôi thấy vợ thế cũng chẳng vui vẻ gì, và giải pháp của chồng là… đi ra ngoài chơi. Có hôm, tôi bận bịu với con cái và công việc làm thêm, gọi điện cho chồng mãi không được. Khi anh ấy về nhà, tôi điên tiết xả một trận, rằng chồng suốt ngày game chẳng quan tâm gì đến vợ con, vừa tốn thời gian vừa chẳng làm được gì ra hồn. Chồng tôi không kém, cũng quát rất to rằng, tại sao tôi có thể “cắm mặt” vào facebook với cả làm bánh suốt ngày mà anh ấy lại không có quyền chơi game? Tại sao anh ấy cho tôi thoải mái với sở thích của mình mà anh ấy thì không?

Sau đó, vợ chồng tôi còn lôi ra những chuyện từ bấy lâu nay ấm ức ra kể tội nhau và rồi giận nhau mất 2 ngày. 2 ngày đó thực sự là quãng thời gian quý giá để chúng tôi nhìn nhận lại bản thân mình. Sau lần đó, anh ấy vẫn chơi game, nhưng hạn chế hơn về thời gian, và nhất là giúp đỡ vợ lúc cần thiết. Bản thân tôi cũng thoải mái hơn với việc anh ấy chơi game, vì tôi và cả chồng có những sở thích riêng, cần tôn trọng điều đó.

Tôi phải cảm ơn những cuộc cãi vã

Nhưng đừng quên những nguyên tắc: tôn trọng lẫn nhau và không nên “động tay động chân”

Tuy nhiên, cãi nhau như thế nào để không gây mất lòng nhau cũng rất quan trọng. Dù là cãi nhau, điều trước tiên bạn vẫn phải tỉnh táo và kiềm chế để không đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau, không đẩy mọi việc đi tới quá mức. Tôn trọng để bạn không làm tổn thương nhau, để không văng những lời không đáng nói, để biết đâu là giới hạn của một cuộc cãi vã, để bạn vẫn cần một chốn đi về. Hãy nhớ rằng, cãi nhau để giải quyết những khúc mắc, không phải để đẩy cả hai ra xa nhau hơn.

Tin tôi đi, sẽ đến lúc, bạn cảm ơn những nỗi đau, bạn sẽ cảm ơn những lần cãi vã, bạn cảm ơn cả những vết sẹo khi thấy rằng, tất cả chúng, đều mang lại cho bạn rất nhiều giá trị trong cuộc đời. Vì thế, cãi nhau, đôi khi không phải là điều tệ lắm!

 Nguồn Tri Thức Trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN