Ai cũng biết rằng Tết là khoảng thời gian mọi người về với gia đình sau một năm làm ăn xa nhà. Thế nhưng, với các cô gái trẻ thì Tết đến kèm theo hàng tá nỗi lo, thậm chí là “ám ảnh” khi về quê gặp lại họ hàng.
- Tết chẳng lo đầy bụng vì đã có Yoga
- Top những điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam dịp Tết Nguyên đán 2019
- Gửi nồng nàn vào Xuân
Trả lời những “câu hỏi quốc dân”
Đi thăm bà con họ hàng sau một năm xa cách là điều không thể bỏ qua trong dịp Tết, thế nhưng đi kèm sau đó sẽ là những “câu hỏi quốc dân” – tức là ai gặp cũng sẽ hỏi bạn và dĩ nhiên, bạn sẽ chẳng thoải mái gì khi trả lời những câu hỏi ấy!
“Cháu ra trường chưa nhỉ?”, “Đã đi làm ở đâu rồi?”, “Công ty có lớn không cháu? Lương tháng bao nhiêu vậy?”, “Sao mãi chưa thấy cháu yêu ai?”, “Lo mà lập gia đình đi chứ?”, “Sao năm nào cũng về một mình nhỉ?”, Ế rồi hay sao không thấy có người yêu”…là những câu hỏi thường sẽ xuất hiện ngay sau câu “Chúc mừng năm mới!”… Dẫu biết rằng có thương, có quan tâm thì người ta mới hỏi thăm bạn nhưng dường như người hỏi không biết rằng những câu hỏi khá riêng tư như vậy thường sẽ làm người khác khó chịu và ngại trả lời. Đôi khi, sự quan tâm không được đặt đúng chỗ sẽ khiến cho buổi gặp gỡ đầu năm “bớt vui” và đây cũng là lí do mà các bạn trẻ thường ngại về quê ăn Tết, gặp lại họ hàng!
Vòng eo “đột nhiên biến mất”
Bánh chưng xanh, gà luộc, nem ráng, dưa hành, miến…là những món ăn khá nhiều năng lượng và luôn xuất hiện ở thực đơn của bất kỳ gia đình nào trong dịp Tết. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng hãy thử tưởng tượng suốt một mùa Tết, đi bất cứ nơi đâu cũng đều gặp những món ăn này. Bạn có ngán không?
Những món ăn truyền thống ấy dần trở thành nỗi ám ảnh ngày Tết với giới trẻ, đặc biệt là các cô nàng, bởi chỉ sau vài ngày vui Xuân, ăn uống thả ga thì vòng eo của các nàng… “đột nhiên biến mất”.
Dọn nhà và rửa bát triền miên
Vui Xuân cùng bạn bè, du hí cùng người thân…có lẽ không phải cô gái nào cũng may mắn được tận hưởng trọn niềm vui ấy. Trước Tết là dọn nhà – trong Tết thì rửa bát, đây mới chính là “combo ngày Xuân” mà nàng nào cũng phải trải qua.
Tết là phải có cỗ, có tiệc tùng và có một chút tiết trời se lạnh. Không gì đáng sợ hơn việc phải nhúng tay vào nước lạnh, cọ rửa chồng bát đĩa chất cao như núi mỗi lần cỗ xong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ấy sẽ là những triệu chứng: gù lưng, mỏi gối, đau tay… Liệu rằng, bạn có còn hứng thú để du xuân sau khi “thực thi nhiệm vụ” không?
Tết có nhiều nỗi lo, nỗi ám ảnh là thế; nhưng, Tết vui mà! Tết là dịp gặp lại người thân, là khoảng thời gian bản thân được “xả hơi” để lấy năng lượng và tiếp tục một năm mới với nhiều dự định phía trước. Mỗi năm chỉ có một cái Tết thôi, thế nên dù như thế nào đi nữa thì mỗi người chúng ta đều mong Tết đến và luôn sợ Tết đi, đúng không?
Phạm Đoàn