Làm thế nào để dạy con tự lập là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh đau đầu nhất. Thực ra mấu chốt của vấn đề không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế, chính bố mẹ cần phải học cách dạy con tự lập.
- Dạy con: thưởng – phạt con cái như thế nào cho đúng?
- Dạy con lối sống tự chủ khi bắt đầu vào lớp một
- Trò chơi dạy con tự lập siêu thú vị của “mẹ lười”
Theo quan điểm giáo dục của phương pháp Montessori, cách cha mẹ dạy trẻ cũng như tạo ra môi trường thích hợp nhất để trẻ học hỏi sẽ quyết định đến việc trẻ có thể thực hiện một công việc nào đó một mình được hay không bởi vì mấu chốt của vấn đề không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế, để tránh những sai lầm khi dạy con tự lập, bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên về cách dạy trẻ tự lập theo phương pháp Montessori dưới đây:
1. Dù chưa nói sõi nhưng trẻ đã biết giằng lấy cái thìa đòi tự mình xúc, đòi tự đánh răng, tự đi giày… khi ấy việc cha mẹ cần làm là hãy “thu tay lại và dõi theo” hành động của trẻ như là sự tiếp nhận mong muốn của con. Hãy quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những cách chỉ dẫn trẻ làm cho phù hợp.
2. Khi muốn dạy trẻ làm gì thì hãy chỉ chọn một việc để dạy thôi. Nếu dạy quá nhiều thứ một lúc thì bạn đừng ngạc nhiên là đã dạy rồi mà trẻ chẳng nhớ được gì.
3. Hành động cần được chia ra làm các bước rõ ràng, chỗ nào khó làm đi làm lại nhiều lần cho trẻ nhìn thấy và làm theo.
4. Cho trẻ nhìn theo và bắt chước hành động của mình: Hành động phải thật chậm rãi, có trình tự và trật tự làm sao để trẻ nhìn thấy rõ. Trẻ con không có tốc độ lí giải ngay như người lớn được nên cách dạy sẽ khác với người lớn. Vì trẻ con sẽ muốn lưu lại hình ảnh 24 hình/phút thay vì người lớn muốn lưu hình ảnh 24 hình/giây. Ví dụ như khi dạy trẻ gấp cái áo thì mẹ hãy làm thật chậm từ bước gấp hai tay, rồi đến thân áo, sau đó gấp đôi lại nhưng không cần mẹ phải thuyết minh từng bước cho trẻ nghe.
Trẻ có thể học cách tự phục vụ bản thân từ khi còn rất nhỏ nếu được bố mẹ dạy chỉ dạy từ những bài học đơn giản nhất. (Ảnh: Hải An)
5. Nguyên tắc “Đừng nói mà hãy hành động”, tức là: Đừng thuyết minh hay giải thích gì khi làm cho trẻ nhìn.
6. Sau khi hành động xong hết rồi mới bắt đầu giải thích cho trẻ. Ví dụ như con nhớ không mẹ gấp áo bắt đầu từ gấp tay phải, tay trái, đến thân áo, rồi gấp đôi lại…
7. Tránh dùng từ hàm ý chê bai, gây sự tự ti cho trẻ kiểu như “đấy, đã hiểu chưa”, “mẹ dạy rồi mà vẫn không biết làm à”.
8. Đừng bao giờ tỏ ra sốt ruột vì trẻ thất bại nhiều lần thì mới thành công được, nhưng đó là sự thành công vô cùng giá trị đối với cuộc đời trẻ.
9. Đừng bao giờ vừa làm cho trẻ xem lại vừa nói đính chính kiểu lên giọng với trẻ khi đang dạy trẻ: “đây, làm như này này”, hay muốn nói cho con biết chỗ sai kiểu như “con đã thấy mình làm sai chưa, đúng không”, thì sẽ chỉ khiến trẻ tụt hứng mà không thêm làm tiếp nữa.
10. Cuối cùng là mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và ý chí khác nhau, nên cha mẹ hãy quan sát con mình để tìm ra thời điểm phù hợp để bắt đầu dạy trẻ những thói quen tự lập. Nhanh chậm không quan trọng bằng việc trẻ thu được gì cho bản thân từ những việc làm ấy, và không bị làm cho mất hứng thú.
Bố mẹ không cần quá căng thẳng đặt mục tiêu rõ ràng rằng ở từng độ tuổi trẻ cần làm được cái gì, chỉ cần từ 0- 3 tuổi trẻ được nuôi dưỡng khả năng khẳng định bản thân, biết chăm sóc vệ sinh cá nhân, những điều cơ bản liên quan đến bản thân trong sinh hoạt hàng ngày là được.
Nguồn Maskonline.vn