Phụ nữ và căn bệnh mang tên “mạnh mẽ”

Phụ nữ – nhất là những người luôn đề cao tiêu chí “tự lập – tự thân” trong vòng quay vốn chẳng thể hối hả hơn của cuộc sống hiện đại có hẳn lúc nào cũng “mạnh mẽ” như mình vẫn nghĩ? Hay họ thường phải “cố gồng” để sống dùm một con người không phải mình, đến lúc gồng hết nổi thì….quay sang than trời trách đất, sao mà “đời bắt tôi mạnh mẽ”?

Kì thực, đời đâu có bắt ai mạnh mẽ, đừng đổ lỗi cho ông ấy, oan lắm. Có chăng là chúng ta tự huyễn hoặc về bản thân mình, chúng ta đã có lúc tưởng mình là siêu nhân, là thần thánh, là một phụ nữ “kiên trung bất khuất” với những thách thức cuộc đời để rồi vơ vào người những áp lực không đáng có, không mở lòng chia sẻ với bất kì ai. Chúng ta sợ những lần “sống thật” như thế thì cái hình tượng đẹp đẽ sẽ dần mất đi trong lòng những người vẫn đang nhìn ta với ánh mắt của sự tôn thờ và ngưỡng mộ.

bi-kip-yeu-phu-nu-manh-me-doc-lap-va-co-don-2

Biểu hiện và tác hại của căn bệnh “mạnh mẽ”

Mai Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) đã quen với việc tự làm chủ với những quyết định trong cuộc sống của mình. Cô thường ít khi chia sẻ mọi tâm tư với bất kì ai, dù đó là gia đình, bạn bè hay cả người yêu. Đối mặt với mỗi khó khăn, người ta vẫn thấy cô luôn tỏ ra điềm tĩnh và không có biểu hiện gì của sự bận tâm sau đó. Đồng nghiệp cho rằng cô mạnh mẽ và nhiều lần như thế, họ bỗng nhiên mặc định rằng hẳn là cô ấy tự biết an ủi bản thân, không phải lo nghĩ nhiều.

Nhưng một ngày nọ, Mai Anh không đến công ty mà cũng không hề báo trước mình sẽ nghỉ hôm đó. Lúc đầu, mọi người còn ngạc nhiên hỏi nhau nhưng rồi sự lo lắng đó cũng bị gạt phăng đi bởi câu nói từ một đồng nghiệp: “Cố ấy mạnh mẽ thế, chắc là chẳng có gì, hẳn là bận việc gì đó thôi!” Thế là, mọi người ai lại trở về công việc của người ấy và chẳng mảy may lo nghĩ chuyện gì đã xảy ra với cô gái này.

Ngày hôm sau, đến khi công ty nhận được tin Mai Anh đã vào viện vì uồng thuốc an thần quá nhiều thì mọi người mới tá hỏa ra. Hỏi ra mới biết do cuộc sống Mai Anh có rất nhiều bộn bề, căng thẳng nhưng vì cô tự mình gồng gánh tất cả nên mọi thứ đã vượt qua giới hạn. Và bất lực trước những bế tắc trong suy nghĩ, cô đã có những suy nghĩ lệch lạc.

enhanced-buzz-wide-17282-1401877284-7

Phụ nữ hiện đại thường ảo tưởng về sự mạnh mẽ của chính mình

Nguyên nhân của việc cố tỏ ra “mạnh mẽ”

Để che lấp sự cô đơn đang bám lấy mình

Có thể đây là một điều nghịch lý nhưng quả thật, những người càng cố tỏ ra ta đây mạnh mẽ thì vốn dĩ rất cô đơn. Cũng bởi vì cô đơn, họ chọn cách tự tách rời mọi người và xây dựng lên bức tường bảo vệ chính mình, không cho ai bước vào. Việc xây dựng một hình tượng mạnh mẽ đó như một cách vuốt ve lòng tự trọng của họ, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống của mình.

Để khẳng định với mọi người: “tôi có thể!”

Ngày nay, việc một người phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội ngày càng nhiều. Nếu xung quanh bạn là những người thành đạt và tài giỏi, việc bạn cũng muốn giống như họ là điều không quá khó hiểu. Cho nên, nhiều phụ nữ chọn cách “bắt chước” phong cách sống của những người mà họ ngưỡng mộ, để rồi đôi khi năng lực thực tế của họ không đạt như mức kỳ vọng, họ thường dễ rơi vào tình trạng “bế tắc với chính mình”.

Giải pháp khắc phục hiện tượng “mạnh mẽ”

Thứ nhất, hãy cân bằng lại áp lực cuộc sống và khả năng giải quyết mọi vấn đề của bạn. Nếu trường hợp những thách thức mà bạn gặp phải trong đời sống cũng như công việc hằng ngày quá nhiều, hãy tìm cách giảm tải nó bớt. Bằng cách nào? Hãy tìm một nguồn động viên tinh thần vững chắc, đó có thể là gia đình, bạn bè hay người yêu. Bạn cũng có thể tìm đến những hình thức giải trí nào đó mà mình yêu thích. Lúc nào cũng vậy, khi những buồn bực được nói ra, sự lo âu sẽ luôn giảm bớt một nửa, đồng nghĩa với việc năng lượng của bạn sẽ được giữ lại rất nhiều so với việc phải tự gánh lấy mọi việc. Đồng ý rằng mạnh mẽ là tốt, tuy nhiên đừng để mất cân bằng chỉ vì tập trung vào những điều đáng lẽ chỉ là chuyện rất nhỏ.

Một trong những cách giúp bạn cân bằng lại cuộc sống có thể kể đến những phương pháp “trở về chính mình” như thiền, yoga. Đây là hình thức tự tìm về bản thân, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của mình và tự điều chỉnh mọi cảm xúc để thấy lòng nhẹ nhàng nhất. Khi bạn bắt kịp được phương pháp này, bạn sẽ thấy nó hiệu quả hơn cả việc chia sẻ với người khác.

thien

Thiền có thể giúp bạn cân bằng cảm xúc bản thân và áp lực cuộc sống

Thứ hai, tạo mối quan hệ thân thiết những phụ nữ tích cực trong xã hội. Năng lượng tích cực cũng như cảm xúc tiêu cực đều như nhau, nó có khả năng lan truyền. Tuy nhiên, đáng lo ngại là theo một nghiên cứu của một nhà khoa học Mỹ, cảm xúc tiêu cực dễ lây lan nhiều hơn. Cho nên, hãy tăng tần suất những mối quan hệ tích cực, đáng tin tưởng lên để tiếp thêm năng lượng cho bản thân mình. Lúc nào cũng vậy, ông bà ta dạy không sai, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” cũng từ quan điểm đó mà được hình thành.

Thứ ba, tự do thể hiện cảm xúc nhất có thể. Phụ nữ dù sao vẫn là phái yếu, thế nên cứ “buồn là khóc, vui là cười” không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều hay diễn cho ai xem. Bởi sau tất cả, nếu bạn không yêu lấy chính mình, không sống hạnh phúc với những suy nghĩ của mình thì còn ai rảnh mà quan tâm tới điều đó.

Thứ tư, bớt ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Bớt “ảo tưởng” ở đây chính là không nghĩ rằng mình có thể một mình vượt qua tất cả (dù là phải luôn trong tư thế đó) bởi trong cuộc sống, chúng ta nên tập thói quen tương tác với nhiều người, hỗ trợ qua lại. Nếu không, chúng ta dễ dàng rơi vào thế tự cô lập chính mình. Và điều đó thật sự dễ gây ra hiện tượng quá tải một khi mọi thứ ập đến cùng lúc.

Trương Quyên (Phụ Nữ Ngày Nay)

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN