Có một thực tế là không ít bạn trẻ ngại lập gia đình và thậm chí có bạn còn có tư tưởng nhất quyết không muốn lập gia đình. Vậy đâu là lý do khiến một số bạn trẻ có suy nghĩ như vậy?
- 3 dấu hiệu phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban để phòng tránh biến chứng nguy hiểm
- 15 động tác giúp cải thiện vóc dáng trước khi mùa hè kết thúc
- Cách chọn dáng mũi phù hợp với khuôn mặt tròn, vuông, trái xoan
“Giờ viện dưỡng lão nhiều lắm, lo gì chuyện bầu bạn tuổi già”
Cách đây vài ngày khi ngồi trò chuyện cùng anh Trịnh Công Bình (giáo viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM) thì được biết ở độ tuổi 32 nhưng anh Bình vẫn chưa lập gia đình, và anh khẳng định sẽ sống độc thân chứ không muốn lập gia đình.
“Cuộc sống ngày nay quá nhiều áp lực, đâu dễ mà nuôi được một đứa con nên người. Tiền ăn học rồi đủ mọi chi phí, thời đại này cái gì cũng đắt đỏ, mình còn chưa lo đủ cho bản thân rồi ba mẹ thì làm sao dám chắc lập gia đình rồi sinh con thì sẽ có thể lo đủ cho con cái phát triển để con bằng bạn bằng bè. Hơn nữa, cuộc sống bây giờ người trẻ có quá nhiều cơ hội được sống với đam mê của mình, nên mải mê với những đam mê đó để rồi không chu toàn được cho gia đình, thế là đổ vỡ hạnh phúc, và những đứa con của mình sẽ phải gánh chịu”, anh Bình nói.
Theo như anh Bình kể thì xung quanh anh rất nhiều cặp vợ chồng tan vỡ. Chính những đổ vỡ này khiến anh không còn có suy nghĩ muốn lập gia đình.
Và khi được hỏi: “Vậy anh có sợ về già sẽ không có người chia sẻ, chăm sóc?”, thì anh Bình gãy gọn: “Giờ viện dưỡng lão nhiều lắm, lo gì chuyện bầu bạn tuổi già”.
Nói rồi anh Bình chia sẻ thêm: “Thật ra mình không muốn lập gia đình vì không thích sự ràng buộc, sao vợ mình phải đi làm dâu rồi áp lực lo gia đình chồng các kiểu, trong khi bản thân mỗi người trẻ thời nay đều chỉ thích sống với đam mê, bay nhảy và trải nghiệm cuộc sống. Nhưng nếu sau này tìm được người phù hợp và cùng quan điểm thì mình sẽ chỉ sinh con để nuôi chứ không lập gia đình. Vì nói gì thì nói chứ tuổi già có đứa con vẫn hơn”.
Đặt vấn đề là đứa trẻ lớn lên không có được đầy đủ sự yêu thương của ba và mẹ, anh Bình thẳng thắn nói: “Mình thì nghĩ khác, thời nay bền lâu thì ít mà tan vỡ thì nhiều. Thay vì để cho đứa con khi vừa mới lớn lên đã phải chứng kiến sự chia lìa của ba mẹ, chứng kiến những đổ vỡ đó sẽ khiến đứa trẻ mất niềm tin vào cuộc sống. Thế thì tại sao không xác định ngay từ đầu là con sinh ra ba mẹ đã không gần gũi nhau, như thế đứa trẻ sẽ tự lập ngay từ nhỏ và lớn lên sẽ bản lĩnh hơn rất nhiều. Chỉ là không được sống gần cả ba lẫn mẹ, chứ không phải là không có tình thương của ba và mẹ”.
Anh Bình kể ba mẹ anh lúc đầu cũng không ủng hộ chuyện anh không muốn lập gia đình, nhưng rồi cũng hiểu được ý muốn của con và không còn áp đặt anh.
“Nhiều người nghĩ do mình còn đứa em trai, và em trai mình có tư tưởng sẽ lấy vợ nên ba mẹ mới không quá áp lực cho mình. Nhưng mình nói thật, cho dù mình là con một thì vẫn sẽ theo quan điểm là sống độc thân. Vì cho dù ai nói gì nhưng chỉ cần mình thấy đúng, thấy thoải mái và hạnh phúc là được rồi. Hơn nữa, dù là ba mẹ cũng không thể sống thay cuộc đời của mình, chỉ có bản thân mới hiểu mình muốn gì, cần gì thôi”, anh Bình bộc bạch.
Độc thân vẫn tốt hơn ràng buộc
Cô nàng Nguyễn Thị Thùy Linh (25 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, hiện là giáo viên dạy vật lý tại TP.Nha Trang) cũng có tư tưởng không muốn lập gia đình.
“Nói chung em thấy lập gia đình phải đi kèm với rất nhiều trách nhiệm. Nếu không sẵn sàng về mặt tài chính, công việc thì kết hôn sẽ rất khổ. Ba mẹ thấy con gái lớn rồi mà chưa có người yêu, chưa nói gì đến chuyện lập gia đình mà cứ hỏi đến lại né tránh thì ba mẹ nào cũng sốt ruột, rồi lo sợ con mình sẽ khổ về sau. Nhưng thời đại cũng đã tân tiến hơn, người phụ nữ cũng đi làm việc như đàn ông, cũng tự kiếm tiền lo được cho bản thân và gia đình nên họ cũng không quá đặt nặng chuyện phải có chồng, có con”, Linh chia sẻ.
Cũng giống Linh, Hoàng Thị Bích (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, hiện là nhân viên lễ tân khách sạn ở Q.1, TP.HCM), năm nay Bích đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa có ý định lập gia đình. Hỏi thì Bích nói: “Vì mình thấy độc thân vẫn tốt hơn ràng buộc”.
Bích tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, ra trường với vốn tiếng Anh nên tự do đi du lịch nhiều nước, những năm tháng thanh xuân chỉ dành thời gian để trải nghiệm đó đây. Đến khi nghĩ đến phải có công việc ổn định thì về TP.HCM làm nhân viên lễ tân, nhưng Bích vẫn nói: “Chân mình chỉ muốn đi, mình làm việc này cũng chỉ tạm thời, sau này tích góp đủ tiền lại đi du lịch. Chỉ cần nhắc đến việc phải lập gia đình là mình thấy sợ lắm. Bao nhiêu thứ sẽ ràng buộc. Cùng lắm kiếm đứa con rồi nuôi để nó thủ thỉ lúc về già, chứ sao nhất thiết phải bó buộc mình vào các cuộc hôn nhân. Thời đại nào rồi mà phải đặt nặng chuyện đó”.
Nói rồi Bích cũng gửi gắm: “Tất nhiên mỗi người một suy nghĩ, mình cũng không muốn tất cả mọi người cũng như mình, vì như thế hết thì xã hội cũng loạn mất. Nhưng mà mình cứ sống với chính mình, thế là được rồi, còn ai nghĩ gì hay nói gì cũng không thể sống thay cuộc đời của mình”.
Cần có những cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân
Bàn về câu chuyện này, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng một số bạn trẻ không thích lập gia đình. Nguyên nhân khách quan là khi xã hội ngày càng phát triển, kéo theo càng nhiều áp lực khác nhau, áp lực về công việc, các mối quan hệ, cách cư xử giữa người với người làm cho các bạn trẻ trở nên mệt mỏi và lười yêu. Từ lười yêu dẫn đến các bạn giảm nhu cầu mong muốn được kết hôn, được chung sống và gắn bó với ai đó lâu dài. Vì các bạn cho rằng khi bước vào cuộc hôn nhân sẽ kéo theo rất nhiều phức tạp và đi kèm với đó là những trách nhiệm, nhiều áp lực khác nữa.
Nguyên nhân tiếp theo theo chị Thảo là hiện nay tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi có dấu hiệu gia tăng. Điều này dẫn đến giá trị về niềm tin vào hạnh phúc gia đình bị suy giảm đối với nhiều bạn trẻ, các bạn thiếu niềm tin hơn về việc sẽ hạnh phúc khi đến với hôn nhân.
Nguyên nhân thứ 3 là khi các bạn có nhiều cơ hội, nhiều mối quan tâm khác nhau như sự nghiệp, ước mơ, hoài bảo, trải nghiệm, du lịch… làm bớt đi nhu cầu về kết hôn hay dành thời gian cho cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, theo chị Thảo việc chứng kiến những phức tạp, vấn đề trong hôn nhân làm các bạn cảm thấy hoang mang khi chưa đủ kỹ năng, bản lĩnh để đối diện với những vấn đề mà hôn nhân mang lại. Từ việc không đủ kỹ năng, không đủ bản lĩnh các bạn sẽ có cảm giác sợ hãi và muốn tôn thờ cuộc sống độc thân của mình.
Chị Thảo cũng chỉ ra hôn nhân là con đường để tạo lập một gia đình, một tế bào của xã hội. Gia đình sẽ tạo nên sự kết nối, tăng tính trách nhiệm và tình yêu thương giữa con người với con người. Bên cạnh đó, còn giúp duy trì nòi giống, cung ứng lực lượng lao động cho xã hội và thúc đẩy sự phát triển. Nếu như các bạn ngại kết hôn thì có thể sẽ làm suy giảm lực lượng lao động đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Một số bạn trẻ không lập gia đình nhưng lựa chọn việc có con và một mình nuôi con thì vấn đề này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ khi đứa trẻ không nhận được tình thương, phương pháp nuôi dạy con đầy đủ của cả ba lẫn mẹ và cả gia đình hai bên.
“Nên tôi vẫn hy vọng rằng các bạn trẻ có thể sắp xếp được cuộc sống của mình, tạo thêm nhiều cảm hứng trong tình yêu, trong mối quan hệ giữa con người với con người và tạo nhiều niềm tin hơn trong cuộc sống để các bạn có những cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân cũng như có được những quyết định đúng đắn với cuộc đời của mình. Những bạn không muốn lập gia đình, những quyết định đó không xấu vì các bạn sẽ có trách nhiệm và hiểu rõ được quyết định của mình, thế nhưng chúng ta vẫn mong xã hội sẽ phát triển và có nhiều gia đình hạnh phúc, đầy đủ những nhân tố, những cá thể trong đó để xã hội có nhiều tính kết nối và nhiều nhân văn hơn”, chị Thảo gửi gắm.
Theo thanhnien.vn