Lúc chị bệnh, mỗi ngày ông xã đều nói: ‘Em mang nặng, anh sẵn sàng gánh thay em, nhưng bị bệnh thì em phải cố. Đừng để con mất mẹ”.
Hẹn năm lần bảy lượt, hôm chị bận họp HĐND, lần tham dự hội nghị công đoàn, lúc lại giao lưu văn hoá tận Lạng Sơn… Người phụ nữ nhỏ nhắn 39 tuổi vừa công tác trong Đảng uỷ Cấm Sơn (Bắc Giang), vừa kinh doanh tại nhà, chẳng bao giờ để cho chân tay được nghỉ. Đến mức, nhiều bạn bè, xóm giềng còn đùa: “Toan ơi, mày xem lại đi. Người như mày bị ung thư có phải nhầm không”.
Tin bị bệnh ung thư là một cái gì vô cùng đáng sợ với người dân quê. Vì thế, vợ chồng chị Toan giấu, kể cả với con trai lớn. Ảnh: NVCC.
Câu chuyện chiến thắng ung thư của chị Lại Thị Toan cả xã vùng lòng hồ này đều biết. Vào cuối năm 2014, khi con trai thứ hai 15 tháng tuổi, chị Toan bị một trận ho, dùng kháng sinh thế nào cũng không khỏi. Một hôm chị đi qua gương, chợt thấy một cái gì lạ trên cổ. Chị dừng lại, soi rồi chạm phải một hạch cứng như đá, nhưng không hề đau. “Tôi giật mình. Hạch mọc lúc nào tôi không biết. Tôi đi mua ngay cao về dán, nhưng gặp nóng, hạch càng sưng to hơn. Những hôm sau thì ho đờm có máu”, chị Toan kể.
Nghĩ mình bị phổi rồi, chị xuống một bệnh viện tuyến trung ương chuyên về bệnh này nhưng khám thì không có bệnh. Chị cũng làm sinh thiết, không việc gì.
Trở về nhà, ai mách chỗ cắt thuốc là chị mua đắp nhưng hạch không tan, ngược lại mặt sưng vù. Cho tới một ngày chị đến một bác sĩ trị hạch có tiếng, ông nhìn gương mặt chị, rồi nói: “Ca nào tôi gật đầu là chữa được. Trường hợp của chị, phải xuống ngay bệnh viện Hà Nội”.
Anh Thứ đã tìm hiểu về ung thư suốt một tháng và học được cách chăm sóc vợ. Nhờ đó, chị Toan có sức khoẻ tốt sau những lần xạ trị. Ảnh: NVCC.
Thế rồi chị Toan đến Bệnh viện K trung ương vào một ngày cuối năm 2014. Bữa đó anh Thứ, chồng chị ở nhà chăm con nhỏ, một người bạn gái dẫn chị đi. Khi có kết quả sinh thiết, vị bác sĩ trẻ nhìn chị trầm lặng, lát sau mới hỏi có ai đi cùng thì gọi vào. “Em xin thông báo chị Toan và người nhà, chị Toan bị ung thư vòm họng”. Lời tuyên án như sấm đánh ngang tai, người bạn đi cùng oà khóc. Chị Toan khi đó, chôn chân như cột cờ, đầu rỗng tuếch.
Bác sĩ nói cần nhập viện ngay, nhưng chị vô hồn bảo: “Ung thư thì chữa làm gì. Con tôi còn nhỏ lắm. Bảo hiểm chưa chuyển. Công việc chưa bàn giao. Hôm nay tôi không mang tiền”.
Thế rồi chị đòi đi ăn miến lươn Hà Nội. Cô bạn đi cùng khóc nức nở không nuốt nổi. Còn chị, nước mắt nhoà đi, nhưng vẫn cố ăn hết bán miến. Chị thích món này ở Thủ đô nhất mà, lần nào xuống cũng phải ăn.
Hai tiếng trên xe chị kìm nén không khóc. Đến lúc xuống xe, chị lao vào một căn phòng trong nhà người bạn, chốt cửa, trùm chăn khóc ròng hai tiếng.
Trong khi đó, anh Thứ ở nhà như ngồi trên đống lửa. Ban sáng gọi cho vợ liên tục, đến lúc vợ không nghe anh chuyển sang nhắn tin. Lần nào hỏi, cũng nhận được tin nhắn: “Không sao”. Đến cuối cùng, vợ không trả lời nữa. Không thể chịu nổi, anh gọi van nài người bạn của vợ nói cho mình.
Khi phát bệnh con trai mới 15 tháng. Nghĩ đến con thơ là động lực lớn nhất giúp chị Toan chiến thắng được bệnh. Ảnh: NVCC.
“Nghe được hai chữ ‘ung thư’, trong đầu hiện lên hình ảnh vợ bệnh, con thơ nhỏ. Rồi tôi lao ra khỏi nhà, cứ thế chạy bộ đến nhà bà chị vợ, ôm chầm lấy cu con đang gửi ở đó. Tôi khóc nức nở làm thằng bé sợ hãi khóc theo”, người đàn ông 46 tuổi, vẫn thấy ngực nhói đau khi nhớ lại…
Anh chị chủ trương giấu tin này, đến cả người chị gái trông hộ con cũng không kể. Sắp xếp ổn thoả mọi việc, hai vợ chồng khăn gói xuống Hà Nội.
35 mũi xạ trị là một cuộc chiến cam go. Nơi ấy, chị thấy có những người xạ đến mũi 30 vẫn phải ra đi, người không đủ tiền phải về chịu chết, cũng có những người đơn côi, chồng con ruồng bỏ… Động lực lớn nhất của chị lúc đó là con trai 16 tháng tuổi.
Anh Thứ cũng nghĩ tới con thơ, không cam lòng cảnh con xa mẹ nên thường đem ra động viên vợ: “Em mang nặng, anh sẵn sàng gánh đỡ hết. Nhưng em bệnh thì tự em phải cố. Em nhỡ có mệnh hệ gì, anh đau rồi cũng qua, chỉ có hai đứa con là khổ nhất”.
Vin vào một viễn cảnh chưa có thực mà chị cố gắng vượt qua từng mũi xạ, từ lúc còn ăn được cơm, sang những ngày phải uống sữa, húp nước cháo… Đến mũi thứ 18, người phụ nữ vốn tính kiên cường vậy mà bị đánh gục. Chị cảm tưởng không cầm cự được nữa. Nỗi nhớ con gào thét. Anh Thứ buộc phải dìu vợ về nhà.
Bốn ngày đầu về chị nằm liệt giường. Xóm giềng người này bảo người kia dắt díu nhau tới thăm vì nghĩ chị không qua được. May mắn sang ngày thứ 5, chị Toan húp được nước cơm, ngày thứ 7 ăn được cháo loãng, ngày thứ 10 thì ăn được cơm nát. Chị hồi lại, vui vẻ bên con cái, đi du lịch với đồng nghiệp. Nghỉ thêm một tháng Tết âm lịch nữa, hai vợ chồng mới quay lại viện tiếp tục xạ trị.
“Bác sĩ động viên tôi, tế bào ung thư cũng như bụi chuối. Khoét tận gốc rễ thì chiến thắng được bệnh, nhưng nếu lơ lửng thì nó chồi mầm lên còn non tơ, mãnh liệt hơn. Xạ trị tới mũi thứ 25, tôi đã nản lắm vì kết quả kiếm tra không suy giảm được chút nào”, chị Toan bộc bạch.
Ngày đó, anh Thứ nhất quyết một mình chăm vợ. Lúc vợ nằm là anh lên mạng tìm hiểu tất tật về bệnh này. Đến mức chị bệnh sút 4 cân, riêng anh chăm vợ sụt tới 6 kg chỉ trong một tháng. Nhờ tìm hiểu kỹ càng, mà anh chu toàn cho bữa ăn của vợ ở mức 400 nghìn đồng mỗi ngày, dù hai hai vợ chồng chỉ làm vườn và công tác ở xã, kinh tế bình bình.
Đối với bệnh nhân ung thư vòm họng, việc ăn rất khó khăn. Có những bữa sáng, chị thèm bún ăn không được, thèm phở nuốt không xong, thèm mỳ tôm, bánh cuốn anh chồng này cũng đi mua hết. Mỗi ngày anh ép chị ăn 4 cốc sinh tố bơ, sau đó còn gà tần, chim tần… Và mỗi ngày, anh không ngừng động viên: “Con đang còn rất nhỏ, đừng để nó bơ vơ”.
Với sự chăm sóc chu đáo của chồng, chị có sức khoẻ mà kiên trì. Sự cố gắng cũng được đền đáp khi xạ trị đến mũi 30 thì hạch tan biến. Cố gắng thêm 5 mũi nữa, tế bào ung thư đã được kiểm soát. Ngày nhận kết quả, anh chị hạnh phúc tới mức chào bác sĩ rồi ra về luôn… mà quên không thanh toán viện phí.
Song, vượt được cửa tử lần thứ nhất, chị Toan lại phạm sai lầm đẩy mình đến cửa tử thứ hai. Bởi về tới nhà, bà con kéo đến mách các chỗ bốc thuốc nam, anh chị nghe lượn khắp các tỉnh Bắc bốc thuốc. Mọi lời khuyên trước đó của bác sĩ, chị quên sạch.
“Uống thuốc nam phải kiêng ăn như những nhà sư ở chùa. Lúc ra viện tôi 49 kg, chỉ một tháng sau sụt xuống còn 40 kg. Tôi hoa mắt, không còn hơi thở, cảm tưởng mình chết đến nơi”, chị Toan nói.
Anh Thứ cấp tốc đưa vợ xuống viện, Lần này, anh khắc ghi lời bác sĩ, cứ miễn là thực phẩm giàu đạm từ bò, bê, ốc, thịt chó… đều ăn hết. Sau một tuần, chị Toan cảm thấy mình đã sống lại.
Tuân thủ lời bác sĩ, từ bấy tới nay đã bước sang năm thứ ba sau khi kiểm soát bệnh, chị ăn uống điều độ và khám định kỳ 3 tháng một lần. Sức khoẻ chị vẫn tốt, sống lạc quan và yêu thương nhiều hơn. Người phụ nữ nhỏ nhắn và kiên cường nói: “Mang trong mình căn bệnh ‘cái chết được báo trước’, nhưng tôi luôn thấy cảm ơn cuộc đời. Tất cả là nhờ người chồng đã chăm sóc tôi, những người thân luôn ở bên, đồng nghiệp giúp đỡ, động viên. Giờ đây đối với tôi sống được một ngày cũng trân quý”.
Cấm Sơn ngày cuối năm. Vợ chồng chị Toan vừa mua nhà mới, hai sào ruộng, một ha vườn, đầu tư mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp – nhiều việc lớn chỉ trong một năm. Ngày nào còn sống, chị Toan sẽ sống trọn để làm những điều tốt nhất cho người mình yêu thương.
Theo VnExpress