Trầm cảm chưa thực sự là chủ đề được bàn luận cởi mở trong gia đình hay nhà trường ở Việt Nam. Khi dạy về kỹ năng sống, giáo viên cũng thận trọng trước nội dung về trầm cảm và tự tử.
- Chùm ảnh động siêu hài hước giúp thư giãn trong ngày đầu tuần mới
- ‘Hóa phép’ xà phòng thành hoa ở chợ đêm Chiang Rai
Nhưng trước thực tế cuộc sống đang rất khác đi, đã đến lúc cộng đồng không thể làm ngơ được nữa mà cần bắt đầu trò chuyện, lắng nghe nhau.
Những áp lực giỏi giang
Rốt cuộc, ai là người chịu trách nhiệm cho những “dấu chấm hết” vì trầm cảm ở tuổi thanh xuân như Sulli – một ngôi sao trẻ của Hàn Quốc? Nhưng không phải với Sulli, không riêng gì với người nổi tiếng. Showbiz có thị phi của showbiz, cuộc đời cũng có thị phi của cuộc đời. Các bạn nhỏ ngày nay cũng sống trong môi trường mạng xã hội, không cách nào thoát khỏi những thị phi hằng hà sa số mỗi ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho rằng chính lứa tuổi thiếu niên là đối tượng công chúng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thông tin về thần tượng như Sulli. Khán giả thiếu niên ít nhiều vẫn ngụp lặn trong các vấn đề tâm lý tương tự Sulli.
Chị Hà Ngọc Nga (tác giả sách, hiện làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ em) nhận định: “Thêm một người trẻ rời bỏ cuộc sống vì trầm cảm cho thấy thế giới này đang muốn nuôi một đứa trẻ giỏi giang thay vì một đứa trẻ hạnh phúc”.
Để phục vụ nhu cầu có con giỏi giang của các bậc phụ huynh, trên mạng xã hội luôn ngập tràn những mẩu quảng cáo giúp các bậc phụ huynh biến con cái thành siêu nhân như: 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, 7 tuổi biết lập trình, 6 tuổi biết tính nhẩm nhanh hơn máy tính…
Có lẽ, những đứa trẻ như Sulli sẽ hạnh phúc hơn nếu không phải gánh trên mình danh hiệu “công chúa SM”, trở thành chuỗi trang sức đẹp đẽ cho một công ty đầy quyền lực.
Cuộc sống cần hạnh phúc
Anh Hoàng Dương (giáo viên kỹ năng sống) nói với Tuổi Trẻ: “Theo quan sát của tôi trong quá trình dạy học, áp lực sống đối với các bạn trẻ từ 10 đến 19 tuổi ngày càng nặng nề. Đây là đối tượng học sinh chính của tôi, cũng như các sinh viên cộng tác với tôi. Tôi thấy nhiều em có biểu hiện áp lực, stress, lo âu và cuối cùng là có dấu hiệu trầm cảm”.
Khi trò chuyện với lứa tuổi 10 đến 19, anh Dương nhận ra nhiều em có gia đình tan vỡ, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn. Điều này khiến các em mất điểm tựa trong cuộc sống hoặc nền tảng giáo dục gia đình tốt, dẫn đến dễ mất phương hướng, vụn vỡ niềm tin và dễ sa vào suy nghĩ tiêu cực.
Theo anh Dương, việc một thần tượng tự tử, lại sau quá trình đối mặt với bệnh tâm lý, sẽ để lại nỗi đau và mất mát sâu sắc ở nhóm khán giả từ 10 đến 19 tuổi. Mặc dù vậy, khi giảng dạy về kỹ năng sống, giáo viên cũng thận trọng trước nội dung về trầm cảm và tự tử. Họ hạn chế đưa chúng vào chương trình vì không lường trước được nguy cơ.
“Trước đây, khi tôi được huấn luyện thực hành công tác xã hội với các chuyên gia người Mỹ ở Đại học New York, có một bài tập là trò chuyện 1-1 với thân chủ là người mắc bệnh tâm lý. Các chuyên gia Mỹ nhắc rất kỹ rằng những từ như “chết” hay “tự tử” được khuyến cáo là không sử dụng”, anh Hoàng Dương cho biết.
Nhưng càng thận trọng, càng cân nhắc, để phụ huynh tự nhắc mình nhớ rằng con trẻ mỗi ngày mỗi lớn, mỗi lúc càng đối diện với hằng hà sự dao động phức tạp trong tâm hồn đang va vấp để trưởng thành ấy. Làm thế nào để con trẻ sống hạnh phúc, thay vì nhốt mình trong những nhọc nhằn, rất cần sự thấu suốt từ mẹ cha…
Mới 10 tuổi, cô diễn viên nhí Sulli đã gây ấn tượng vì xuất hiện xinh xắn rạng ngời trong bộ phim Bài ca Seo Dong, được công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc là SM ký hợp đồng, được cưng chiều gọi là “công chúa SM”. Thời niên thiếu của cô là đáng mơ ước trong mắt xã hội khi càng lớn càng đẹp rực rỡ, trở thành thành viên tâm điểm trong nhóm nhạc nữ f(x). |
Theo tuoitre.vn