Muốn “xanh’, cần sự cộng hưởng của “3 nhà”

Gần như tất cả chủ nhà khi có nhu cầu cất nhà, làm việc với người thiết kế đều mong muốn ngôi nhà của mình tối ưu về mọi mặt, từ bền vững, thích dụng, thẩm mỹ và kinh tế dù không phải bất kỳ chủ nhà nào cũng có đầy đủ sự hiểu biết và có khả năng diễn tả hết các khái niệm này…

6.MUỐN “XANH”, CẦN SỰ CỘNG HƯỞNG CỦA “3 NHÀ”

Ngoài ra, không phải người thiết kế nào cũng được trang bị đủ kiến thức về vấn đề cây xanh trong công trình nói chung, nhà ở nói riêng. Xanh trong chốn ở ngỡ giản đơn song không hoàn toàn đơn giản.

Góc độ chủ nhà:

Như đã nói, tuy không đề cập một cách cụ thể đến tất cả yêu cầu (bền vững, thích dụng, thẩm mỹ, kinh tế) song tựu trung chủ nhân luôn mong muốn ngôi nhà của mình có giá trị mọi mặt và đó là mong muốn thường tình, dễ hiểu. Tuy vậy, rủi ro ở chỗ mong muốn không luôn tỉ lệ thuận với tâm thế sẵn sàng chấp nhận các yếu tố để biến mong muốn ấy thành hiện thực. Cụ thể, cây xanh tuy có chức năng tạo vi khí hậu, làm mát ngôi nhà về mặt sinh lý cả tâm lý, tăng thẩm mỹ cho ngôi nhà nhưng không nhiều chủ nhà sẵn sàng ưu ái một diện tích đủ để đáp ứng sự hiện diện của nó. Đề cập đền sự hiện diện của cây xanh trong nhà ở với chức năng cải tạo vi khí hậu (chức năng chính) là đề cập đến diện tích nhất định dành cho nó: đó là sân vườn, nhỏ hơn là không gian giếng trời, kế đến là bồn và sau cùng là chậu.6.MUỐN “XANH”, CẦN SỰ CỘNG HƯỞNG CỦA “3 NHÀ”1

Bản thân người viết gặp rất nhiều khách hàng tuy sẵn sàng mất rất nhiều thời gian lên mạng tra cứu mẫu nhà được cho là đẹp song sẵn sàng và mau mắn “gạt ngang” khi người thiết kế đề cập đến sân vườn, giếng trời trong phương án thiết kế chỉ vì lý do “mất diện tích”, “phiền toái” (trong chăm sóc, bão dưỡng, chưa kể những nỗi sợ cả mơ hồ lẫn thực tế từ những “người bạn” của cây xanh trong quá trình phát triển là rắn rết, côn trùng, tiêu thoát nước…). Ngay cả trong trường hợp người thiết kế không ngại mất nhiều thời gian, công sức thậm chí mất cả cơ hội hợp tác khi cố gắng thuyết phục nhiều chủ nhà về việc chấp nhận giảm thiểu một ít diện tích cho các không gian khác nhường chỗ cho cây xanh theo nguyên lý “bớt để được thêm” thì việc chủ nhà không đủ kiên nhẫn lắng nghe, để rồi dễ dàng “khoát tay” vẫn thường là sự phản hồi mà người thiết kế nhận được.

Trong trường hợp không ngán ngại những “người bạn” của cây xanh thì một lý do khá thuyết phục mà người thiết kế đành “thúc thủ” trước các gia chủ hiện nay, đó là không có thời gian chăm sóc?! (Rõ ràng, cây xanh muốn phát huy hết hiệu năng trong không gian ở thì gia chủ phải cất công chăm sóc hoặc thuê người chăm sóc là thực tế khó tránh). Nói cách khác, có vẻ như vấn đề cải tạo vi khí hậu, tạo thẩm mỹ cho ngôi nhà bằng cây xanh đối với nhiều khách hàng vẫn còn là khái niệm tuy không mới, là mong muốn khi cất nhà song lại trớ trêu khi nó khó thành hiện thực bởi nguyên do chủ quan đến từ… chính chủ nhân ngôi nhà.

Góc độ người thiết kế:

Một cách công bằng hay nói kiểu dân gian là “nói đi cũng nên nói lại”, là chốn ở thiếu chất lượng có nguyên do thiếu vắng sự hiện diện của cây xanh không hẳn chỉ xuất phát từ “lỗi” duy nhất của khách hàng. Có điều kiện tiếp cận nhiều công trình kể cả “vắng tênh” cây xanh hoặc có sự hiện diện khá nhiều cây xanh song hiệu quả mang lại từ chúng rất ít – dù rằng trong bản thiết kế từ bố trí tổng thể đến từng mặt bằng chi chít màu xanh – màu “diễn họa” của cây xanh trong công trình.6.MUỐN “XANH”, CẦN SỰ CỘNG HƯỞNG CỦA “3 NHÀ”2

Theo người viết, thực trạng trên có hai nguyên do chính. Một là, sự sa đà vào lối diễn họa kiểu “khuếch đại” cây xanh trên bản vẽ vốn đã ăn sâu vào “máu” của người thiết kế từ khi còn ngồi trên ghế trường kiến trúc: sẵn sàng chấm “màu xanh” vào các vị trí hoặc người thiết kế… tưởng tượng ra sự hiện diện của chúng (cây xanh) là sẽ đẹp, sẽ “mát” dù thực tế diện tích ấy không đủ lớn cho sự tồn tại của cây xanh hoặc đơn giản hơn đó là những vị trí trống được “chấm xanh” kiểu “tiện tay”. Những “ô tròn tròn màu xanh” chi chít trên các mặt bằng khi này đích thị chỉ có thể là các chậu cây kiểng sau khi công trình hoàn thành, do lẽ người thiết kế cùng với các mặt bằng ấy đã sẵn sàng bố trí mặt bằng lát gạch ngay bên dưới chúng.

Nguyên do thứ hai có vẻ vi tế hơn, và nói ra là dễ… mất lòng. Đó là sự hiểu biết nhất định của người thiết kế về chủng loại, sự phát triển, sinh trưởng của cây xanh trong môi trường ở hạn hẹp diện tích (điều này khá dễ hiểu và dễ cảm thông, bởi suy cho cùng không phải kiến trúc sư nào cũng đồng thời là chuyên gia cảnh quan, cây xanh). Cạnh đó là sự “vô tư” trong cách bố trí không gian cho cây xanh theo hướng hoặc bất lợi cho sự tiếp xúc với các điều kiện tự nhiên để phát triển như nắng, mưa; hoặc tiêu thoát nước tưới hoặc nước mưa (thấm tự nhiên). Một trong nhiều giới hạn là sự “hồn nhiên” trong hiểu biết về giếng trời, nơi thường dành cho cây xanh trong công trình hay chốn ở. Nhiều người thiết kế hay tiện tay kẻ một ô màu xanh trên bản vẽ và ghi chú “giếng trời” rồi sẵn sàng úp một tấm kính hay tấm lợp lấy sáng cố định trên mái ngay vị trí ấy, mà quên rằng nguyên lý của sự vận hành không khí là để nhà mát thì không khí phải đối lưu (nguyên tắc kiểu bình thông nhau), tức mái của giếng trời phải là mái hở thì nhà mới thoáng, chưa kể cây xanh cũng cần “được thở”. Nói cách khác không thể cứ “nhốt” cây xanh vào cái “lồng kính” rồi an tâm là chúng sẽ sinh trưởng và phát triển tốt trong chốn ở.

Vậy nên, để cây xanh tồn tại và phát triển tốt trong ngôi nhà, vấn đề tiên quyết là cần sự hợp tác từ hai phía là khách hàng và người thiết kế, mà vai trò chủ đạo nghiêng về người thiết kế còn (rủi ro là) vai trò quyết định thuộc về phía có quyền định đoạt là chủ nhà.

Cuối cùng, khi sự cộng hưởng từ hai “nhà” nói trên (nhà thiết kế, chủ nhà) đã có (điều kiện cần), để cây xanh phát huy hết hiệu năng cho chốn ở, vai trò của “nhà” thứ ba là chuyên gia cảnh quan, cây xanh chắc chắn sẽ là điều kiện đủ!

Theo tcnhadep.com

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN