Khi mang thai hay khi đã sinh con ra đời, bà mẹ nào cũng muốn con mình được khỏe mạnh và xinh đẹp nên nghe ai mách gì cũng làm theo. Thực tế thì những mẹo vặt chăm sóc bé hàng ngày đó có thực sự chính xác?
Con gái chào đời với nước da ngăm ngăm đúng “xì tai” của bố, nghe lời bạn bè mách nên tôi ngày nào cũng mua dừa về lấy nước tắm cho con. Nhưng mới chỉ 3-4 hôm, da con tôi đã nổi mẩn đỏ. Đưa con đi bệnh viện thì bác sĩ bảo bé bị viêm da do tắm nước dừa. Vậy có cách nào cho da con tôi trắng không?
Theo cảnh báo của bác sĩ nhi khoa thì tắm nước dừa không có tác dụng làm trắng da, thậm chí dễ gây nguy cơ viêm da, hăm lở da ở trẻ sơ sinh.
Da bé trắng hay đen là do quy định lượng melanine có trong tế bào da, được di truyền từ da bố mẹ. Nước dừa không thể quyết định được tính chất da, màu da, do đó không có khả năng giúp làn da của bé trắng lên như nhiều người vẫn đồn thổi.
Hơn nữa, nước dừa có chứa nhiều protein, chất béo, vì thế nếu có dùng để tắm sẽ chỉ giúp dưỡng da cho bé, còn với mong muốn trắng da thì không nên hy vọng. Nếu muốn tắm nước dừa cho trẻ chỉ nên giới hạn 1 lần/tuần. Tuy nhiên, khi tắm phải hết sức chú ý đến nguy cơ có thể xảy ra đối với làn da của trẻ. Vì nước dừa chứa nhiều chất, lại ngọt nên sẽ là “miếng mồi ngon” cho kiến và côn trùng. Chỉ cần sót lại một tí trên da, bé cũng dễ gặp khốn đốn do sự “tấn công” không khoan nhượng của kiến…
Tốt nhất, ta chỉ nên tắm cho trẻ bằng nước sạch, ấm và bằng xà phòng dùng cho trẻ, không có nhiều chất xút.
Khi con gái được gần 3 tháng tuổi, nhiều người khuyên tôi nên cắt tóc máu cho bé để sau này tóc đen, dày hơn. Tôi băn khoăn vì quả thực đã nghe ở đâu đó rằng không nên cắt tóc cho bé trước khi bé được 1 tuổi?
Thực tế, người lớn cần chú ý tốc độ mọc tóc để lựa thời điểm cắt tóc cho bé. Thông thường, không nên cắt tóc cho bé dưới 1 tuổi, vì giai đoạn này da đầu bé mỏng dễ bị tổn thương, sau khi cắt nếu tóc mọc chậm sẽ không bảo vệ được da đầu bé. Nhưng nếu tóc bé mọc nhanh thì mẹ có thể chọn thời điểm “xuống tóc” cho bé sớm hơn, tránh cho bé cảm giác ngứa ngáy, khó chịu vì tóc mọc quá rậm. Nhiều người quan niệm việc thường xuyên cắt tóc máu sẽ kích thích tóc bé mọc nhanh và đen hơn. Thực ra, tóc mọc nhanh hơn thì có thể, nhưng chưa chắc đã đen vì việc này phụ thuộc vào yếu tố di truyền từ cha mẹ.
Tôi được biết rằng rau ngót là một thực phẩm giàu dưỡng chất, rất bổ ích cho mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì các món ăn từ rau ngót lại được cảnh báo nguy hiểm. Vấn đề này thực hư như thế nào?
Nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng từ rau ngót cho thấy trong rau ngót có 5,3% protid; 3,4% glucid; trong đó chủ yếu là canxi (169mg%), phospho (64,5mg%); vitamin C (185mg%). Rau ngót có nhiều axít amin cần thiết. Ví dụ như trong 100g rau ngót có 0,16g lysin; 0,13g metionin; 0,05g tryp-tophan; 0,25g phenylalalin, 0,34g treonin, 0,17g valin, 0,24g leuxin và 0,17g izoleucin…
Cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra tác hại của rau ngót với thai kỳ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau đẻ, sau sẩy, sau nạo chữa sót nhau bằng cách: Hái độ 40g lá rau ngót, rửa sạch giã nát, thêm một ít nước đã đun sôi để nguội vào. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15-20 phút nhau sẽ ra. Thực tế có nhiều bài thuốc để chữa chậm kinh và phá thai từ món rau ngót, nên món ăn từ rau ngót được cảnh báo là có hại cho thai kỳ mà thai phụ nên hạn chế ăn, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sẩy thai liên tiếp, đẻ non, con quý hiếm (thụ tinh trong ống nghiệm) thì nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao. Tốt nhất hãy chờ đến khi sinh nở xong bạn có thể thoải mái chế biến và thưởng thức món canh rau ngót.
Phụ nữ mang thai bình thường thỉnh thoảng vẫn có thể ăn một ít rau ngót luộc hay nấu canh. Tuy nhiên, phải chọn rau sạch, tươi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ngộ độc.
Phụ Nữ Ngày Nay