Đối với nhiều bé, việc uống thuốc khi bị ốm như một “cực hình” khiến bé quấy khóc, nôn trớ và bố mẹ cũng phải nghĩ ra đủ chiêu trò để có thể cho con uống thuốc.
Nhiều bé còn sợ việc uống thuốc đến mức chỉ nhìn thấy bố mẹ cầm viên gì đó trong tay (gần giống như viên thuốc) là tránh xa bố mẹ ngay lập tức. Dưới đây là 9 cách để các mẹ có thể áp dụng để việc cho con uống thuốc được dễ dàng.
1. Tạo tư thế dễ chịu cho bé
Mẹ hãy để bé có tư thế uống thuốc thoải mái: đầu bé ngẩng cao, mặt hơi nghiêng rồi mẹ từ từ đưa thìa thuốc vào phía bên trong cằm bé. Mẹ chú ý đừng cho thuốc vào quá gấp rồi vội vàng lấy muỗng ra bởi điều này có thể khiến bé sợ hãi.
Các mẹ cũng lưu ý, sau khi vừa uống hoặc thời gian uống thuốc không lâu mà bé đã bị nôn thuốc ra ngoài, mẹ cần bổ sung lại lượng thuốc trên để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bé.
2. Tạo tâm lý thoải mái cho bé
Mẹ đừng để việc uống thuốc trở nên căng thẳng với bé và các thành viên khác trong gia đình. Nếu các mẹ đã dỗ dành… mà các bé vẫn không chịu uống thuốc, hãy để bé thư giãn một chút. Cách làm này sẽ giúp bé và mẹ bình tĩnh hơn, để bé có thể thoải mái, lấy lại sự tự tin và chấp nhận việc uống thuốc.
3. Cho bé được lựa chọn
Bên cạnh việc tạo tư thế cho con uống thuốc và tâm lý uống thuốc thoải mái cho bé, các mẹ có thể “dụ” bé uống thuốc được dễ dàng bằng cách cho bé được quyền lựa chọn. Bé được tự mình chọn việc uống thuốc sẽ được đi chơi cùng bố mẹ, anh/chị hay được về ông bà nội/ngoại, được ăn món bé yêu thích… hoặc không có gì cả nếu bé không uống thuốc. Cách làm này của mẹ sẽ giúp bé thấy mình không hề bị bố mẹ ép phải uống thuốc.
4. Khích lệ, động viên bé
Mẹ có thể nói với bé rằng: “Con đã lớn và có thể tự mình uống thuốc được phải không?” hay là “Con đã lớn rồi, những viên thuốc này chẳng có gì là đáng sợ cả”… Những điều này sẽ tạo cho bé ý thức về điều mình cần làm, bởi vì bé đã lớn và bé uống thuốc để chóng hết bệnh, được đi chơi cùng gia đình, bạn bè.
5. Lựa chọn thời điểm thích hợp để bé uống thuốc
Mẹ có thể hình thành thói quen uống thuốc đúng giờ cho bé bằng cách dán một bảng ghi chú ngay tại cửa phòng của bé, bàn học hay trên tủ lạnh để bé có thể theo dõi, đánh dấu vào đó sau mỗi lần uống thuốc.
6. Kết hợp thuốc và các thức khác
Với cách làm này, mẹ cần xin ý kiến của bác sỹ xem có thể pha thuốc uống cho bé với các loại nước khác nhau (như nước ép trái cây…) được hay không để tránh các trường hợp phản ứng thuốc, giảm tác dụng của thuốc.
7. Không cưỡng ép bé
Khi bé không chịu uống thuốc, mẹ không nên dùng các biện pháp khống chế hay cưỡng ép, buộc bé phải uống thuốc như dùng roi vọt, phạt bé một điều gì đó… Cách làm này sẽ tạo tâm lý lo lắng, sợ hãi cho bé trong những lần uống thuốc sau. Có thể khiến bé chỉ nhìn thấy bố mẹ cầm viên gì đó trong tay (gần giống như viên thuốc) là tránh xa bố mẹ ngay lập tức.
8. Giải thích cho bé hiểu
Mẹ có thể giải thích cho bé hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tật với sức khỏe – tác dụng của thuốc với các bé đã đi học, nhận thức được vấn đề. Thêm vào đó, các mẹ cần có thái độ dứt khoát, yêu cầu bé uống thuốc. Chính thái độ nghiêm túc của bố mẹ sẽ làm bé hiểu rằng uống thuốc là việc bé bắt buộc phải thực hiện.
9. Có thể thay bằng tiêm, truyền thuốc
Với các bé uống thuốc mà nôn quá, không uống được, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sỹ, thay thế đường uống bằng đường dùng khác như tiêm, truyền thuốc để trị bệnh cho bé.
Lưu ý:
– Bố mẹ không được để bé tự uống thuốc, chơi với thuốc để tránh bé tò mò, tự ý uống thuốc, nguy cơ ngộ độc thuốc nguy hiểm.
– Bố mẹ tuyệt đối không dỗ dành bé uống thuốc bằng cách nói “thuốc là kẹo”. Điều này hết sức nguy hiểm bởi khi bố mẹ/người lớn vắng nhà, sơ ý để thuốc trong tầm với của bé, bé tưởng thuốc là kẹo sẽ lấy ra ăn/uống. Bé sẽ uống nhầm thuốc, uống thuốc quá liều, dị ứng, ngộ độc thuốc và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Hơn nữa, nếu bố mẹ nói dối bé thuốc là kẹo ngọt để bé đồng ý uống thuốc sẽ làm mất đi niềm tin của bé về sau. Bé sẽ cho rằng bố mẹ nói dối được và bé cũng có thể nói dối như vậy.
– Bố mẹ cần để mọi loại thuốc, hóa chất trong nhà xa tầm với của bé. Tủ thuốc nên được để chắc chắn ở trên cao, xa tầm nhìn, tầm với của bé và cần được ghi nhãn thuốc rõ ràng.
Nguồn Tri thức trẻ