Phần lớn những sản phẩm thức ăn cho trẻ em trên thị trường đều có nhiều đường. Hàm lượng đường cao có thể gây hỏng răng và ảnh hưởng đến sở thích thực phẩm ở tuổi trưởng thành.
- Cách chữa nấc ngay lập tức tại nhà
- 12 thực phẩm giàu collagen giúp hiện thực hóa ước mơ trẻ mãi với thời gian
- Vì sao con cần bố: Trẻ em yêu tiếng nói của mẹ nhưng lại học ngôn ngữ từ cha
Trong một thông cáo báo chí hôm 15-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi các nhà sản xuất hạn chế dùng đường trong thức ăn cho trẻ em có bán trên thị trường.
Lời cảnh báo này đưa ra sau khi có những phân tích từ 7955 sản phẩm thực phẩm hoặc đồ uống được bán cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 516 cửa hàng ở Anh, Đan Mạch và Tây Ban Nha trong năm 2017-2018. Mặc dù các sản phẩm như sữa, thức ăn đóng hộp đều tuân thủ quy định về muối, protein, chất béo và carbohydrate, nhưng nhiều sản phẩm lại có quá nhiều đường.
Ngay cả thức ăn dặm và sữa bột cho trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng có hàm lượng đường cao vượt mức quy định cho độ tuổi.
Hấp thụ quá nhiều đường trước mắt sẽ làm hỏng răng của trẻ. Lâu dài sẽ tăng nguy cơ “hảo ngọt”, dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em. Hệ lụy của nó là rất nhiều bệnh tật do béo phì ở tuổi trưởng thành.
Phân tích của tổ chức WHO cho thấy phần lớn sản phẩm cho trẻ em có chứa tới 30% lượng đường, thậm chí một vài loại có tới 70% tổng lượng calo. Lượng đường này đến từ trái cây xay nhuyễn và các loại tinh chất. Nhiều loại thức ăn mặn được bán ở Anh và Đan Mạch cũng có tới hơn 15% đường.
WHO lên tiếng rằng, tất cả các loại đường bổ sung, bao gồm cả nước trái cây cô đặc, nên bị cấm dùng đối với tất cả các loại thực phẩm thương mại dành cho trẻ em. Lượng đường từ trái cây chỉ nên dưới 5% tổng calo của thực phẩm mặn và dưới 15% đối với thức ăn nhẹ như bánh quy.
Không nên sản xuất, bán hoặc sử dụng nước trái ép trái cây, sữa thay thế, bánh kẹo hoặc đồ ăn nhẹ vị ngọt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 36 tháng.
Tiến sĩ João Breda, phụ trách văn phòng của WHO tại châu Âu về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm, cho biết tổ chức này rất quan tâm đến lượng đường cao trong thực phẩm trẻ em và việc dán nhãn sản phẩm. Nhiều loại thực phẩm trẻ em thường nhãn gây hiểu lầm.
Gần như tất cả các quảng cáo và nhãn dán trên sản phẩm đều khẳng định về chất lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của trẻ. Khoảng 60% sản phẩm có dán nhãn “phù hợp cho trẻ dưới 6 tháng tuổi”, trong khi khuyến nghị của WHO là “chỉ nên trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn”.
Các nhãn hiệu như “không chứa đường”, “hoàn toàn từ thực phẩm hữu cơ” hoặc “không chứa chất bảo quản” đánh lừa cha mẹ nghĩ rằng chúng tốt cho sức khỏe của con mình. Bất kỳ sản phẩm nào “không có đường” cũng đều có thể chứa một lượng lớn đường fructose từ trái cây.
Tuy nghiên cứu mới dừng ở các quốc gia châu Âu nhưng các sản phẩm này đều được bán trên toàn thế giới. Do đó, tất cả cha mẹ vẫn rất nên lưu ý vấn đề này.
“Mặc dù trẻ sơ sinh thích vị ngọt của sữa mẹ, nhưng không vì thế mà cha mẹ cho con sử dụng nhiều sữa và sản phẩm thay thế. Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc các sản phẩm phù hợp với độ tuổi, khi hàm răng và hệ tiêu hóa đã phát triển khỏe mạnh đầy đủ”, tiến sĩ João Breda nói.
Theo tuoitre.vn