Sự thật thú vị về nụ cười của trẻ sơ sinh

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng trẻ sơ sinh cười chỉ là phản xạ tự nhiên thôi vì chúng chưa biết điều hòa cảm xúc hay tương tác xã hội. Nhưng nghiên cứu mới đây đã chỉ ra điều ngược lại.

Như nhiều người mới làm cha làm mẹ, tôi dành gần như mọi giây phút để ngắm nghía khuôn mặt con, từ cánh mũi mềm nhỏ xinh cho đến hàng lông mi bé xíu, mịn mướt. Và trời ơi, còn nụ cười nữa chứ.

Trừ khi nếu tôi lu loa thật to lên rằng, bé con mới sinh của tôi đang cười, hẳn sẽ có người nào đó nhún vai đáp lại: “Ôi, chỉ là phản xạ của bé thôi. Trẻ sơ sinh thì biết gì mà cười” hoặc “Không, đừng ngốc thế chứ!”.

Quả thật, tất cả những cuốn sách tôi từng đọc đều nói trẻ sơ sinh không thực sự cười. Có lẽ vì mọi người nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên chưa hay biết những gì đang diễn ra nên không có chuyện trẻ sơ sinh cười thật đâu. Dù vậy, tôi dám chắc con đang mỉm cười với mình. Bởi tôi thề rằng, đôi lúc, con cười sau khi tôi cười với con! Các con rõ ràng đã đáp lại tình yêu của mẹ đang tuôn trào trong cơ thể tôi.

Emese Nagy tin rằng trẻ sơ sinh cười không chỉ là phản xạ tự nhiên.
Emese Nagy tin rằng trẻ sơ sinh cười không chỉ là phản xạ tự nhiên.

Hóa ra, tôi không phải người duy nhất tin rằng nụ cười của trẻ sơ sinh là thật. Emese Nagy, bác sĩ, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu của Đại học Dundee (Scotland), viết trên tờ The Conversation, rằng nụ cười trẻ sơ sinh “không chỉ là phản xạ”. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy phản ứng cảm xúc mà trẻ sơ sinh đang trải nghiệm, ngay cả trong những ngày hay tuần đầu tiên đến với cuộc sống.

Nagy giải thích rằng, từ trước đến nay mọi người đều cho rằng trẻ sơ sinh là những sinh vật bé xíu chỉ biết phản xạ và không thực sự có khả năng diễn tả hay điều hòa cảm xúc của mình, cũng như chưa biết tương tác xã hội.

Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi. Trẻ sơ sinh có thể cảm thấy đau y như mức độ mà người trưởng thành cảm nhận được. Trẻ có khả năng tự điều hòa bản thân. Nếu bị kích thích quá nhiều, trẻ sẽ ngủ để tắt đi kích thích đó. Nếu có nhu cầu nào đó, trẻ sẽ khóc để thông báo cho bạn biết.

Nagy cũng cho rằng, trẻ sơ sinh có thể nở nụ cười của chính mình sớm nhất là khoảng 36 giờ đầu tiên sau sinh.

Nagy đã tiến hành nghiên cứu vô số dữ liệu về chủ đề này. Bà khẳng định, luôn có bằng chứng xác nhận nụ cười của trẻ sơ sinh mang cảm xúc và thể hiện sự đáp lại.

“Đã có những dấu hiệu cho thấy nụ cười trẻ sơ sinh có thể biểu hiện cảm xúc tích cực tới một mức độ nào đó”, Nagy giải thích. “Những nụ cười của trẻ đã được ghi nhận trong vài ngày đầu tiên sau sinh như là phản ứng cho những cái vuốt má, xoa bụng. Trẻ sơ sinh cũng cười để đáp lại mùi vị ngọt ngào”.

Nguyên nhân các nhà khoa học trước đây không bao giờ tin rằng những nụ cười của trẻ sơ sinh có thật là bởi họ cho rằng, những nụ cười ấy thực sự rất khác so với những nụ cười mang tính giao tiếp xã hội. Nụ cười “thật”, theo các nhà nghiên cứu, liên quan tới không chỉ miệng mà còn các cơ quanh mắt – dạng như bạn hơi nheo mắt lại lúc mỉm cười. Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã quan sát nụ cười của trẻ sơ sinh và phát hiện thấy chúng chỉ liên quan tới cơ miệng. Do đó, họ kết luận rằng, đó không hẳn là cười. Nhưng quan niệm này đang thay đổi.

Trẻ sơ sinh học về sức mạnh của nụ cười từ rất sớm.
Trẻ sơ sinh học về sức mạnh của nụ cười từ rất sớm.

Nagy nhấn mạnh rằng các cơ khác cũng tham gia vào quá trình nảy nở nụ cười của trẻ: “Trẻ sơ sinh thường bắt đầu bằng việc chuyển động má và lông mày trước khi cười, như thể để tập trung chú ý vào khuôn mặt người đối diện. Do đó, hoàn toàn có khả năng những em bé này thực sự có ý định mỉm cười”.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực về ý nghĩa, mục đích của những nụ cười ở trẻ sơ sinh. Chúng thực sự là cách trẻ đáp lại một cử chỉ yêu thương nào đó từ người chăm sóc mình. Nagy tiết lộ: “Trẻ sơ sinh học về sức mạnh của nụ cười từ rất sớm. Trong khi người chăm sóc thường cười với đứa trẻ của mình, họ thường không cười nếu bé đang khóc. Kết quả, trẻ sơ sinh nhanh chóng tích lũy được khả năng đáng kể trong việc nhận biết hành vi của cha mẹ. Nếu trẻ nhìn vào mắt bạn, chớp mắt và mỉm cười, cha mẹ trẻ thường sẽ mỉm cười đáp lại. Từ đó, làm cho nụ cười của bé trở nên hoàn toàn xứng đáng”.

Thật tuyệt khi biết quan điểm của mình có cơ sở khoa học hẳn hoi. Nhưng thành thật mà nói, dù bạn hiểu những dữ liệu trên như thế nào, tôi nghĩ phần lớn các bà mẹ chúng ta đều biết từ tận trái tim mình rằng, nụ cười của con là cảm xúc thật. Và khi chúng ta ngắm con mỉm cười với mình, nó đáng giá hơn bất cứ liều thuốc nào trên thế giới này.

Vài nét về tác giả:

Wendy Wisner là biên tập viên của Scary Mommy. Các bài viết của cô từng xuất hiện trên Brain, Child Magazine; Babble; The Washington Post; The Huffington Post… Wendy là mẹ của 3 bé trai. Cô cũng đảm nhận công việc của một chuyên gia tư vấn sữa mẹ. Bạn có thể tham khảo các chia sẻ của cô trên website www.wendywisner.com.

Theo Helino (nguồn: Kid, Mommy)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN