Số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ 4-8 tuổi bị sâu răng, hơn 90% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Bệnh sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ (tinh thể canxi) của ngà răng và men răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.
Sâu răng khiến răng trẻ cực kỳ đau buốt do tủy răng bị tổn thương, nếu không điều trị tủy răng kịp thời gây ra viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây có mủ trong răng. Sâu răng trẻ em còn là nguyên nhân gây viêm hạch, viêm tủy xương, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm trên. Với trẻ em bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không được điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Ngoài những hậu quả trên sâu răng còn gây ra chứng hôi miệng. Vậy làm sao để bảo vệ chăm sóc răng của trẻ đúng cách? Hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây nhé.
Không nhai thức ăn cho trẻ
Bất kể việc nhai thức ăn cho trẻ để kiểm tra nhiệt độ của thức ăn hay để giúp trẻ nhai những thức ăn dai thì việc này hoàn toàn không nên. Việc này khiến những vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào thức ăn và răng miệng của trẻ, đặc biệt đối với cha mẹ cũng bị sâu răng. Ngoài việc mất vệ sinh thì việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của răng miệng trẻ, cha mẹ nên hạn chế và sử dụng những phương pháp khác để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chế độ ăn
Đúng là ngoài việc chải răng, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất lớn đến răng miệng của trẻ. Trước tiên, cần hạn chế cho trẻ ăn vặt, đặc biệt là các chất đường, bột dính như bánh kẹo, nước ngọt… Cần tăng cường thức ăn bổ dưỡng tốt cho răng và nướu như rau quả, trái cây tươi, phô mai…
Không hôn trẻ thường xuyên
Đứa trẻ nào cũng rất dễ thương và là “cục cưng” trong mắt cha mẹ, điều đó khiến lúc nào cha mẹ cũng muốn hôn trẻ để thể hiện sự yêu thích đó. Nhưng trên thực tế thì việc này cũng có hại cho trẻ, nó không vệ sinh và không tốt cho sức khỏe của trẻ. Nếu hôn trẻ thường xuyên sẽ khiến vi khuẩn từ miệng người lớn sẽ truyền sang trẻ, gây sâu răng và các vấn đề sức khỏe khác.
Vệ sinh răng miệng
Với trẻ dưới 2 tuổi, nên chải răng cho trẻ (hoặc lau bằng gạc) nhẹ nhàng sau mỗi lần bú hoặc khi uống nước có đường.
Với trẻ lớn hơn, nên cho trẻ làm quen với việc đánh răng và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách. Hướng dẫn trẻ cách làm sạch kẽ răng bằng các phương pháp chải răng kết hợp dùng chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ răng; vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần trong ngày (sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ); dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn giắt ở kẽ răng. Với trẻ trên 2 tuổi, bắt đầu hướng dẫn trẻ chải răng bằng bàn chải và kem đánh răng đúng phương pháp.
Theo Hạ Tú (ngoisao.vn)