Sự thay đổi khí hậu một cách thất thường và đột ngột làm hệ miễn dịch của nhiều trẻ trở nên “mong manh” hơn, từ đó tạo điều kiện cho virus gây bệnh dễ dàng phát triển và lan truyền.
- Chuyên gia mách bí quyết chăm sóc trẻ bị ho
- Điểm danh một số sai lầm khi chăm sóc trẻ thời điểm giao mùa
- Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi
Trên trang cá nhân của Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhiệt đới 2 đã đưa ra những chỉ dẫn chi tiết về cách chăm sóc khi trẻ bị ốm trong thời điểm giao mùa.
Cũng theo BS. Hoàng Quốc Tưởng, trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm kèm theo sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ dễ khiến trẻ mắc phải các bệnh về viêm đường hô hấp, tiêu chảy, cảm cúm,… Tuy nhiên hầu hết đều là các bệnh lành tính và ít gây biến chứng nếu biết cách chăm sóc trẻ.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhiệt đới 2
Chích ngừa cúm đầy đủ
Bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp và có những biến chứng khá nặng nề. Do vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm chính là tiêm phòng. Chích ngừa vắc-xin cúm cho trẻ em giúp tạo kháng thể chủ động bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Trẻ đã tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, giảm nguy cơ các biến chứng nặng của cúm, thời gian bị bệnh ngắn hơn trẻ chưa tiêm ngừa. Theo đó, để đối phó với thời điểm virus cúm hoạt động mạnh hàng năm ở nước ta, nên chích ngừa vắc ngừa xin cúm vào khoảng tháng 10, 11 hàng năm.
Song, với những trẻ dưới 6 tháng được nhận miễn dịch từ mẹ, nên nếu mẹ có chích ngừa cúm trước hoặc trong mang thai mà cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Còn với những trẻ trên 6 tháng hoàn toàn có thể chích ngừa.
Đừng bất chấp tìm mọi cách hạ sốt ngay tức thì
Khi trẻ sốt, nhiều cha mẹ lo sợ các biến chứng do sốt gây ra nên đã cố bất chấp tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, thay vì thế, điều bố mẹ cần làm là cố gắng bình tĩnh tìm nguyên nhân gây ra sốt là gì, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, uống hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C làm trẻ khó chịu, quấy khóc.
Lúc này, thuốc hạ sốt an toàn có thành phần Paracetamol với liều 10 -15 mg/kg/ 1 lần uống, uống cách 4 – 6h, một ngày có thể uống tối đa 5 lần. Ví dụ trẻ nặng 5 – 8kg uống 1 gói Hapacol 80/lần; trẻ nặng 10 – 15kg uống 1 gói Hapacol 150/lần; trẻ nặng 16 – 25kg uống 1 gói Hapacol 250/lần.
Điều bố mẹ cần làm là cố gắng bình tĩnh tìm nguyên nhân gây ra sốt là gì, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, uống hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. (Ảnh: Internet)
Bình tĩnh khi con ho
Ngoài sốt, ho nhiều khi cũng không phải là một dấu hiệu xấu. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ thường mặc định con bị viêm phổi khi chúng có biểu hiện ho hắng.
Điều này không đúng. Bởi, nguyên nhân ho thường gặp ở trẻ em là viêm hô hấp trên do virus. Do đó, triệu chứng này sẽ đỉnh điểm vào ngày 2,3 của bệnh và kéo dài từ 10 – 14 ngày. Ho là cách phòng vệ của cơ thể trong việc cố tống xuất những thứ như đàm nhớt, vật chất vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp. Bởi thế, ho thật sự không đáng lo. Ho chỉ thực sự đáng lo khi xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc ho đi kèm với sốt cao, bỏ bú, thở mệt, thở nhanh, thở co lõm, thở rít.
Để làm giảm cơn ho cho trẻ, đối với trẻ trên 12 tháng các bố mẹ có thể dùng ½ muỗng cà phê mật ong 30 phút trước khi con ngủ sẽ giúp làm giảm cơn ho và ít thức giấc về đêm.
Đối với trẻ dưới 12 tháng việc uống các loại siro ho hay mật ong không được khuyến cáo.
Ngoài ra, các mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng phương pháp waterpik giúp đường thở thông thoáng, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Sử dụng thuốc chống ói và cầm tiêu chảy là việc không được khuyến cáo
Khi trẻ bị tiêu lỏng và ói, bố mẹ cần quan sát tính chất phân của trẻ để tìm ra nguyên nhân.
Theo đó, nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi hay còn gọi là tiêu chảy cấp. Việc sử dụng thuốc chống ói và cầm tiêu chảy không được khuyến cáo.
Nếu phân đục như nước vo gạo, phân có nhầy máu, hoặc trẻ có mất nước nhiều, li bì hoặc ói liên tục dù không ăn uống gì. Lúc này nên đưa con đi gặp bác sĩ ngay đừng chần chừ.
Bên cạnh đó, nếu con chỉ ói và tiêu lỏng ít, hãy bình tĩnh bù nước cho con. Mẹ có thể sử dụng gói bù nước cho trẻ. Đồng thời vẫn tiếp tục cho trẻ ăn uống chậm từng chút một.
Lúc này, việc bố mẹ cần nỗ lực là làm sao cho trẻ uống được nhiều nước để tránh mất nước. Tình trạng ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 – 7 ngày.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng hơn. (Ảnh: Internet)
Cân bằng các yếu tố dinh dưỡng cho trẻ
Ngoài các biện pháp chữa trị kể trên, trong quá trình chăm sóc trẻ bị ốm vào thời điểm giao mùa, bố mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc cân bằng các yếu tố dinh dưỡng thông qua mỗi bữa ăn hàng ngày.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng hơn. Vì lẽ đó, bố mẹ nên chú ý đến thành phần đạm và các vi chất, trong đó đạm là cấu thành các tế bào miễn dịch, còn các vi chất là chất xúc tác quan trọng cho nhiều phản ứng sinh học, đáp ứng miễn dịch.
Kẽm và sắt là hai vi chất vô cùng quan trọng nên bố mẹ chú ý chọn thực phẩm có giàu sắt và kẽm.
Thịt bò, thịt gà, cá, trứng và hải sản là thực phẩm giàu kẽm và sắt mà các bố mẹ có thể lựa chọn cho con. Ngoài ra trái cây có màu vàng, cam, đỏ như cam, bưởi, cà rốt, ổi, cà chua cung cấp những chất chống oxy hoá quan trọng như vitamin C và vitamin A cũng nên được chú trọng.
Trong giai đoạn này, các bệnh thường sẽ kéo dài hơn bình thường. Tuy nhiên điều bố mẹ cần là bình tĩnh theo dõi các biểu hiện của con để có thể giúp con hạn chế phải điều trị thuốc một cách không cần thiết mà vẫn an toàn vượt qua những cơn bệnh lúc giao mùa này!
Theo An Nhi – phunuvietnam.vn