Mẹ chồng gào khóc quỳ xuống van lạy bác sĩ cứu con dâu

Trong cơn đau, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi gào khóc, quỳ xuống van lạy bác sĩ. Lời bà văng vẳng khắp hành lang bệnh viện, đánh mạnh vào trái tim tôi.

Tôi về làm dâu từ năm 2010, tính đến thời điểm này đã là 5 năm, đủ thời gian để hiểu hết những người trong gia đình chồng. Bố chồng tôi vẫn công tác ở phường, mẹ chồng bán hàng khô ở một kiot trong chợ gần nhà. Tôi và chồng là nhân viên văn phòng cùng công ty nhưng khác bộ phận, em chồng làm marketing của một công ty bánh kẹo.

Cuộc sống của gia đình chúng tôi rất bình thường. Tất cả mọi người chỉ gặp mặt nhau vào giờ cơm tối, còn bình thường, sáng ra vợ chồng tôi đi làm từ sớm. Tối tôi trở về nấu cơm, trong khi chồng sẽ giặt giũ, dọn dẹp. Mẹ chồng ăn xong sẽ rửa bát giúp tôi, để tôi có thời gian dành cho con cái (vợ chồng tôi có một bé gái đã 3 tuổi).

Cuộc sống vô cùng êm đềm, bố mẹ chồng đối xử với tôi khá bình thường. Còn tôi cũng làm trọn nghĩa vụ con cái trong nhà. Thỉnh thoảng tôi sẽ mua cho bố mẹ chồng cái này cái nọ, hoặc cho tiền em chồng đi du lịch. Trong họ hàng có việc gì quan trọng, tôi đều hỏi ý kiến bố mẹ chồng rồi làm theo.

Sống như vậy, nhưng thực sự trong thâm tâm, tôi vẫn chưa bao giờ coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Chưa bao giờ tôi thật tâm lo cho ông bà mỗi khi trái gió trở trời. Chưa bao giờ tôi lưu tâm xem tại sao nay bố chồng ăn ít, đêm qua mẹ chồng có ngủ được không. Có chăng chỉ là tặng ông bà mỗi người chiếc áo ấm gọi là sắp đến ngày rét lạnh. Chỉ là hỏi thăm đôi câu cho có, cho thể hiện mình cũng quan tâm. Cho tới khi tôi mang thai đứa con thứ 2 và gặp tai nạn, tôi mới biết nỗi lòng của mẹ chồng tôi.

Mẹ chồng gào khóc quỳ xuống van lạy bác sĩ cứu con dâu
Khi các bác sĩ đẩy tôi vào phòng cấp cứu, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi khóc lóc, quỳ xuống van xin bác sĩ cứu tôi. (Ảnh minh họa)

Đó là khi tôi mang thai tháng thứ 6, tôi chửa khá to, nhìn như đã ngoài 7 tháng. Do công việc nên tôi vẫn đi làm đều, nhưng mọi lần đều là chồng đưa đón. Hôm đó, chồng tôi đi công tác bên Thái Lan, dặn tôi ở nhà gọi taxi đi làm cho an toàn. Nhưng tôi cậy sức khỏe tốt nên vẫn lấy xe máy đi một mình.

Buổi chiều, trên đường trở về gần tới nhà, không may tôi bị một thanh niên đi ngược chiều tông vào. Cú tông khá mạnh nên tôi bị ngã xuống đường. Bụng đau âm ỉ, người choáng váng, nhưng tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi lao từ bên kia đường sang, gào tên tôi. Có ai đó đang gọi điện báo cấp cứu, một người phụ nữ khác thì cầm mũ quạt gió cho tôi lấy không khí. Tôi đau đến mức không nói được gì, nhưng vẫn rất tỉnh táo. Tôi vẫn còn trông thấy xe cấp cứu đến, vẫn nghe thấy tiếng mẹ chồng tôi gào gọi bảo cho bà lên xe cùng, đó là con dâu của bà.

Khi các bác sĩ đẩy tôi vào phòng cấp cứu, tôi vẫn nhìn thấy mẹ chồng tôi khóc lóc, quỳ xuống van xin bác sĩ cứu tôi. Lời bà văng vẳng khắp hành lang bệnh viện, đánh mạnh vào trái tim tôi. Bà bảo rằng: “Bác sĩ ơi, xin bác sĩ cứu con dâu tôi, xin bác sĩ cứu cháu tôi. Tôi lạy bác sĩ, bao nhiêu tiền tôi cũng chịu hết. Xin bác sĩ cứu con dâu và cháu tôi”.

Nửa đêm hôm đó, tôi tỉnh lại thì thấy mẹ đẻ và mẹ chồng tôi phờ phạc ngồi bên. Sau khi lo cho tôi uống sữa xong, mẹ chồng tôi ra về thay quần áo, vì trên người bà dính đầy máu. Mẹ đẻ nói với tôi rằng, may mắn con của tôi vẫn giữ được, nhưng sau này tôi cần phải cẩn thận nhiều hơn. Khi tôi mất máu, nằm trong phòng cấp cứu, chính mẹ chồng tôi đã đi từng phòng bệnh, xin từng người nhà bệnh nhân đi thử máu, phòng trường hợp hết nhóm máu của tôi thì có sẵn. Mọi chi phí bà đều chịu hết.

Mẹ chồng gào khóc quỳ xuống van lạy bác sĩ cứu con dâu
Trở về nhà, bà không cho tôi làm bất kỳ việc gì. Bà cũng bỏ công việc ở chợ để ở nhà chăm nom, cơm nước, giặt giũ cho tôi. (Ảnh minh họa)

Suốt thời gian tôi hôn mê, mẹ chồng vẫn ngồi túc trực. Đến khi tôi tỉnh lại, bà mới thở phào nhẹ nhõm, mẹ tôi phải nói mãi, bà mới ra về thay quần áo.

Tôi cảm động tới rơi nước mắt. Tôi cố gắng ăn uống, bồi dưỡng để lấy lại sức khỏe và cũng để con khỏe mạnh hơn. 1 tuần sau, mẹ chồng và chồng mới cho tôi ra viện. Trở về nhà, bà không cho tôi làm bất kỳ việc gì. Bà cũng bỏ công việc ở chợ để ở nhà chăm nom, cơm nước, giặt giũ cho tôi.

Từ hôm bị ngã đến giờ, hai mẹ con rất ít khi nói chuyện, có nói cũng chỉ là bà hỏi tôi nay thích ăn gì, có muốn uống nước cam không?… Nhưng trong thâm tâm, tôi hiểu tình cảm mẹ chồng dành cho mình, hiểu sự quan tâm của bà là thật lòng.

Tôi rất muốn nói với bà rằng: “Mẹ ơi, cảm ơn mẹ vì lần quỳ lạy và những lời nói ngày hôm đó, chính điều đó đã cứu sống tâm hồn con. Cảm ơn mẹ vì đã giúp con hiểu, hóa ra trong mắt mẹ, con thực sự là con của mẹ, chứ không phải một người xa lạ sống cùng nhà!”. Nhưng những lời này, tôi không làm sao thốt ra miệng được, chỉ có thể dùng những câu chữ này bày tỏ.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắn nhủ mọi người hãy sống hết mình với người thân nhé, để nhận ra tình cảm nồng ấm ẩn sau những hành xử lạnh nhạt, thường tình trong mỗi người. Giống như tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mẹ chồng tôi có thể bộc lộ được cảm xúc như vậy. Đó là điều quý giá nhất tôi sẽ trân trọng suốt cuộc đời!

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe tâm sự và chia sẻ cùng tôi!

Nguồn Tri thức trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN