Lò đào tạo con dâu…

Tất cả các gia đình có con gái là những lò đào tạo con dâu. Bạn có công nhận rằng trong thực tế, ta đã nghe đâu đó chính người nhà của một cô gái thở dài: Thật khổ cho đứa con trai nào nó… vớ được mày!

Khi bà lấy thứ gì đó để ăn. Khi bà bảo cháu thực hiện một lệnh gì dó. Khi bà ra một quyết định, thí dụ, cứ ăn thứ này cho hết đi, không cần để dành… Đại loại thế, ở trong nhà lỉnh kỉnh bao nhiêu việc. Nhưng lệnh và yêu cầu bình thường của bà đưa ra đều được đứa cháu hỏi: Việc này bà hỏi mẹ chưa? Nghĩa là mẹ đã cho phép chưa!

Vậy đố bạn biết trong nhà ấy, ai có quyền to nhất? Nếu người bà này là bà ngoại, thì quyền to nhất là con gái. Nếu bà nội, thì quyền to nhất vẫn là con dâu. Lời giải rất dễ.

Trong nhà có một cô con gái, sinh hoạt thời khóa biểu không ai có thể biết. Cô dậy rất trễ, son phấn trang điểm, đi uống café ăn sáng rồi đi làm. Tối lúc nào cô về thì mới biết, không đoán được, cũng không biết được mấy giờ cô ngủ. Công việc thì bây giờ nhiều kiểu. 9-10 giờ sáng mới bắt đầu. Lúc thì đi giao dịch, quan hệ khách hàng, lúc thì tìm hiểu thị trường. Làm cơ quan không thích, chê sếp dốt. Làm cho nước ngoài than vất vả. Thế là kiếm cái tiệm nho nhỏ cho nó tự do kinh doanh. Mở shop quần áo, hay cửa hàng bán đồ xách tay chẳng hạn. Vừa là bà chủ vừa tự do. Kiêu ngạo lắm, tự tin cá tính không ai bằng.

Lò đào tạo con dâu...

Nhiều cô khiến cha mẹ… phục tùng răm rắp. Nó thông minh, sáng tạo lắm, mở café nhạc, trang trí phông màn, cửa hàng rất sáng tạo, độc đáo, model cầu kỳ, đắt tiền. Ai cũng khen tiệm đẹp và sang trọng. Bố kêu mẹ xem nó làm ăn hiệu quả thế nào, tính toán kỹ chưa, chứ cha mẹ đổ bao tiền vào chạy theo sáng tạo của nó.

Mẹ gắt um, ông này lạ nhỉ! Con người ta hư hỏng ăn chơi hút xách, con mình tìm cách làm ăn, ủng hộ con lại cứ kêu là sao? Rồi ít lâu sau thấy cô đóng cửa, chuyển qua mở tiệm uốn tóc, vì ế khách quá. Phông màn “sáng tạo” đem về chất đầy trên sân thượng cho chuột làm ổ và từ nay đừng có ai mà hỏi thăm “cửa hàng làm ăn khá không cháu ?”. Nó sẽ bảo hỏi vớ hỏi vẩn, chả hiểu gì thị trường, làm ăn khó lắm chứ bộ, doanh nghiệp chết một nửa kia kìa, hỏi là biết không hiểu gì thời thế…

Hỏi giờ con làm việc gì, ở đâu, là rất dễ làm cô bực. Nghề nghiệp mới mẻ bây giờ có nói cũng làm sao mà hiểu. Lại giải thích hết hơi à? Bây giờ làm gì có cái nghề suốt đời như các cụ ngày xưa? Máy tính nó sắp sửa làm hết 45% công ăn việc làm kia kìa, ở đấy mà đòi nghề gia truyền.

Cứ thử hỏi ông bác sĩ xem, cô giáo xem, họ nói thế nào? ”Tôi khuyên con đừng theo cái nghề của cha mẹ. Nghề nó bạc bẽo lắm”. Quái, ai cũng tự hào nghề nghiệp, nói động đến mà chê họ xem, nhưng ai cũng kêu nghề mình bạc bẽo lắm, không muốn con đi theo.

Rồi có cô nói làm PR, rồi là event, MC, marketing, là social media với digital, các bậc phụ huynh đủ chóng mặt, biết gì? Rồi đừng có mà khuyên con gái tiết kiệm nhé, kiểu “tao thấy mày ăn uống sơ sài nhịn đói cho gầy đi thế ấy sức đâu, mà lương tháng bao nhiêu cái đầm cả triệu”…

Những tư duy như thế mà bảo hòa hợp được mới lạ!

Nhiều cô cậu mắng cả cha mẹ, hỗn lắm, cha mẹ chỉ biết ngậm ngùi thấy mình có lỗi, mình chả có tích sự gì, bao nhiêu năm chèo chống nuôi dạy con trong thời khó nghèo nổi tiếng đảm đang, bây giờ đứng trước con thấy mình kém cỏi vô dụng quá.

Có cô đến bữa đã không nấu ăn thì chớ, cả nhà chờ ở nhà dưới, phải gọi điện thoại lên mà cô cũng còn chưa thèm xuống. Động nói là gắt gỏng, quát tháo chanh chua.

Bạn có công nhận là những chuyện như thế bạn thấy đầy ở các gia đình không? Con gái có khi còn… yếu hơn cả bà già. Nhìn khu bạn ở, trong các con hẻm, trong chung cư mà xem, có mấy cô gái thức khuya dậy sớm hơn mẹ? Chợ búa toàn bà với mẹ, chứ các cô chỉ vào siêu thị thôi. Người già Việt Nam, bạn có thấy nhiều người thong dong nghỉ ngơi, toàn đi du lịch chứ không trông cháu chưa?

Không phê phán chê bai làm gì, vì đời nay nó đã ra như vậy rồi, hiện đại mà.

Vậy bạn dựa vào đâu để hy vọng có dâu thảo? Dựa vào ”chất lượng đào tạo” đội quân sẽ đi làm dâu ấy đang được nuôi dưỡng huấn luyện như thế nào ở ngay trong nhà bạn. Nếu có nền giáo dục gia đình tốt, con gái hiểu biết giỏi giang, thì phúc cho… nhà ai quá. Nhưng nếu con gái chanh chua, lười nhác, ích kỷ -cũng là sản phẩm của chính gia đình đó chứ tại ai đâu! Tất cả các gia đình có con gái – là những lò đào tạo con dâu. Bạn có công nhận rằng trong thực tế, có thể ta đã nghe đâu đó chính người nhà của một cô gái thở dài: Thật khổ cho đứa con trai nào nó… vớ được mày!

Và đừng có đòi hỏi cô con dâu phải đảm đang trong khi cưng con gái lười – một con dâu nhà ai đó sẽ nhận trong tương lai…

Đạt Mỹ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN