Làm gì khi trẻ nhút nhát?

Một đứa trẻ nhút nhát thường hay lo lắng, rụt rè. Bé căng thẳng, bối rối, cảm thấy rằng mình đang bị “chiếu tướng” và sẽ chỉ thấy dễ chịu khi quan sát những người khác hành động hơn là tham gia. Trẻ em nhút nhát là bình thường nhưng cuộc sống của bé sẽ bị thiệt thòi vì chính sự nhút nhát này. Có những em vô cùng nhút nhát khi lớn lên có thể sẽ vượt qua được chính bản thân, nhưng cũng có thể sẽ trở thành người lớn nhút nhát. Những chia sẻ của bà mẹ với nickname …xu0712@yahoo.com với Phụ Nữ Ngày Nay.

Tính nhút nhát không hề đơn giản…

Từ con trai 8 tuổi của mình, tôi nhận ra sự rụt rè khá nghiêm trọng và thường có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ ở nhiều phương diện, chẳng hạn như:

  • Làm giảm cơ hội phát triển hay thực hành kỹ năng giao tiếp xã hội.
  • Bé có rất ít bạn, thường bị bắt nạt.
  • Ít được tham gia vào các hoạt động vui khỏe đòi hỏi sự giao tế với các trẻ khác, như thể thao, khiêu vũ, kịch hay âm nhạc.
  • Thường thấy cô đơn, bản thân mình “chẳng là gì” và lòng tự trọng bị giảm đi.
  • Giảm khả năng đạt tới năng khiếu của bản thân vì bé sợ hãi hoặc ngại người khác chê bai.
  • Bé luôn lo lắng, sợ hãi, thường đỏ mặt, run rẩy và lắp bắp.

104_105_me yeu con nhat-F

Nhưng cũng chẳng quá tệ nếu con bạn nhút nhát. Cũng không nên quá bi quan, tôi nhận thấy con trai mình cũng như nhiều đứa trẻ nhút nhát khác có nhiều ưu điểm. Những hành xử nhút nhát của cháu cũng đi kèm với một số điểm tích cực như:

  • Học giỏi.
  • Luôn lễ phép và không bị vướng vào rắc rối ở trường như những trẻ hiếu động và tự tin khác.
  • Luôn lắng nghe người khác rất chăm chú, biết vâng lời.

Và để giúp con, tôi đã đi tìm nguyên nhân của sự nhút nhát. Tôi tìm hiểu rất kỹ cả con những người bạn khác và thấy rằng: nhút nhát do một số nguyên nhân gây ra, đôi khi kết hợp đồng thời bởi di truyền (một số khía cạnh của cá tính con người bị quyết định, tối thiểu một phần do gen di truyền tạo nên) và cá tính (các em bé quá nhạy cảm và dễ bị bắt nạt thì khi lớn lên dễ trở nên trẻ nhút nhát). Tôi cũng nhớ lại rằng, bản thân mình khi bé cũng không phải là một đứa trẻ dạn dĩ. Như vậy, có thể con tôi cư xử đầy rụt rè là do học hay bắt chước ba mẹ. Bố mẹ nhút nhát rụt rè có thể dạy con họ tính nhút nhát theo. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy:

  • Các mối quan hệ trong gia đình: Các em bé luôn thấy không an tâm thì luôn bám vào bố mẹ chúng, hoặc không được quan tâm, chăm sóc đầy đủ thì sẽ luôn lo lắng hoặc thiên về nhút nhát. Các bậc phụ huynh quá bảo bọc con sẽ hướng con trở nên rụt rè, sợ hãi đặc biệt trong những hoàn cảnh lạ.
  • Thiếu khả năng giao tiếp xã hội: Trẻ em bị cách biệt với mọi người ở những năm đầu đời có thể sẽ mất đi kỹ năng xã hội là nền tảng cho sự giao tiếp với người lạ dễ dàng hơn.
  • Bị phê bình gay gắt: Trẻ em hay bị người thân (bố mẹ, anh chị em, bà con họ hàng) hay bạn bè trêu chọc hay bắt nạt sẽ có xu hướng bị nhút nhát.
  • Sợ thất bại: Trẻ em hay bị giao cho những việc khó, nằm ngoài khả năng của chúng (và sau này chúng sẽ cảm thấy tệ khi chúng không được đánh giá đúng) có thể sẽ sợ hãi thất bại thể hiện qua tính rụt rè, ngượng nghịu.

Làm gì khi con nhút nhát?

Vòng luẩn quẩn sẽ được xử lý

Thật dễ hiểu về cái vòng luẩn quẩn rằng nếu trẻ hành xử ngượng nghịu trong các tình huống xã hội, sau đó chúng sẽ tự trách móc bản thân, chứng tự kỷ ám thị này sẽ làm tăng khả năng tự chỉ trích, đồng thời tăng nguy cơ hành xử nhút nhát trong tương lai. Ngày qua ngày, càng ít tự tin, chúng sẽ hành xử càng nhút nhát và rụt rè…

Mong muốn của những bà mẹ yêu con, muốn con mình bớt nhút nhát, giúp con trở thành một em bé tự tin, năng động sẽ phải biến thành hành động cụ thể: xóa cái vòng luẩn quẩn đó. Từ những việc rất nhỏ, bỏ qua
ngượng ngùng, giúp con giao tiếp bình thường với người lạ, rồi nâng dần đến mức tự tin. Sẽ là những ngày tháng bạn phải ở bên con đúng lúc, động viên và giúp con đúng lúc. Tôi đã dành 3 năm để niềm tin rằng nhút nhát không phải một tính cách không thể thay đổi, con mình là một đứa trẻ năng động và tự tin trở thành hiện thực.

Thông cảm và hiểu con bằng hành động

Tôi gặp rất nhiều trường hợp các bà mẹ phàn nàn rằng con họ quá nhút nhát, cứ gặp người lạ là khóc. Tôi đã trò chuyện với cả họ và em bé. Có những điều phụ huynh cần nhận ra: Ba mẹ gây ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của trẻ, có thể còn nhiều hơn là những gì họ nghĩ. Nếu nhận ra rằng con mình thuộc nhóm trẻ nhút nhát, phụ huynh nên có những ứng xử thích hợp như:

  • Cần cẩn trọng và đừng bao giờ gán cho con bạn cái biệt hiệu “thỏ đế”. Trẻ em và ngay cả người lớn đều có xu hướng lớn lên theo những biệt hiệu người khác gán ghép cho chúng trong cuộc sống. Cũng đừng để người khác gán cho con bạn danh hiệu “thỏ đế”. Hãy nghiêm túc nhắc nhở những người trong gia đình và xung quanh về điều này.
  • Không bao giờ phê bình hay chế giễu con khi chúng nhút nhát. Thay vào đó, bạn phải ủng hộ con bằng cách thông cảm và hiểu chúng.
  • Khuyến khích con nói về những nguyên nhân làm chúng rụt rè, ngượng nghịu – Chúng sợ hãi điều gì?
  • Kể cho chúng nghe những lần bạn nhút nhát, rụt rè và bạn đã vượt qua như thế nào. Vì trẻ thơ thường coi bố mẹ là những hình mẫu lý tưởng và hoàn thiện, khi bạn thừa nhận sự nhút nhát của bản thân mình, lũ trẻ sẽ thấy dễ chịu hơn và bớt lo lắng.
  • Bản thân bạn cũng nên hướng ngoại. Cách cư xử đầy tự tin và khả năng dẫn dắt của bậc cha mẹ sẽ có tác dụng tích cực cho con.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giáo dục cộng đồng

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN