Rồi các con sẽ lớn lên, việc “là ai” sẽ càng ít quan trọng hơn rất nhiều, so với việc sống có trách nhiệm, nhân hậu và lạc quan.
- Khi con trẻ bị trầm cảm
- 11 điều mâu thuẫn khi dạy con
- Dạy con trưởng thành từ những bài học tiết kiệm tài chính mà ai cũng nên biết
Các con chúng ta có thể gặp đôi chút hoang mang về giới tính thật của mình khi dậy thì. Việc chấp nhận điều này với phần lớn phụ huynh là điều không mấy dễ dàng. Thế nhưng, có thể bố mẹ chưa nhận ra rằng, dù là ai đi nữa thì cứ khỏe mạnh, xinh đẹp, lễ phép với thầy cô, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, vui vẻ đến trường, sống tích cực… là điều quan trọng nhất.
Có một thực tế là nhiều bạn sẽ có đôi chút hoang mang trong lòng khi dậy thì, rằng “sao mình là con trai rõ ràng, mà chẳng thích mấy đứa con gái bánh bèo hồng hồng tím tím, chỉ thích bạn hotboy lớp bên có mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ” và trường hợp ngược lại “sao mình là gái cưng của mẹ ở nhà mà lại ghét váy ghét nơ đến vậy, mình chỉ thích mặc tomboy, thích mũ lưỡi trai, thích tóc ngắn, mê game và thích che chở cô bạn cùng bàn có cái miệng xinh xắn hay cười…”.
Những hoang mang này trở thành sự lo lắng, dằn vặt, sợ hãi, rằng nếu bố mẹ biết được sẽ la mắng hay buồn phiền, thậm chí không chấp nhận các con, khiến tuổi dậy thì của các con trôi qua trong những tháng ngày phải che giấu, trong tủi thân và cô độc.
Việc chấp nhận giới tính thứ 3 của con với phần lớn phụ huynh là điều không mấy dễ dàng. Ảnh minh họa
Việc nhận rõ giới tính, biết rõ mình là trai – gái, chiếm đa số trong thời kỳ dậy thì, cũng giống như nhiều người thuận tay phải là tự nhiên vậy. Còn những bạn nhỏ vẫn đang phân vân, chưa rõ mình là ai, tương tự như những người thuận tay trái, thì ít hơn. Sẽ hơi ngược một chút nếu ngồi ăn cạnh nhau trong một bàn tiệc.
Nhưng hòa bình thế giới có gặp vấn đề gì với chuyện người này thuận tay trái hay người kia thuận tay phải? Thế nên, nếu chưa nhận rõ bản thân mình thuộc giới tính nào cũng chẳng vấn đề gì, con của mình lại càng không nên coi nó là chuyện quá lớn.
Mà ngay cả khi đã xác định rõ mình thuộc giới tính thứ ba thì mọi việc cũng vẫn diễn ra như thế thôi, các con vẫn có thể sạch sẽ, sáng sủa, vui vẻ, tự tin đến trường, chơi đùa cùng bạn bè, tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa… một cách thoải mái nhất. Không cần phải dằn vặt mình vì những điều này để trôi qua những ngày đi học vui vẻ một cách uổng phí.
Tôi tin rằng các ông bố bà mẹ nếu yêu con mình đủ, sẽ coi việc quan trọng nhất là ở bên con, hiểu con và khiến con vui vẻ, dù con là ai đi nữa. Chuyện giới tính rõ ràng chẳng lẽ lại quan trọng hơn hạnh phúc của các con mình?
Khi bạn của các con là một LGBT?
Cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Vài năm sau tuổi dậy thì, có thể một cô – cậu bạn thân thổ lộ với con của bạn rằng mình thuộc giới tính thứ ba nhưng chưa dám “come out” (thừa nhận mình là một cư dân thuộc cộng đồng LGBT) vì lo ngại bố mẹ bạn ấy sẽ buồn, thì trước hết, hãy động viên con siết chặt tay bạn mình. Yêu quý và tôn trọng bạn như chưa có chuyện gì xảy ra khó hơn tỏ ra thương hại hoặc bênh vực bạn lộ liễu khi bạn bị chế giễu.
Con gái tôi sẵn sàng thủ thỉ cũng như kiên quyết tranh luận với bố mẹ rằng: “Không kỳ thị LGBT đơn giản nhất là đừng nhắc gì đến khác biệt của các bạn ấy, LGBT chứ có phải cảm cúm đâu mà coi là bệnh. Đừng có dùng từ “bị”, nghe vậy là thấy ngay kỳ thị rồi đó!”.
Chính con gái tôi, một cô gái mạnh mẽ, cá tính cũng là người luôn luôn nhắc nhở các em trai mình, rằng ở trường, “quan trọng nhất là có học hành chăm chỉ và dễ thương không, còn lại, là ai không quan trọng và càng ngày chuyện này càng không đáng quan tâm”. “Mặc dù chị là gái thẳng nhưng bạn thân của chị có nhiều LGBT lắm, không cần hô hào đừng phân biệt giới tính. Với các bạn ấy, cứ hô lên không kỳ thị có nghĩa là đã chú ý đến điều đó rồi”, con tôi nói với các em.
Tôi tin quan điểm này đúng và văn minh. Các con văn minh thì bố mẹ cũng nên mở lòng mình, tôn trọng các con, bạn của con và coi giới tính là việc cá nhân của mỗi người. Khi đã không coi LGBT là bệnh, chúng ta sẽ không cấm, không tỏ thái độ khó chịu khi con mình chơi với bạn LGBT vì sợ có thể các cháu sẽ bị lây, bị ảnh hưởng. Cứ để các con hồn nhiên lớn lên với cả những đặc điểm giới tính bình thường hay khác biệt của mình mà không phải che giấu người thân, bạn bè.
Ảnh minh họa
Rồi các con sẽ lớn lên, việc “là ai” sẽ càng ít quan trọng hơn rất nhiều, so với việc sống có trách nhiệm, nhân hậu và lạc quan. Với bản thân và những người xung quanh, giới tính sẽ không là điều quyết định mỗi người có thành công hay được yêu quý không. Thậm chí, chưa kể đến thực tế ở một số ngành nghề cần sự tinh tế và kỹ lưỡng, cá tính, đặc biệt, thì những bạn đồng tính còn có thể được đánh giá rất cao vì họ có được sự cảm nhận ở ranh giới của hai giới tính, có sự mạnh mẽ, khái quát của nam giới và cả sự mềm mại, chi tiết, chu đáo của nữ giới.
Trong một chương của cuốn Bí quyết thương lượng cho tuổi dậy thì, tôi cũng đã chia sẻ điều này và động viên các bạn nhỏ: “Là ai, đâu có quan trọng gì so với việc các con khỏe đẹp, có một trái tim tốt, được cha mẹ, thầy cô và các bạn yêu quý”. Nhưng mỗi chúng ta đều có trách nhiệm khiến các con tin vào điều này, nhất là các ông bố bà mẹ có con đang ở tuổi dậy thì.
Lê Lan Anh