Rất nhiều mẹ Việt hiện nay lựa chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho con vì tin rằng đây là phương pháp giúp trẻ tự lập sớm trong việc ăn uống và sẽ không biếng ăn. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng phù hợp với phương pháp này.
Theo định nghĩa chính thức của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Anh, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (viết tắt là BLW) là phương pháp ăn dặm dựa trên nguyên tắc cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên tự khám phá cấu trúc thức ăn dạng thô (bỏ qua giai đoạn cấu trúc thức ăn xay nhuyễn) do bé không được dùng muỗng để đút.
Bé nào phù hợp hơn với ăn dặm tự chỉ huy?
Không phải tất cả các bé đều phù hợp với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. GS.BS. Cameron, trưởng khoa Dinh Dưỡng, ĐH Y Otago, New Zealand nhấn mạnh tỷ lệ thành công cao về phương pháp này thường gặp ở:
– Các bé có ít nhất 6 tháng bú mẹ hoàn toàn.
– Bé có sự phát triển rõ của hệ vận động như khả năng ngồi chống đỡ khá vững, kĩ năng phát triển vận động cầm nắm, hay có sự hứng thú khi cầm thức ăn bỏ vào miệng, vận động lên xuống cơ hàm của bé có sự phát triển.
– Các bé trai thích hợp với phương pháp này hơn các bé gái.
– Các bé sinh thiếu tháng không khuyến khích áp dụng phương pháp này nếu bé chưa đạt cân nặng của bé bình thường khi 6 tháng tuổi.
Với các bé khác không có nghĩa là không áp dụng được phương pháp này, nhưng tỷ lệ thành công có thể ít hơn hoặc nhiều khó khăn hơn khi áp dụng ăn dặm tự chỉ huy.
Độ tuổi áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy
Phương pháp này chỉ thích hợp cho các bé đạt 6 tháng tuổi. Các bé ở độ tuổi nhỏ hơn không thích hợp. Việc giới thiệu thức ăn cho bé theo phương pháp tự chỉ huy quá sớm sẽ tăng tỷ lệ thất bại và nguy hiểm hơn là bé dễ dẫn đến tình trạng biếng ăn kèm theo.
Thực phẩm ưu tiên những tuần đầu khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy
Theo viện dinh dưỡng Interior, Anh, vì phương pháp BLW là phương pháp bỏ qua cấu trúc thức ăn xay nhuyễn, nên trong những tuần đầu, việc lựa chọn những thực phẩm sau đây sẽ đảm bảo cấu trúc thức ăn thích hợp khi chế biến dạng thô mà bé vẫn có khả năng tiêu hóa tốt.
Nhóm rau củ: bông cải xanh; đậu đũa, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bí đỏ.
Nhóm quả trái cây: táo, bơ, chuối, xoài, lê.
Nhóm đạm: lòng đỏ trứng, thịt bò hoặc heo.
Nhóm carbodrate: gạo, nui, mì.
Cấu trúc thức ăn thích hợp trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy
6 – 7 tháng tuổi:
Cơm nát: cơm nấu dẻo, không quá sệt, cà nát bằng muỗng. Thịt/cá có thể cà nát bằng muỗng hoặc xé nát bằng tay. Kết hợp với cấu trúc dạng khối ngón tay ở rau củ quả, tuy nhiên nên chọn rau củ quả từ nhóm ưu tiên.
Trong 4-5 tuần đầu tiên nên chọn những thực phẩm ưu tiên ở trên. Tất cả các rau củ quả (trừ bơ và chuối) đều nên hấp chín và mềm.
8 – hết 12 tháng tuổi:
Cấu trúc thức ăn nên chuyển sang dạng khối ngón tay và cơm/bún có thể viên tròn hoặc vẫn giữ cấu trúc cà nát. Tuy nhiên, ở độ tuổi này nên lựa chọn đa dạng các thực phẩm.
Lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy
1. Không nên bắt đầu cho bé ăn dặm BLW trước 6 tháng tuổi
Để thành công phương pháp này, bé nên ngồi vững sớm thì hãy bắt đầu.
2. Nên cho bé ăn cùng người lớn
Đây là phương pháp bé tự học hỏi từ các thành viên khác trong gia đình và khám phá thức ăn theo cách riêng, nhưng sẽ bắt chước cách ăn của cha mẹ. Do đó, bữa ăn của bé nên ăn cùng thời điểm với bữa ăn của cha mẹ, nên đặt ghế ăn dặm của bé ở gần bàn ăn để bé có thể nhìn thấy cách ăn của cha mẹ, từ đó bé có thể tự ăn và học hỏi.
Thời gian đầu mẹ nên ăn sau, chỉ có bố hoặc ông bà ăn thôi, mẹ hướng dẫn và quan sát bé. Lưu ý, bữa ăn không nên quá chú ý vào bé, cha mẹ, ông bà cứ ăn bình thường, đừng quá tập trung khen chê bé quá nhiều. Việc quá tập trung vào bé sẽ khiến bé mất tập trung ăn, gây phản tác dụng.
3. Việc ném, nhả thức ăn là hoàn toàn bình thường
Đừng quá kì vọng trong vài tuần đầu bé ăn nhiều, bé tập làm quen với cấu trúc thức ăn và mùi vị là chính, nên chủ yếu bé sẽ chơi nhiều hơn là ăn. Do đó, việc ném, nhả thức ăn đầy bàn là bình thường. Do đó, cha mẹ có thể tăng thêm bữa ăn cho bé để bé có cơ hội ăn và khám phá nhiều hơn.
4. Cho bé ăn thịt heo/bò từ khoảng tuần thứ 2 trở đi
5. Giới hạn bữa ăn của bé dưới 30 phút
6. Biến tấu cấu trúc thức ăn
Cấu trúc thức ăn dạng ngón tay có thể biến tấu tạo cảm giác giòn từ cá chiên, tôm chiên hoặc khoai tây cắt khoanh chiên. Những món ăn tạo cảm giác giòn và vui tai khi cắn vỡ này sẽ khiến các bé tập trung và thích nhai hơn. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng và chỉ giới thiệu 1 bữa/ngày (nếu ăn ngày 2 hoặc 3 bữa).
Theo BS dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester – Anh) / Trí Thức Trẻ