Trong một gia đình khi cha mẹ yêu thương không công bằng, có thể gây ảnh hưởng lâu dài lên những đứa con ít được yêu thương hơn và ngay cả đứa con được yêu thương.
Một nghiên cứu mới đây ở Canada của trường Đại học Toronto và trường Đại học McMaster – Hamilton dựa trên việc tìm hiểu lối sống của 400 gia đình, phỏng vấn các bậc cha mẹ và quan sát họ giao tiếp với con cái ở nhà. Những gia đình này có nhiều nhất 4 đứa con và chúng ở độ tuổi từ 2 – 5 tuổi. Nghiên cứu này đã đề nghị các bậc cha mẹ cần lưu ý tránh đối xử khác nhau với những đứa con bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực của cả gia đình.
Một nghiên cứu khác của tạp chí Hôn nhân và Gia đình (Mỹ) thì chỉ ra rằng chỉ có 13,8% trẻ thành niên cảm thấy được cha mẹ đối xử công bằng với các anh chị em trong gia đình.
Một trò chơi nguy hiểm
Đầu tiên, giống như một trò chơi, nhưng “trò chơi thiên vị” thật sự rất nguy hiểm. Thời niên thiếu, những đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm với sự thiên vị của cha mẹ bởi tầm quan trọng với cha mẹ thường bắt đầu thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Dần dần, chúng thể hiện cho cha mẹ thấy chúng không “còn là một đứa trẻ” nữa.
Tuy nhiên, vì trở nên xa cách và kháng cự với cha mẹ, chúng không còn được cha mẹ chấp thuận và yêu thương, điều mà lẽ ra chúng phải được hưởng như trong thời thơ ấu, vì vậy chúng bắt đầu ghen ghét với cách đối xử yêu thương mà đứa em vẫn còn được nhận từ cha mẹ. “Cha mẹ làm hư nó! Cha mẹ luôn đối xử với nó tốt hơn với con!”… Chỉ cần chúng không hài lòng với một việc nhỏ ở trường là có thể trút nỗi bực bội lên đứa em được yêu thương ở nhà.
Nhưng không chỉ có vậy. Tất cả bọn trẻ đều bị ảnh hưởng. Chúng sẽ gặp phải một vài vấn đề về sức khỏe tinh thần do cha mẹ không công bằng như thích gây hấn, gặp khó khăn trong các mối quan hệ, lo lắng và thiếu sự lưu tâm.
Những đứa ít được yêu thương hơn cảm thấy không được quan tâm và đối xử không công bằng, đứa trẻ được yêu thương lại cảm thấy có giá trị hơn và đặc biệt xứng đáng. Từ chỗ ít được yêu thương, cảm giác tổn thương sẽ xuất hiện thường xuyên; từ chỗ được yêu thương, ý thức về quyền lực có thể phát triển.
Có nhiều kiểu thiên vị
Các bà mẹ thường nghĩ rằng trong số những đứa con của mình phải có một đứa có trách nhiệm hơn những đứa kia, đó là cánh tay phải của mẹ. Vai trò này thường dành cho đứa lớn nhất, đứa trẻ đã giúp mẹ nhiều nhất từ khi còn bé. Đứa trẻ này tiếp tục đảm nhận vai trò này khi đã lớn và là người được luôn được mẹ cần giúp đỡ. Điều này có thể gây nên những xích mích giữa anh chị em trong nhà, đứa phải chịu nhiều trách nhiệm hơn cảm thấy oán ghét, còn những đứa còn lại cảm thấy bị ra rìa.
Một số bà mẹ lại có một đứa con mà họ tin là không làm điều gì sai, xem như là “con vàng” của mình, khiến cho có sự ganh ghét của các đứa con khác. Hầu hết các bà mẹ thường tự hào những đứa con có vị trí trong các lĩnh vực như học thuật, thể thao hay sắc đẹp. Các anh chị em lu mờ hơn có thể cảm thấy không bao giờ nhận được đầy đủ tình yêu thương của mẹ.
Cũng có những bậc cha mẹ và các anh chị đối xử với em như một đứa trẻ. Trong khi các bà mẹ muốn đứa lớn giải quyết việc gia đình thì đứa út thường ít chịu trách nhiệm hơn. Điều này dẫn đến đứa trẻ này mãi là đứa trẻ không chịu lớn và không muốn chịu trách nhiệm. Ngược lại, có những đứa con gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn những đứa con khác. Đứa trẻ này sẽ cảm thấy chúng bị phạt thường xuyên hơn và nghiêm khắc hơn những đứa khác. Nếu bị mẹ xem như là một thất bại trong cuộc đời thì đứa trẻ thường sống không có mong ước và có những quyết định sai lầm.
Chuyên gia nói gì?
Không nên thiên vị
Tiến sĩ Phil McGraw, chuyên gia về sức khỏe tâm thần nổi tiếng thế giới, và là người dẫn của chương trình Dr. Phil, đã cảnh báo những bậc cha mẹ thiên vị và đối xử ưu ái đối với một đứa con hơn đứa còn lại. Ông đã có chương trình với khách mời của mình về đề tài này. Khi khách mời của ông nói rằng cô không thể không cảm thấy có một sự ràng buộc mạnh mẽ với đứa con giữa hơn bởi cô vẫn còn yêu bố bọn trẻ và vẫn còn rất đau buồn sau khi ly hôn, tiến sĩ Phil cho rằng những gì cô đang làm là gây độc hại cho cả bọn trẻ. Nếu quá phụ thuộc vào đứa con giữa cũng có thể làm cản trở sự phát triển của nó. Đứa trẻ có thể sẽ nghĩ mình có một nhiệm vụ phải hoàn thành, là làm cho mẹ cảm thấy tốt hơn sau mất mát. Đứa trẻ buộc phải ở yên chỗ đó, buộc phải làm bạn vui, buộc phải làm bạn cảm thấy dễ chịu, phải vực dây tinh thần cho bạn, không còn nghĩ tới những điều khác nữa. Điều đó không có lợi.
Thiên vị là bình thường
Tiến sĩ Ellen Weber Libby, một chuyên gia tâm lý ở Washington và là tác giả cuốn sách The Favorite Child (Đứa con yêu thích) thì lại cho rằng yêu một đứa con hơn những đứa khác là bình thường và không có gì đáng xấu hổ. Hơn nữa, yêu một đứa trẻ hơn đứa khác không có nghĩa là bạn không yêu chúng công bằng. Tình yêu và sự thiên vị, theo Libby, là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
“Có nhiều nhầm lẫn giữa tình yêu và thiên vị”, bà nói. “Mọi người biết rất ít về thiên vị, đó là sự phản ánh thái độ và sẽ thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào những đứa trẻ. Tình yêu thương của cha mẹ cam kết với tất cả những đứa trẻ là sẽ mang lại cho chúng sự an toàn, sức khỏe; còn thiên vị tùy thuộc vào mức độ bọn trẻ làm cho cha mẹ cảm thấy vui vẻ. Điều đó giải thích tại sao những đứa trẻ dễ tính thường được ưu ái hơn anh chị em khó tính.
Từ chỗ ít được yêu thương, cảm giác tổn thương sẽ xuất hiện thường xuyên; từ chỗ được yêu thương, ý thức về quyền lực có thể phát triển.
Thu Thủy (Theo USA Today)