Cùng là việc kể một chuyện không đúng sự thật, nhưng nói dối để che giấu lỗi lầm hay bịa chuyện chỉ vì có trí tưởng tượng bay bổng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Là phụ huynh, bạn có chú ý đến điều này để khuyến khích trẻ phát triển trí não đồng thời vẫn uốn nắn bé trở thành người luôn trung thực không?
Tại sao trẻ tự bịa ra những câu chuyện không đúng sự thật?
“Hôm nay con đã gặp một cô tiên màu xanh, cô nói con thật ngoan và sẽ tặng con một em chó thật xinh”. Dĩ nhiên không có cô tiên xanh nào cả, bé gái say sưa kể câu chuyện có thể trong mơ hoặc chỉ do tự tưởng tượng ra để ba mẹ chú ý đến mong muốn cháy bỏng của nó là có một em chó. Nếu bố mẹ cười xòa cho qua chuyện, con chó không hề xuất hiện, thì dần dần, chuyện bịa kia cũng chỉ là một trong vô số những tưởng tượng của trẻ. Nhưng hãy quan tâm hơn đến con, chuyện bịa này có thể làm bạn hiểu chúng nhiều và nhanh hơn.
Chuyện này thường xuyên nhất khi nào?
Những câu chuyện bịa thường xảy ra nhất khi trẻ được ba hay bốn tuổi. Ngây thơ và hồn nhiên, trí tưởng tượng phong phú, trẻ ở độ tuổi này có những câu chuyện bịa dễ thương như “cô tiên xanh”.
Cũng có trường hợp, trẻ tự sáng tác các tình huống và xử lý chúng như một trò chơi, chúng tự làm đạo diễn, diễn viên, tự đóng các vai thì người lớn đánh giá rằng trí tưởng tượng của trẻ thật phong phú và đáng mừng.
Diễn biến tâm lý của trẻ 3 – 4 tuổi cho các tình huống không có thật là hoàn toàn bình thường. Hoàn toàn khác với khi lớn hơn một chút, chúng láu lỉnh hơn, bịa những chuyện giống như thật hơn, có lợi cho chúng hơn để dần dần đến lúc vị thành niên, những câu chuyện bịa có tính toán chủ đích đàng hoàng trở thành dối trá.
Nên làm gì khi con kể những câu chuyện bịa?
Trước tiên, hãy lắng nghe. Đừng bao giờ chặn ngang câu nói đang đầy hào hứng của con: “Làm gì có cô tiên xanh nào, con chỉ bịa!” Với những chuyện bịa đặt đầy mơ mộng của những bé còn mẫu giáo, hãy lắng nghe một cách thật nghiêm túc, vì chúng chưa phân biệt được sự thật và trí tưởng tượng, với chúng, thuần tuý chỉ là những mong muốn được diễn tả bằng lời. Vậy thì muốn giải thích để chúng hiểu, chuyện gì là thật, chuyện gì là tưởng tượng, đầu tiên bạn cần lắng nghe đã.
Luôn luôn hãy nhìn thấy mặt tích cực của những câu chuyện bịa, kiểu gì chúng cũng bắt nguồn từ những quan tâm, mong muốn của trẻ và trẻ đang tin cậy, đang muốn chia sẻ điều đó với bố mẹ, chỉ là chúng chưa biết cách mà thôi.
Tiếp đến, hãy thật sự khách quan để phân tích xem, bạn có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm trong câu chuyện bịa ấy để nó trở thành sự thật. Tức là bạn đang tìm các giải pháp thay thế tương tự để chuyện bịa của con sẽ trở thành sự thật.
Đừng quá lo lắng, chỉ là tưởng tượng thôi
Có những bé thường xuyên bịa ra những câu chuyện ngộ nghĩnh nhưng chỉ là kể cho vui, không nhằm mục đích che giấu hay đạt được điều gì thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Cũng không nên nâng cao quan điểm rằng đó là mầm mống của dối trá. Chị Thanh Thủy, thạc sĩ mầm non đã khẳng định. “Trẻ bịa ra những câu chuyện nếu không nêu lên mong muốn hay tự bảo vệ mình, vì chưa có kinh nghiệm sống và các bé giải thích các sự vật, hiện tượng theo suy nghĩ của chính mình. Bạn Thỏ ngã gẫy chân nhưng bác sĩ chỉ cần bôi thuốc đỏ là bạn lại chạy nhảy tung tăng. Vào 4 tuổi bé sẽ nghĩ như vậy. Nhưng khi lớn hơn, trẻ sẽ hiểu nếu gẫy chân, bạn Thỏ sẽ cần được bó bột và tiêm thuốc mới có thể khỏi được. Đó là một ví dụ để các mẹ yên tâm để bé hồn nhiên lớn lên với trí tưởng tượng của mình. Chỉ khi những câu chuyện bịa có mục đích che giấu hay vụ lợi, bố mẹ hãy nên lo ngại và uốn nắn”.
Thanh Thủy