“Giặc bên ngô không bằng cô bên chồng”

Hai người đàn bà, hai mảnh đời khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm ngang trái: câu chuyện buồn của đời họ bắt đầu từ những bà cô bên chồng!

Trọn đạo cũng khó

Tôi gặp T. trong một buổi chiều nhạt nắng, người phụ nữ gầy gò với nước da rám nắng bồng trên tay đứa trẻ ốm yếu, xanh xao. Từng bước đi xiêu vẹo, T. hỏi thăm đường đến Hội phụ nữ huyện để xin giúp đỡ cho cảnh đời của chị.

T. mồ côi mẹ, ba đi thêm bước nữa. Năm tuổi, T. về sống với người dì ruột cho đến ngày lấy chồng. Nhà chồng khá giả, nhờ vậy mà về làm dâu T. có được cuộc sống sung túc không phải lo lắng về vật chất, thế nhưng nỗi khổ trong tâm thì nặng ngàn cân. Mẹ chồng, chị chồng T. vốn tính tình khắc nghiệt, lại chẳng ưa nàng dâu nghèo nên bao nhiêu cơ cực, tủi nhục đều trút xuống đầu của T.. Oái ăm hơn, khi đứa con trai đầu lòng được ba tuổi, thì chồng T. sinh tật, anh lao vào rượu chè, trai gái, hắt hủi vợ, cuối cùng rồi mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Chồng mất, đúng lúc bụng mang dạ chửa đứa thứ hai nên dù sống khổ sở ở nhà chồng T. vẫn cắn răng cam chịu, ở lại chăm sóc bà để con cái có nơi nương tựa.

Con mất, mẹ chồng chị buồn bã ngã bệnh nằm một chỗ, thương bà chị ngày đêm thang thuốc. Thế nhưng anh chị bên chồng lại nghi ngờ T. lấy lòng bà để chiếm đoạt gia tài nên thường xuyên gây khó dễ với chị. Chị không nhớ hết bao nhiêu lần bị chị chồng hành hạ, mắng chửi mà đến nay trên người chị vẫn còn chi chít những vết sẹo. Họ xa lánh, lạnh nhạt luôn cả hai đứa con của chị, vì nghĩ chúng mang mầm bệnh của người cha. Không chỉ vậy, hai bà chị chồng còn tìm đủ mọi cách đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà, hết gieo tiếng oan, đến nói xấu chị với mẹ chồng để bà cụ đuổi chị đi. Lần đó, bà cụ mất số tiền lớn, chị chồng quả quyết T. lấy trộm rồi ném hết quần áo của chị ra đường. Về sau số tiền được tìm thấy nhưng vì không chịu nổi sự cay đắng, tủi nhục T. xin phép mẹ chồng đưa đứa con nhỏ đi làm ăn xa, gửi đứa lớn lại cho mẹ chồng vì sợ con theo mình thất học. Lúc này bà cụ cũng đã khỏe nên bà đồng ý cho chị đi. Tuy nói là đi làm ăn xa nhưng T. sống cách nhà chồng chỉ vài ba cây số. Mỗi bận nghe bà cụ bệnh chị đều trở về chăm nom bà, thế nhưng chỉ lần nào bà cụ bệnh cần người chăm sóc thì chị chồng mới cho T. ở lại nhà. Còn khi bà cụ khỏe mạnh, thì họ cản trở không cho chị đến gần bà, quà bánh chị mang đến biếu bà đều bị vứt bỏ.

"Giặc bên ngô không bằng chị, cô bên chồng"
Ảnh minh họa

Thời gian gần đây T. bị bệnh, sức khỏe ngày càng xuống dốc. Ngẫm mình không còn đủ sức để chăm con, chị mang về gửi lại nhà nội để lỡ chị có ra đi chúng còn có nơi nương tựa. Biết được ý định của chị, hai người chị chồng kiên quyết phản đối. Họ không cho chị vào nhà, hắt hủi luôn đứa cháu vốn là máu mủ của họ. Suốt ba ngày liền T. chầu chực trước cửa nhà mẹ chồng, mong họ động lòng thương mà nhận nuôi đứa cháu nhưng cánh cửa vẫn đóng im ỉm.

Nước mắt ngắn dài, chị tìm đến Hội phụ nữ địa phương nhờ can thiệp. Nhà chồng không nhận nuôi cháu, chị lại không còn khả năng chăm sóc con, phương án cuối cùng đành gửi đứa trẻ vào trại mồ côi. Nghe đến đó chị òa khóc nức nở, ôm chặt con vào lòng rồi lặng lẽ bế thằng bé ra về trong ánh chiều sắp tắt, bóng chị xiêu xiêu trên con đường vô định…

Người gieo tiếng oán

Vén tay áo lên cao để lộ những vết bầm tím trên cánh tay, H. cúi đầu giọng lí nhí: “Từ ngày đi làm ăn xa về đến nay, ngày nào anh cũng chửi mắng, đánh đập tôi. Say cũng đánh mà tỉnh cũng đánh. Vết bầm này chưa tan đã đến vết bầm khác. Khổ lắm!”. Đó là lý do H. nộp đơn xin ly hôn, dù lòng chị vẫn đau đáu mong chồng hồi tâm để vợ chồng con cái sum họp.

Tám năm trước, chị đang làm công nhân ở Bình Dương thì quen anh. Sau cái đám cưới tập thể do công ty tổ chức, anh đưa chị về quê sinh sống. Chị chồng cho vợ chồng chị mượn khoảng sân trước nhà để cất nhà ở tạm. Chị mở cửa hàng tạp hóa buôn bán, còn anh thì đi chở hàng thuê, tuy bữa đực bữa cái nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Được một thời gian thì anh đòi trở lại Bình Dương tìm việc làm.

Kể đến đây, chị im lặng hai tay ôm lấy mặt, bờ vai run run như cố kìm nén tiếng nấc, giọng chị vỡ òa: “Trước ngày anh đi hai vợ chồng còn mặn nồng lắm. Anh kêu tôi ráng ở nhà lo cho con, anh đi kiếm tiền về ăn Tết. Từ ngày cưới nhau đến nay, chưa có cái Tết nào vợ chồng con cái được đầy đủ, sung túc. Vậy mà ngày về, anh nghe lời người ta, lạnh nhạt, đánh đập tôi. Tôi có nói gì anh cũng không tin, vừa mở miệng ra là anh đánh”.

Chị biết sự thay đổi của chồng là từ việc anh nghi ngờ chị có nhân tình mà ra.  Người gieo tiếng dữ lại chính là chị chồng của chị. Chuyện bắt đầu từ lần chị tức nước vỡ bờ. Mang tiếng ở đậu mà tháng nào chị cũng phải trả một số tiền còn nhiều hơn cả tiền thuê nhà, lại thêm tiền bạc chị chồng cứ mượn mà chẳng thấy “hồi âm”. Bà còn tự tiện lấy gạo thóc, đồ đạc của chị buôn bán. Công việc nhà mình, chị làm không xuể mà hằng ngày phải sang dọn dẹp nhà bà. Hôm nào qua trễ, bà mắng chửi ra rả suốt cả ngày. Uất ức chị lên tiếng, từ đó chị chồng ghét chị ra mặt, đi đến đâu bà cũng đặt điều nói xấu chị. Anh về, bà tỉ tê đủ thứ. Anh đánh mắng chị, bà không can ngăn lại còn hả hê châm dầu vào lửa. Buồn bã chị đem chuyện tâm sự với một người bạn thân của anh mong được giúp đỡ. Nào ngờ biết chuyện, anh mắng chị vạch áo cho người xem lưng, đánh đập chị tàn nhẫn. Suốt một tuần chị không dám trở về nhà, đưa hai con về gửi nhà mẹ ruột, còn mình thì lang thang tá túc nhà hàng xóm.

"Giặc bên ngô không bằng chị, cô bên chồng"
Ảnh minh họa

Nghe tin chị chồng lấy lại khoảng sân, đang cho người tháo dỡ ngôi nhà, chị vội vã chạy về, bước chân chị khựng lại khi bắt gặp ánh mắt hằn học của anh và người chị chồng. Đứng lặng dưới gốc cây nhà hàng xóm nhìn sang, môi chị mím chặt, nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt gầy gò, khắc khổ. Ngôi nhà vừa được cất lại tươm tất trước ngày anh đi. Hôm ấy anh còn bảo với chị: “Có làm lại cái nhà cho chắc chắn thì anh mới yên tâm đi làm ăn xa, chứ để đêm hôm mưa gió, nhà không có đàn ông tội mấy mẹ con. Vậy mà…”. Đấy cũng là toàn bộ tài sản tích góp của vợ chồng chị suốt bao năm qua, giờ chỉ còn lại là những mảnh vụn vỡ. Anh đứng đó, không tham gia việc dỡ nhà cũng chẳng ngăn cản. Khi những tấm tôn cuối cùng được tháo xuống vứt chỏng chơ, chị ngã khụy…

Ba tháng trời chị về nhà mẹ ruột sinh sống, anh không một lần đến thăm con cũng chẳng một lời năn nỉ chị. Sự cạn tình cạn nghĩa của anh khiến chị lòng đau như dao cắt. Buồn tủi lẫn tự ái chị mang tờ đơn ly hôn đến gặp anh. Tiếng chị chồng the thé: “Mày bỏ mấy mẹ con nó đi tao cưới vợ khác cho mày…”, không chút đắn đo anh ký.

Những câu chuyện nghe cứ như ở thời nào xa lắc…

Anh Sa (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN