Ly hôn có đồng nghĩa với gia đình tan vỡ? Người đàn ông đứng dậy ra đi sẽ để lại những gì ở đằng sau lưng mình? Người vợ, những đứa con, những lo âu, những khoảng trống, sự thiếu khuyết, sự đổ vỡ, tổn thương? Thực ra thì, sau lưng họ, vẫn là một gia đình.
- 3 con giáp nữ sau khi kết hôn sẽ có cuộc sống gia đình hạnh phúc, viên mãn
- Nhiều bạn trẻ không muốn lập gia đình, tại sao?
Không đàn ông lấy ai chèo chống?
Kết hôn, khá nhiều phụ nữ cho rằng mình đã tìm được một bờ vai để tựa vào, tìm được một người để gánh vác những việc nặng nhọc, khó khăn trong gia đình: từ sửa đèn, sửa điện, đến sửa nước, sửa nhà, từ kiếm tiền nuôi con đến giỏi giang thì nuôi luôn cả vợ. Nghĩ già thành ra nghĩ non, đến nỗi cuộc sống bị phụ thuộc tất cả vào chỉ một người. Đến nỗi, nhiều người đối mặt với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, sống với người chồng thiếu tế nhị, ít thấu hiểu nhưng vẫn cắn răng mà chịu chỉ vì “mình đã chọn thế rồi”, “anh ấy về cơ bản tốt mà, chỉ là…”.
Nhưng hóa ra, cái người mình tưởng rằng không thể thay thế, lại chỉ tương đương với vài cửa hàng dịch vụ bé xíu xiu, thậm chí là một vài cú phôn.
Hoàng Hạnh là một “tiểu thơ” đích thực, từ nhỏ đã không phải làm gì đến lúc lớn thành ra không biết phải làm gì. Cô chỉ tập trung học và rồi ra đi làm ở một ngân hàng. Công việc tốt, thu nhập cũng khá tốt. Rồi cô yêu một người chỉ vì người đó chiều mình từ miếng ăn, tới cái áo, mọi thứ trên đời đều có người xốc vác lo hết cho. Thế là cưới, rồi dần dà đẻ hai đứa con đủ cả nếp tẻ. Ai nhìn vào cũng bảo sướng, được chồng lo hết, chỉ việc hưởng. Nhưng ai biết đâu cô tiểu thơ lại sống một cuộc sống vui ít buồn nhiều. Chồng chiều, nhưng ghen khủng khiếp. Mua cho áo đẹp, nhưng chỉ được… mặc ở nhà. Ra ngoài mặc bộ nào là chồng chọn và luôn luôn đi đâu là phải có chồng đi theo… kèm cặp. Lỡ có anh nào vui miệng khen xinh đẹp quyến rũ là gia đình sẽ khủng hoảng cả tuần. Cô như một chiếc bình hoa đẹp, đi bên chồng, chỉ cười và chẳng bao giờ nói năng gì.
“Không thở được!” – là câu cảm thán mà Hoàng Hạnh thường xuyên nói ra với những cô bạn chí thân của mình.
Cho đến một ngày, cô quyết định ly hôn, để được… thở.
“Ban đầu mình không biết phải xoay xở ra sao. Nhưng rồi mình phát hiện ra rằng mọi chuyện đều có thể… google là xong! Tất cả các dịch vụ bây giờ đều rất thuận tiện. Không có chồng thì có rất nhiều… anh khác giải quyết giúp mình các vấn đề: anh sửa điện, anh sửa nước, anh ship hàng, anh lắp mạng… Việc của mình chỉ là tập trung làm việc sao để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Mà việc này thì lại… không khó lắm, với rất nhiều người phụ nữ hiện nay, có học hành tử tế, nghề nghiệp chuyên môn vững rồi…”, Hạnh kết luận.
Thiếu khuyết mà bình yên
Mối băn khoăn lớn nhất của các cặp đôi sau khi ly hôn thường là làm sao để lo cho con cái. Quan niệm lâu nay thường cho rằng trẻ con sẽ học được các tính cách kiên định, dũng cảm, mạnh mẽ từ người cha; đồng thời, học được sự mềm mỏng, yêu thương, chu đáo, tỉ mỉ từ người mẹ. Thực ra tất cả mọi tính từ chỉ tính cách con người đều không có mặc định giới tính. Mỗi con người đều có thể sở hữu trọn vẹn mọi tính cách tốt/ xấu, và truyền dạy cho con cái những điều này. Và quan trọng là, tạo ra một môi trường tốt để con cái có thể phát triển và trưởng thành.
Môi trường tốt này nên được hiểu như thế nào?
Là một môi trường có đủ cha và mẹ?
Hay là một môi trường đủ bình yên?
Trao đổi về góc độ này, Phương Ly, một phụ nữ 36 tuổi, đã đứt gánh giữa đường sau một “cuộc chiến ly hôn” và đang nuôi dạy cậu con trai 10 tuổi cho rằng: Thà thiếu khuyết mà bình yên, còn tốt hơn là đủ đầy mà bão tố. Phương Ly đã trải qua một cuộc hôn nhân 12 năm mệt mỏi. Vợ chồng không thể đồng cảm được với nhau, thường xuyên cãi vã, thậm chí là xỉ nhục nhau, thậm chí là bạo hành lẫn nhau ngay trước mặt cậu con trai Mạnh Hùng ngây ngô. Cho đến một ngày, Mạnh Hùng bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm, Phương Ly mới giật mình nhận thấy không chỉ cần cứu vớt chính mình khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh, mà còn phải hành động khẩn trương để không tiếp tục làm tổn thương đến con trai mình.
Tuy nhiên, chồng cô lạnh lùng tuyên bố “không đời nào ly hôn”, do khối tài sản chung khá lớn và gia đình nhà vợ khá có ảnh hưởng. “Mình phải nhường lại cho anh ta căn nhà hai vợ chồng chung sống, cùng với số tiền trong tài khoản khá lớn. Thậm chí, bố mẹ mình còn phải dọa dẫm các kiểu dù ông bà không hề quen với việc đó, chỉ để đổi lấy bình yên cho con cháu”.
Hai mẹ con ra khỏi căn nhà cũ, tìm một căn hộ mới. Trang hoàng lại nhà cửa theo tông màu và kiểu cách mà bác sỹ tâm lý hướng dẫn. Từng chút từng chút tập trung hết tâm sức, tình cảm chăm sóc cho con trai. Dần dà, Mạnh Hùng ổn định trở lại, hòa nhập với bạn bè và gia đình, Phương Ly mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
“Vì con và vì chính mình mà phải kiên cường như thế. Chứ chắc chắn là không một ai mong muốn sự tan vỡ cả. Nhưng sau đó, mình đã định nghĩa lại về gia đình: Đó không hẳn là vợ + chồng + con cái, mà gia đình là nơi có những người yêu thương nhau, dù thiếu khuyết hay đủ đầy. Khi tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau không có hay không còn, lúc ấy, một gia đình tan vỡ nhưng có thể lại là điểm khởi đầu cho một gia đình khác bình yên hơn…”.
Khi thiếu khuyết lại trở thành trọn vẹn
Ly hôn – một bước chuyển mà mỗi người bước ra đều mang theo mình những niềm đau, tổn thương, dù ở góc độ này hay góc độ khác. Nhưng rồi người ta vẫn tiếp tục sống. Các thành viên trong gia đình thiếu khuyết vẫn tiếp tục hành trình trưởng thành.
Cho đến một lúc, tùy duyên, người ta lại có thể tìm thấy tình yêu, tìm thấy những nửa khuyết thiếu, để lắp ghép lại thành một gia đình trọn vẹn.
Có một thực tế là với rất nhiều người, khi trải qua những mất mát trong hôn nhân mới thấu hiểu hai tiếng bình yên trong tình yêu và cuộc sống lứa đôi thực chẳng hề dễ dàng. Sẽ cần nhiều tha thứ, sẽ cần nhiều bao dung, cho người đồng hành, cho chính mình và cho cả những người xung quanh trong mối quan hệ gia đình luôn cần nhiều sự cảm thông, thấu hiểu. Khi đó, người ta có thể bước vào một cuộc yêu mới, thậm chí bước vào một cuộc hôn nhân mới, với nhiều thận trọng cần thiết cho một tình cảm bình yên lâu dài.
Mai Hoa – một người phụ nữ ngấp nghé 50, mới tìm thấy sự bình yên cần thiết sau hai cuộc hôn nhân sóng gió. “Người ta nói rằng không hi vọng thì cũng không thất vọng. Sau hai cuộc hôn nhân mà tự mình đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn cho hạnh phúc, cũng như ngoan cố không chấp nhận những điểm chưa tốt của đối phương dẫn đến những mâu thuẫn kéo dài mỏi mệt, tôi đã chọn cách bước vào tình yêu mới với một sự hồn nhiên mà lẽ ra tuổi đôi mươi đã phải có. Kết hôn hay không cũng không còn quan trọng. Không đặt nặng những trách nhiệm cho đối phương phải yêu, phải tôn trọng, phải làm theo sở thích của mình. Tôi tự do tự làm những điều mình muốn, đồng thời khơi gợi và đón nhận mọi quan tâm của đối phương theo một cách tự nhiên nhất. Không quá đòi hỏi, không quá trông mong. Mình tôn trọng đối phương và đối phương cũng tôn trọng mình. Mọi niềm vui đều nhỏ bé nhưng sự tích lũy mới khiến mình cảm nhận được sự dịu dàng và bình yên.
Con cái nhìn vào thấy cuộc đời của mẹ chúng nhẹ nhõm thì cũng vững tâm hơn trên con đường trưởng thành. Cha mẹ nhìn vào thấy cuộc đời của con gái đã bớt sóng gió, đã nhiều an yên thì cũng vui vẻ, bớt âu lo để tận hưởng tháng năm còn lại. Đơn giản là như vậy, mà hóa ra nhiều người chúng ta đã phải dành rất nhiều thời gian cho các cuộc chiến gia đình”.
Đàn bà, một khi bước qua đổ vỡ đều thấy bản thân thật chẳng hề yếu đuối. Đớn đau là điều cần thiết để chúng ta nhận thấy rằng mình luôn đủ mạnh mẽ, và sự bình yên mới là điều cuối cùng quan trọng, chứ không phải là một gia đình cơ học gồm vợ + chồng và những đứa con. Có một người chồng cũng tốt. Nhưng có một người đồng hành thực sự trên đường đời mới là điều cần hơn. Người đồng hành ấy có thể là bất kỳ ai: bố mẹ mình, con cái mình, thậm chí là chính bản thân mình.
Khi mỗi người có được sự yên ả hạnh phúc tự thân, ấy là khi người ta đang sở hữu một gia đình trọn vẹn.
Anh Vân