Em muốn ăn gì anh nấu?

Phụ nữ, có ai mà không mềm lòng, ngay khi nghe câu hỏi đó?

Muôn đời, làm gì có phụ nữ nào khư khư ôm một mối tình ảo vọng, lạnh lùng với người đàn ông thường xuyên hỏi mình câu ấy thật dịu dàng.

moi-som-anh-day-tap-the-duc-va-lai-mua-do-an-sang-ve-cho-em-em-day-danh-rua-mat-va-an-sang-roi-di-lam-anh-minh-hoa-1214290_291416569

Dượng đã nói với dì tôi câu này, khi bà chỉ còn vài ngày cuối cùng. Dì tôi không khóc, chỉ nắm chặt tay dượng và hỏi: Vậy là em đã được tha thứ, phải không?

Người khóc là dượng tôi, ông lão trẻ suốt 30 năm đã vật vã, nổi loạn vì sự lạnh lùng của vợ. Ông muốn bà ra đi trong thanh thản, và món cháo gạo lứt cá thu ông nấu, đã như một lời tạ lỗi ân cần cho cảhai.

Dượng là trai phố. Tức là con trai nhà giàu, phố cổ. Mẹ của dượng là bạn của bà ngoại tôi, cả nhà tôi quen gọi mẹ dượng là Cụ Bà. Dì thì con gái út của bà trẻ tôi, mỏng mày hay hạt, xinh đẹp nhất nhà, mà cũng rất khéo tay, đảm đang chứ không giống các cô út thường điệu rớt vì được cưng chiều. Nhà dượng chấm dì làm dâu phần lớn là vì điều này. Hai nhà vun vào, dì tôi lúc bấy giờ đang yêu một thanh niên học trường dòng, tương lai sẽ thành cha xứ, bị cả nhà ngoại tôi phản đối vì nhà đạo Phật gốc, con cháu đều được “bán khoán” cho chùa, lớn lên các mợ, các dì đều quy y, có pháp danh. Bà trẻ tôi khóc lóc: “Con đi theo cái thằng cứ đấm ngực xưng tội ấy thì mẹ chết còn hơn”. Dĩ nhiên dì tôi ngoan, không thể để mẹ chết, cha buồn, nên vâng lời mà lấy dượng tôi, mặt khác thì dì biết, cha xứ tương lai cũng không thể kết hôn, thôi thì là số, chả duyên chả nợ thì đi lấy chồng lại còn mang được chữ hiếu thuận.

Nhà dượng sang trọng, giàu có, nề nếp, chủ thương hiệu đồ thêu danh tiếng ở Hàng Gai, chứ không phải dạng trọc phú thừa tiền. Nhà theo chế độ mẫu hệ, cụ ông sáng sáng trước khi đi bách bộ, hỏi: “Mợ, hôm nay nhà mình ăn gì?”. Cụ bà nhẹ nhàng trả lời: bò hầm nhé, hay cậu bảo cô Tín làm nem”. Cô Tín là quản gia kiêm bếp trưởng, cụ ông sẽ truyền đạt thông điệp để cô chuẩn bị gia vị, nấu nướng. Nguyên liệu chính sẽ được cụ ông đi bách bộ mua về cùng tờ báo.

Woman smiling at her pan-holding husband in a kitchen

Mọi chuyện kinh doanh, sắp xếp trong ngoài, là cụ bà. Trong nhà có cô Tín, dưới cô còn hai chị giúp việc, dì tôi về làm dâu trưởng, cũng được yêu quý trọng vọng lắm, thực quyền là “dưới một người (là mẹ  chồng), và trên mọi người(kể cả bố chồng)”. Từ khi có dì tôi, việc lựa chọn và chuẩn bị thực phẩm cho các món ăn của cả nhà vẫn do bà Tín đảm trách, nhưng người hỏi “Hôm nay mình muốn ăn gì?” là dì tôi hỏi dượng vào mỗi sáng. Cháu đích tôn đầy tháng là cụ bà chính thức tuyên bố chuyển giao mọi việc trong nhà cho dì, trong đó có phần bếp, giỗ chạp, tiệc tùng. Nhưng có khác cụ bà, là mỗi sáng, dì hỏi dượng câu này, trước khi bước ra cửa hiệu, mặt tiền, và sau khi bà Tín cùng bếp đã sơ chế, thì người nấu chính trong bếp, là dì.

Không đợi đến khi cụ bà mất đi, dì tôi mới chính thức là bà chủ. Giờ tôi vẫn nhớ như in, khi còn bé xíu, thi thoảng cùng mẹ lên Hà nội, đến thăm, luôn thấy dì mảnh mai và đài các giữa những đồ thêu ren trên vải phin nõn mềm mại, sang trọng hay trong bếp ngăn nắp, sáng bóng phía trong. Có mẹ con tôi, dì sẽ nấu thêm vài món truyền thống của nhà ngoại như xôi vò, chè hoa cau. Dì nấu nhanh, gọn, nhẹnhàng như người ta đọc sách hay thư giãn, không bao giờ có vẻ tất bật hay cuống quít kiểu bọn phụ nữ hiện đại chúng tôi sau này.

DVZVMyIVoAAJpiP

Tôi cũng nhớ dì chỉ đạo làm những bữa cỗ toàn cao lương mỹ vị, tuần chay có chay, cúng mặn có mặn, nhưng bản thân lại ăn uống rất cảnh vẻ. Có lần tôi thấy dì chỉ rắc chút muối vừng đen lên nửa chén cơm gạo lứt, thêm đĩa bí xanh luộc, thế là xong. Nhưng bữa ăn thanh đạm ấy cũng được chuẩn bị trong những đĩa, chén sứ xinh xắn, đẹp như tranh.

Tôi thích dì dượng và giữ ký ức vui vẻ về những đồ thêu ren sang trọng cùng căn bếp sạch bóng ấy cho đến một ngày của kỳ nghỉ hè, chứng kiến sự đau khổ tột cùng của dượng. Dì không cho mở cửa hiệu hôm ấy, lần đầu tiên ra khỏi nhà một mình, suốt một ngày, không ai liên lạc được, để đến tham dự lễ tấn phong linh mục của người xưa. Không hiểu sao dì biết về buổi lễ ấy, dù đã gần10 năm không gặp nhau.

Dượng tôi đã đập nát bữa cơm trưa hơn 10 năm qua chưa bao giờ không có vợ, người phụ nữ đáng ao ước của biết bao đàn ông thời ấy (và có lẽ cả ngày nay). Cả nhà như có tang, cho đến chiều, dì về, âm thầm, quầng mắt thẫm lại, nhưng ngày mai, cửa hiệu lại vẫn mở bình thường. Và dì dượng vẫn tiếp tục sống với nhau, với câu hỏi đều đặn mỗi buổi sáng, nhưng bữa cơm trưa hay chiều đều đã vắng mặt dượng nhiều hơn.

Trái lại hoàn toàn với vẻ mảnh mai và đài các của vợ, dượng tầm thước, chắc nịch, nâu bóng vì chơi thể thao chăm chỉ. Bà trẻ tôi kể về con rể, rằng vì là con cầu tự, hồi nhỏ lại kén ăn, nên dượng rất hay ốm yếu. Cụ bà thiếu sữa, bà Tín đã cho dượng bú thay, sau đó là nuôi bộ bằng cả sâm, nước cháo pha sữa. Khi dượng lớn lên, không nuôi con theo kiểu cậu ấm, cụ bà mời riêng thầy dạy võ, tập thể thao cho dượng, để rèn luyện cho con không chỉ khoẻ mạnh mà còn tự tin. Khi gặp dì, dượng có lẽ đã yêu ngay vẻ đài các và sang trọng giống như được đúc khuôn để làm dâu và làm chủ cửa hiệu của gia đình, được đúc khuôn để làm dâu cụ bà vốn yêu con thương cháu nhất mực. Ngoài ra, lẽ thường, đàn ông càng mạnh mẽ, đầy sinh lực, sẽ càng dễ yêu vẻ mảnh mai của phụ nữ, vì tràn ngập niềm tin rằng sẽ đủ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho nàng.

46-0-da97eeed80b1bb1685085ecc32fa416f

Trái với cụ ông hiền lành chăm chỉ đi chợ và đọc báo mỗi sáng, dượng đảm trách những việc cần giao tế, đi lại trong kinh doanh.

Xuôi ngược tìm những mẫu lạ, giao dịch với khách nước ngoài, dượng là mẫu đàn ông phong lưu, bặt thiệp chứ không hoàn toàn chỉ hưởng thụ an nhàn và phó thác chuyện kinh doanh cho vợ.

Trước bữa trưa bị đập nát ấy, vẫn có vô số phụ nữ cũng giỏi giang, cũng xinh đẹp, cũng con nhà quyền thế, đã say mê dượng như điếu đổ, nhưng chỉ sau hôm ấy, dượng mới không bao giờ từ chối một ai, thậm chí còn có cô đến thẳng nhà khóc lóc với dì. Nhưng họ cũng đều ra đi tay trắng chứ không có dượng. Như vùng vẫy trả thù, dượng phóng túng kết giao với những phụ nữ ấy để sự tự ái đàn ông được ve vuốt.

Vẻ đài các, tuyệt nhiên không bao giờ nồng nhiệt ở dì, và cái ngày duy nhất dì vắng mặt như một lời thú nhận ấy, đã khiến tôi, khi đã thành đàn bà, luôn tin rằng đó là nguyên nhân chính để dượng có vô số mối quan hệ ngoài luồng như thế. Và tôi tin rằng cũng chính vì mối tình bị chôn chặt trong lòng, dì tôi chẳng còn tâm trí và chỗ nào trong tim cho những đau đớn phiền muộn khi chồng phóng túng, có hết cô này đến cô khác.

157372431

Mẹ tôi giải thích rằng dượng yêu đến tôn thờ cụ bà, và lời hứa sẽ chỉ có một mình dì trong đời là một lời hứa thiêng liêng, cả đời cụ bà không chấp nhận một ai khác làm con dâu, nên dượng sẽ không chọn thêm một ai khác, cho dù có cay đắng đến mấy vì chỉ luôn có được dì, đài các, đẹp nao lòng đến từng cm, nhưng phần hồn thì không. Dượng vẫn có dì, gia đình vẫn có một bà chủ đoan trang, mực thước và khéo léo, tận tâm. Phần sống duy nhất dì dành cho riêng mình, cũng chỉ là buổi chứng kiến lễ tấn phong linh mục của ngươi yêu cũ. Chẳng lẽ, hàng chục ngàn ngày tận tâm, không thể đổi lấy một ngày duy nhất sống cho ký ức và sau đó sẽ quyết định chôn vùi nó?

Các con chấp nhận.

Họ mạc chấp nhận, vẫn yêu thương và tôn trọng dì.

Dượng tôi cũng chấp nhận, nhưng bão giông trong lòng người đàn ông ấy cũng gây đau đớn có lẽ không kém trái tim bị bóp nghẹt của dì tôi.

Hai mươi năm sau, khi con cháu đều đã định cư ở nước ngoài và không ai còn duy trì việc kinh doanh của gia đình, căn nhà nổi tiếng ở Hàng Gai giờ đây đã thành một khách sạn bề thế, dì dượng sống cùng cô cháu gái của bà Tín, vị quản gia trung thành, trong một ngõ nhỏ vẫn ở phố cổ nhưng yên tĩnh. Dì tôi bị nghẹt động mạch vành, từ chối mọi đề nghị chữa trị. Ngày dì gần mất, tôi lên thăm, lặng đi khi nghe câu hỏi của dượng và cái nắm tay cùng câu thốt lên đầy day dứt của dì.

cb

EM MUỐN ĂN GÌ ANH NẤU, một câu hỏi đơn giản biết bao người phụ nữ đã mong được nghe.

Cả đời người đàn bà đẹp, dì tôi, đã nấu cho chồng những món ăn từ bình dị đơn giản đến cầu kỳ nhất, nhưng chưa hề được nếm bất kỳ món gì chồng tự tay làm.
Và buồn thay, ngày bà nhận ra tình yêu của chồng dành cho mình cũng tha thiết lắm qua câu hỏi đơn giản này, là một ngày muộn, sau những năm tháng dài cứ dành tình yêu của mình cho một người đã xa. Một tình yêu dùng đúng từ mô tả là đầy ảo vọng, nó là gì so với một người đàn ông hiện hữu, ở bên cạnh, với những chăm sóc ân cần, rất thật, hàng ngày?
Mà tôi cũng tiếc cho dượng lắm, phải chi, ông hỏi câu này sớm hơn, thường xuyên hơn, chắc hẳn ông đã cứu được cả dì tôi lẫn bản thân mình. Dì sẽ không lạnh lùng như những năm qua. Họ sẽ có những ngày thật ấm áp, đơn giản, dượng sẽ đi bách bộ, mua báo, dì tôi sẽ lộng lẫy và viên mãn giữa những ren thêu đẹp đẽ, và dì sẽ vào bếp, hôm nào đông khách, dượng sẽ nấu.

EM MUỐN ĂN GÌ ANH NẤU, hay dễ hơn, là EM MUỐN ĂN GÌ ANH MUA, với đàn ông Việt giờ đây không còn xa lạ nữa nhưng với những người như dượng tôi, trong hoàn cảnh như dì dượng tôi, trở thành một tuyên ngôn, một thông điệp tỉnh thức của sự tha thứ. Đàn ông giờ ân cần, âu yếm, hỏi thật để biết nhu cầu thật của bạn gái/người yêu/vợ mình là gì cho bữa trưa, bữa sáng hay bữa tối, để chăm sóc thật, chỉ đơn giản vậy thôi mà giúp gắn kết, xoa dịu rất hiệu quả, rất nhanh, tất cả những bực bội, phiền muộn, cáu kỉnh, đau đớn, ghen tuông của phụ nữ.

Phụ nữ, có ai mà không mềm lòng, ngay khi nghe câu hỏi đó?

Muôn đời, làm gì có phụ nữ nào khư khư ôm một mối tình ảo vọng, lạnh lùng với người đàn ông thường xuyên hỏi mình thật dịu dàng EM MUỐN ĂN GÌ, ANH NẤU?

(Trích đoạn Ăn và Yêu. Ann Lee, NXB TRẺ)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN