Dạy con chờ dịp trả thù là bạn đang dạy con nuôi dưỡng cơn nóng giận, sự hận thù… điều này là đầu độc chính con mình.
Giảng viên Phạm Thị Thúy (Chuyên viên đào tạo kỹ năng và tham vấn tâm lý)
Hầu hết cha mẹ dạy con nhờ cô giáo hoặc người lớn can thiệp, nhưng thực tế thì không ít người dạy con đánh trả…
– Tôi nghĩ dùng bạo lực chống lại bạo lực thì không bao giờ chấm dứt được nạn bắt nạt. Con chúng ta sẽ trở nên hơn thua, hung bạo, thậm chí từ nạn nhân cháu có thể biến thành kẻ đi bắt nạt.
Hậu quả trước mắt sẽ là sự đau đớn cho cả con mình và bạn của con, vì đánh nhau có thể gây đổ máu, thậm chí đã có trường hợp trẻ hung bạo đánh vào yếu điểm và gây án mạng.
Đôi khi giải pháp méc cô cũng không được giải quyết…
– Trẻ biết nhờ người lớn can thiệp, giúp đỡ là tốt. Nhưng nếu trẻ lúc nào bị bắt nạt cũng mách cô thì trẻ sẽ không rèn luyện được lòng dũng cảm, thậm chí gây phiền hà cho giáo viên. Cũng có trường hợp nhờ giúp đỡ nhưng giáo viên chưa xử lý ổn thỏa nên cha mẹ có tâm lý phủ nhận vai trò giáo viên.
Để tránh việc trẻ phải tự giải quyết, đánh lại hay chịu đựng, cha mẹ thường can thiệp trực tiếp, hoặc gặp phụ huynh của bạn bắt nạt nói chuyện… Cách này nếu giải quyết khéo léo cũng có tác dụng tích cực, còn nếu giải quyết tiêu cực theo kiểu tự xử sẽ gây căng thẳng hơn tình trạng bắt nạt hoặc gây ra những mâu thuẫn khác lớn hơn (ví dụ, mâu thuẫn giữa các phụ huynh). Với việc phối hợp tốt với giáo viên, bạn sẽ giúp vừa giải quyết vấn đề, vừa tạo cho con một môi trường học thân thiện hơn.
Có người thì dạy con chờ dịp trả đũa…?
– Dạy con chờ dịp trả thù là bạn đang dạy con nuôi dưỡng cơn nóng giận, sự hận thù… điều này là đầu độc chính con mình. Trả thù kẻ bắt nạt thì chính con cũng bị tổn thương.
Các bậc cha mẹ dạy con ứng xử như thế nào là tốt nhất?
– Việc đầu tiên khi con bị bắt nạt, cha mẹ cần trò chuyện với con một cách ân cần, quan tâm lý do bị bắt nạt một cách khách quan. Không đổ lỗi cho con hay cho bạn con khi chúng ta chưa rõ thông tin. Khi ta biết rõ nguyên nhân bắt nạt từ đâu, cha mẹ có thể giúp con hóa giải nguyên nhân đó.
Nếu vì con nhút nhát, tự ti nên bạn bè hay chòng ghẹo thì điều cần làm là giúp con tự tin vào chính mình. Cha mẹ cần động viên, khuyến khích những ưu điểm của con, giúp con nhận ra giá trị bản thân, thế mạnh của con. Khen con chân thành mỗi ngày cũng giúp trẻ tự tin hơn trước bạn bè.
Nếu vì lý do mối quan hệ của con mình và bạn có mâu thuẫn, xung đột hay có sự lợi dụng lẫn nhau (bắt con cho chép bài, bắt con cho tiền…) thì cha mẹ cần trao đổi với giáo viên để giáo viên tìm cách uốn nắn.
Phụ huynh cần cùng với thầy/cô giải quyết nạn bắt nạt, ví dụ như gặp phụ huynh bạn hay bắt nạt, không phải để mắng vốn mà để giúp họ dạy con tốt hơn.
Cha mẹ cần dạy con cách phản ứng đúng khi bị bắt nạt:
Tỏ thái độ nghiêm khắc, phản ứng không đồng tình với hành vi bắt nạt, ví dụ nhìn thẳng vào mắt bạn và nói “mình không thích bạn làm như thế với mình, nếu bạn còn tiếp tục mình sẽ…”.
Nếu bạn đánh, giật tóc… cần có hành vi tự vệ, giơ tay ra đỡ hay phản kháng. Cần phân tích cho trẻ hiểu tự vệ khác với đánh nhau. Cha mẹ cho con học vài thế võ cũng rất tốt.
Cần la to cho mọi người nghe thấy và giúp đỡ. Hoặc chạy đi gặp người lớn, thầy cô, chú bảo vệ để tìm sự giúp đỡ.
Cho con thấy mọi sự đe dọa chỉ là lời dọa dẫm, đừng vì sợ hãi mà khuất phục, con luôn có ba mẹ bảo vệ.
Cha mẹ cần truyền cho con sự bản lĩnh bằng những hành động nho nhỏ ngay từ khi còn bé để trẻ tự tin sống không sợ hãi. Đôi khi chỉ một việc nhỏ như dạy trẻ sống tự lập, không làm thay những gì trẻ có thể làm cũng là cách rèn cho trẻ sự tự tin và bản lĩnh.
Nguồn Phụ Nữ Online