Có đứa em họ tới chơi nhà, nhìn thấy con bé con nhà mình chạy chơi nhởi quanh chân thì túm lấy, rồi tung tung lắc lắc như chơi búp bê, miệng cười bảo “em thích trẻ con lắm”. Rồi nói thêm, sau này sẽ làm single mom, tự kiếm tự đẻ lấy một đứa con để nuôi cho thích!
Mình nghĩ bụng, em gái này chắc chỉ thích trẻ con khi chúng dễ thương xinh xẻo và chơi đùa, chưa biết những lúc em bé lên cơn quấy khóc, sài đẹn ốm đau kinh khủng thế nào.
Nhân chuyện cô em họ hồn nhiên nghĩ về việc không cần chồng mà vẫn thích có con, mình lại nghĩ đến những người phụ nữ Việt hiện nay “đối phó” với hôn nhân ra sao. Thời con gái mình học tiểu học, con về nhà tự hào khoe với mẹ, rằng mẹ ơi con thấy trong lớp con, mỗi mình con là có gia đình hạnh phúc. Mình hỏi tại sao con nói thế, thì con kể, rằng gia đình bạn nào ở trong lớp cũng lục đục, nếu không có bố mẹ ly dị thì cũng chẳng ở với nhau, hoặc nếu ở với nhau thì luôn cãi cọ, đánh nhau, có hôm dỗi nhau còn không ai chịu đi đón bạn con ở trường, khiến bạn ấy khóc suốt và cô giáo phải đưa về nhà. Con tự hào vì bố mẹ con đối xử tốt với nhau, không bao giờ thấy cãi nhau to trước mặt con. Nghe con hồn nhiên kể đến đó, mình chỉ im lặng, bởi thực ra, con nhỏ quá nên chưa nhận ra những vấn đề ngấm ngầm của bố mẹ trong gia đình. Chỉ vì mình và ông xã khéo che giấu mà thôi.
Những gia đình có kiểu đối phó hôn nhân như mình không ít. Nhìn quanh bạn bè thì thấy, hầu hết đều có vấn đề khó dung hòa nhưng vẫn chịu đựng hôn nhân. Thậm chí họ chịu đựng rất giỏi và tạo vỏ bọc đẹp đẽ khiến người ngoài nhìn vào vẫn tưởng họ đang hạnh phúc.
Ở ta, thông thường có hai mẫu người vợ. Mẫu thứ nhất là người vợ chịu thương chịu khó, bao đồng tần tảo và thường được ngợi ca. Chị Liu là một người thuộc mẫu thứ nhất này. Chị có một sạp hàng ở chợ đầu mối, làm ăn cũng khá, thêm tính lo xa, chăm chỉ nên số tiền chị kiếm được đủ nuôi gia đình. Chồng chị là công nhân, thấy công việc của mình chẳng có gì thú vị, lại thêm vợ kiếm khá tiền nên anh bàn với vợ sẽ nghỉ việc để giúp vợ chạy chợ. Chị Liu đồng ý. Nào ngờ anh chồng chăm chỉ giúp chị được thời gian đầu, chạy xe đưa hàng đến các đầu mối cho vợ. Thời gian sau anh cứ lười dần, lắm hôm đến giờ giao hàng cho khách mà anh vẫn chưa thèm nhúc nhích. Khách gọi điện giục quá, chị Liu đành thuê xe ôm chở hàng cho kịp. Cứ thế, cuối cùng thì xe ôm đã thay thế hoàn toàn anh chồng lười của chị Liu.
Hôm nào cũng vậy, chừng bữa trưa anh mới ngủ dậy, ăn trưa xong thì lững thững đi tìm bạn cà phê chém gió cho hết ngày. Buổi tối anh lại đi tìm bạn ở quán rượu, đi sàn nhảy kiếm bạn gái cho đỡ buồn. Chị Liu từ nhắc nhở chồng khéo léo, đến nghiêm trọng hơn là tổ chức họp gia đình, rồi van nài chồng mà anh vẫn không chịu chí thú làm ăn. Thời gian sau, anh sinh ra cờ bạc và cặp bồ. Chị phải cậy đến bố mẹ chồng khuyên răn anh, nhưng chính bố chồng chị đã khuyên chị nên ly dị. Ông bảo, thằng con trai bố hết thuốc chữa rồi con ạ, cũng tại con một phần vì con chiều nó quá, làm hết cả việc của thằng đàn ông trong nhà khiến nó ỷ lại. Bây giờ nó đã đi quá xa rồi không quay trở về được nữa. Con cần bỏ nó nếu không muốn nó tạo hình ảnh xấu, làm hỏng cả các con của con sau này.
Mẫu người vợ thứ hai là loại người vợ trong tủ kính như Thanh. Thanh là con gái Hà Nội gốc, xinh xắn, nhỏ nhẻ thanh thoát và rất biết cách tự chiều chuộng, chăm sóc mình. Chồng Thanh muốn cưới được cô phải vượt qua rất nhiều vệ tinh khác. Nhưng khi cưới được người đẹp, thì anh trót dại chấp nhận “bộ nguyên tắc” của cô: ấy là cô sẽ không đụng tay chân vào việc nhà, đã có ô sin lo; cô sẽ không chịu trách nhiệm làm kinh tế nuôi gia đình dù cô có việc làm hẳn hoi, bởi đó là trách nhiệm của người đàn ông; cô sẽ có một ngày cuối tuần đi chơi với bạn bè mà không có chồng đi cùng; cô sẽ phải được dưỡng da, dưỡng thể mỗi tuần một lần; được đi du lịch với đám bạn học phổ thông, đại học, bạn gái… mỗi năm một lần, vân vân… Anh chồng đồng ý tất vì nghĩ cho cùng tiền anh kiếm được thừa lo các khoản chi đó. Anh thậm chí còn bonus cho cô một sổ tiết kiệm để hàng tháng cô lấy tiền lãi đi taxi cho làn da ngọc không bị phơi ra với nắng gió bụi bặm ngoài đường.
Ai cũng bảo Thanh sướng, rằng kiếp trước chồng Thanh nợ cô quá nhiều nên kiếp này anh ấy mới chịu chiều chuộng cô như thế. Thanh sinh hai con, mà dáng vẫn ngon như gái chưa chồng. Cô cũng không chịu cho con bú mà tìm vú nuôi như các mợ vợ quan ngày xưa. Vì thế ngực cô vẫn giữ được độ nảy nở căng tròn hấp dẫn chứ không bị teo tóp như những bà mẹ khác. Làn da cô vẫn trắng mỡ, tóc vẫn óng ả mượt mà. Hầu như thời gian và việc làm vợ, làm mẹ chẳng ảnh hưởng gì tới cô. Nhìn Thanh đẹp nõn như thế, đàn ông nào cũng mơ. Tưởng chồng cô sẽ phải giữ cô như giữ sơn. Nào ngờ qua hơn thập kỷ chung sống, anh đòi chia tay. Người ngoài thấy đột ngột, nhưng với anh thì không. Anh đã chán cô vợ tuy xinh xắn trẻ trung hơn so với tuổi, nhưng lại chẳng bao giờ biết nghĩ cho chồng con. Cô chỉ chăm chăm lo cho bản thân mình. Nếu việc gì đó ảnh hưởng đến nhan sắc của cô, cô sẽ nói không. Con ốm khóc suốt đêm, cô vẫn bỏ mặc cho vú nuôi, vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ và làn da của mình. Chồng có muốn âu yếm vợ cũng phải tuân theo giờ quy định của cô vì cô cần ngủ dưỡng da… Cuối cùng, anh đã phải lòng một phụ nữ khác, tuy không trẻ và xinh như vợ anh, nhưng lại có một trái tim ấm áp, luôn sẵn lòng vì anh mà đổ mồ hôi nấu bát cháo thơm khi anh mệt mỏi, mát – xa cho anh khi anh đau người…
Cô vợ trong tủ kính không giữ được chồng. Người vợ đầu tắt mặt tối không biết chăm sóc bản thân, tất cả vì chồng con cũng không được hạnh phúc. Vậy thì phụ nữ phải làm thế nào để đối phó với hôn nhân, để có hôn nhân trọn vẹn?
Sau khi li dị, chị Liu bỗng trẻ hẳn ra, đẹp hơn lên. Chị được tự do, và lại có nhiều tiền hơn vì không phải chi phí cung phụng ông chồng bám vào chị như trước nữa. Chị được một Việt kiều để ý đến và ngỏ lời, nhưng chị còn cân nhắc đã, chưa nhận lời với anh ngay, vì vết thương hôn nhân trong chị còn chưa khép miệng.
Còn Thanh, cô bị sốc nặng và già sọp hẳn đi. Quen được tiêu tiền của chồng vào những nhu cầu xa xỉ cá nhân, giờ cô bị cắt toàn bộ những chu cấp đó. Cô lại lo nghĩ triền miên vì làm sao lo đủ tiền nuôi mình và nuôi một đứa con sau khi li dị. Tiền lương công chức lười như cô chỉ đủ để cô ăn sáng và đi taxi. Cô vật lộn giữa hai lựa chọn, một là phải đầu tắt mặt tối làm thêm kiếm tiền tự lo cho con và bản thân, hai là kiếm một ông chồng giàu và chịu chi khác, nhưng hiện giờ cô đã 38 cái xuân rồi, kiếm chồng giàu đâu có dễ.
Bạn thích kịch bản nào hơn? Phụ thuộc vào chồng hay sẽ tự chủ về tài chính, để có thể đường hoàng đối phó với hôn nhân trong bất kỳ tình huống nào?
Mai Ka (Phụ Nữ Ngày Nay)
Xem thêm:
>> Trách nhiệm trong hôn nhân là tận hưởng tình yêu
>> Những nguyên nhân khiến hôn nhân rạn nứt
>> Đừng chết khi hôn nhân bế tắc!