Ngồi trước tôi là một người phụ nữ mang dáng dấp một “phụ nữ Hàn” với thái độ cởi mở và nụ cười luôn thường trực trên môi. Chị Đinh Thị Kiều Oanh, người đã có gần 10 năm sinh sống tại Hàn Quốc chia sẻ với Phụ Nữ Ngày Nay những khó khăn và thuận lợi mà phụ nữ Việt Nam kết hôn và nhập cư Hàn Quốc gặp phải.
- Định cư nước ngoài – Xu hướng nhà giàu Việt?
- Trần Thị Cẩm Tú: “Không có con đường nào khác ngoài tiến lên phía trước”
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết và hành trình lập nghiệp trên xứ Mỹ
Xin chị cho biết “nguồn cơn” của việc quyết định kết hôn với người Hàn Quốc và chị đã sống ở Hàn Quốc bao nhiêu năm?
Chuyên ngành đầu vào đại học của tôi là chuyên ngành báo chí với ước mơ trở thành một nữ nhà báo xông xáo, năng động nhưng có lẽ cơ duyên với tiếng Hàn mạnh hơn nên năm thứ hai đại học khi thi lên chuyên ngành tôi lại đỗ nguyện vọng hai là khoa Văn hóa văn học Hàn Quốc nhưng thực chất là chuyên học về tiếng Hàn. Thật lạ là tôi học tiếng Hàn rất nhanh và mặc dù hồi đó (năm 1997~1999) ở Hà Nội rất khó tìm được chỗ để thực tập tiếng Hàn nhưng những kiến thức tiếng Hàn tôi lĩnh hội được ở trường cũng khá vững để tôi làm việc tại công ty Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp.
Trong thời gian 5 năm làm công việc chính là thông dịch viên tiếng Hàn, có thể do trực tiếp làm việc với người Hàn nên tôi bị ảnh hưởng bởi tác phong và tính cách của người Hàn Quốc rất nhiều như phong cách làm việc mau lẹ, giải quyết vấn đề đến cùng và ngay cả cái tính gấp gáp của người Hàn dường như cũng ăn vào máu (cười). Chính vì vậy khi gặp ông xã tôi bây giờ, tôi không hề cảm thấy lạ lẫm hay có khoảng cách. Tôi giao tiếp với anh thật thoải mái và tự tin bằng tiếng Hàn, khi anh sang Việt Nam lần đầu, tôi cũng không ngần ngại dẫn anh tới những nơi rất Việt Nam như… quán nhậu để anh có cơ hội làm quen với ẩm thực Việt và cùng anh đi du lịch đến những vùng miền khác nhau để anh hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Sau gần một năm tìm hiểu và có sự qua lại giữa hai bên gia đình; năm 2005, tôi chính thức kết hôn với anh và sang sinh sống tại Hàn Quốc từ đó đến năm 2013.
Có vẻ như với lợi thế ngôn ngữ và am hiểu văn hóa, chị đã không gặp bất cứ một khó khăn nào khi sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc?
Đúng là do không gặp rào cản về ngôn ngữ và cũng có thể là do tính cách xông xáo, thích mạo hiểm từ hồi còn học khoa báo mà tôi rất tự tin khi tiếp xúc và làm việc với người Hàn nhưng nếu nói không gặp phải bất cứ rào cản hay khó khăn nào thì không phải. Để có được một đời sống ổn định và những thuận lợi khi sinh hoạt, làm việc học tập tại Hàn Quốc, tôi đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chồng và gia đình nhà chồng.
Việc yêu và kết hôn với người Hàn không lãng mạn như trong phim ảnh. Ở Hàn Quốc, lấy vợ nước ngoài dù là Âu, Mỹ hay Á châu đều là một sự đánh đổi rất lớn, có thể là thanh danh dòng họ, gia đình và nhận lại sự xoi mói của người đời. Tư tưởng dân tộc của họ rất mạnh mẽ thậm chí tới mức cực đoan. Nhiều người cho rằng kết hôn quốc tế đã tạo nên những vấn đề bất cập trong xã hội Hàn Quốc như li hôn, bạo hành gia đình và trên hết đó là sự suy yếu của dòng máu Hàn. Con lai ở Hàn Quốc, đặc biệt là con lai khác màu da như Hàn – Mỹ rất hay bị trêu chọc, nhiều gia đình đã phải sang nước khác sinh sống để tránh sự kỳ thị của xã hội.
Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi làn sóng lấy vợ nước ngoài phát triển thì mức độ phân biệt đối xử dành cho con lai tại Hàn Quốc lại càng mạnh hơn đến mức chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nhập cư kết hôn và gia đình kết hôn quốc tế như miễn hoàn toàn học phí ở nhà trẻ mẫu giáo, hỗ trợ tiền học thêm về ngôn ngữ cho con, cử cô giáo đến nhà dạy miễn phí tiếng Hàn cho trẻ em, mở các lớp đào tạo nhân tài đa ngôn ngữ đối với những trẻ nói được cả tiếng Hàn và tiếng mẹ đẻ, tổ chức các lớp dã ngoại cho gia đình đa văn hóa tạo điều kiện cho mẹ và con tiếp xúc tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, phong tục truyền thống của Hàn Quốc. Xã hội Hàn hiện nay cũng đã cởi mở hơn rất nhiều với vấn đề kết hôn với người nước ngoài.
Tôi nghĩ Chính phủ Hàn Quốc đã làm rất tốt việc tạo những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ kết hôn di trú có thể sinh sống một cách thoải mái tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ có thật sự hạnh phúc và hài lòng với đời sống của mình tại Hàn Quốc hay không còn tùy thuộc vào sự nỗ lực và nhu cầu học hỏi của bản thân cũng như sự ủng hộ của người chồng.
Đó là những khó khăn về phương diện xã hội còn trong chính các gia đình đa văn hóa thường hay gặp phải những bất đồng gì?
Hầu hết phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người Hàn và sinh sống tại Hàn Quốc đều mong muốn đi làm để được tự do về tài chính, hòa nhập với cộng đồng nhưng thông thường các ông chồng Hàn Quốc không muốn vợ mình phải vất vả lam lũ và trên hết do truyền thống họ muốn vợ mình ở nhà để lo chu toàn công việc nội trợ như những người phụ nữ Hàn khác. Nguyên nhân chính gây nên những rạn nứt mâu thuẫn giữa vợ chồng, bố mẹ chồng và nàng dâu thường nằm ở điểm này. Riêng tôi may mắn hơn vì chồng tôi ủng hộ vợ phát triển trong sự nghiệp. Anh còn khuyến khích tôi học lên thạc sĩ để có cơ hội tốt hơn.
Ngoài ra, các gia đình đa văn hóa cũng thường có những bất đồng do khác biệt về thói quen trong chăm sóc con cái. Tôi đã có bất đồng với gia đình chồng, ở đây là chị chồng, khi cùng tham gia vào chăm sóc con gái của tôi. Chị chồng tôi sống rất nguyên tắc và cẩn thận trong khi tính tôi lại dễ dãi nên chị ấy không an tâm khi để một mình tôi chăm sóc con gái. Tôi nghĩ những mâu thuẫn kiểu này thì cuộc hôn nhân nào cũng sẽ có, dù là kết hôn với người cùng quốc gia hay khác quốc gia nhưng chính tình cảm gia đình đã giúp chúng tôi giải quyết được mâu thuẫn đó và hiện nay chị chồng lại là người tích cực hỗ trợ tôi trong công việc kinh doanh tại Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam định cư tại Hàn Quốc có dễ tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn hay không?
Hàn Quốc là một xã hội coi trọng bằng cấp. Nếu không có bằng đại học sẽ khó xin được việc. Phụ nữ Việt Nam hay Hàn Quốc nếu chưa tốt nghiệp đại học thì chỉ có thể làm công nhân trong các nhà, xưởng. Những người có bằng cấp đại học ở Việt Nam cũng rất khó xin được việc làm tại các cơ quan của Hàn Quốc nếu như không học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ về một chuyên ngành nào đó tại các trường đại học của Hàn Quốc. Thông thường, những người tốt nghiệp các chuyên ngành xã hội sẽ làm những công việc liên quan tới giảng dạy ngôn ngữ hoặc thực hiện các dự án hỗ trợ phụ nữ kết hôn di trú của Chính phủ Hàn Quốc. Những người tốt nghiệp về tài chính, kinh tế thì thường làm trong các công ty đầu tư chứng khoán, các quỹ đầu tư bất động sản, tài chính có liên quan tới Việt Nam.
Riêng bản thân tôi, do thế mạnh là đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hàn ở Việt Nam và kinh nghiệm làm việc lâu năm trong các công ty của Hàn Quốc tại Việt nam về lĩnh vực thông dịch và dịch thuật nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp tục sử dụng chuyên ngành của mình tại Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc thường mời tôi phiên dịch trong các chương trình tham quan học tập nghiên cứu của cán bộ Việt Nam sang công tác tại Hàn Quốc.
Tại sao chị quyết định đưa cả gia đình về Việt Nam trong khi đã có một cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc? Chị hoạch định cho mình một tương lai ở Việt Nam hay Hàn Quốc?
Việc quay trở lại Việt Nam cũng là thực hiện lời hứa đối với ông xã khi chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân. Bản thân chồng tôi là một người khá phiêu lưu và lãng mạn. Anh quyết định kết hôn với phụ nữ Việt Nam cũng là do mong muốn sẽ sinh sống tại Việt nam vì đối với anh Việt Nam có nền văn hóa khá gần với Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam chăm chỉ và bản lĩnh.Việt Nam lại là một đất nước còn nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh. Anh có giao hẹn sau 5 năm sống ở Hàn Quốc sẽ về sống tại Việt nam. Tôi nghĩ anh đã rất sáng suốt khi cho tôi thời gian sống tại Hàn Quốc vì tôi có điều kiện để phát triển bản thân trong môi trường của một đất nước phát triển và trên hết là tôi hiểu được phong tục tập quán, truyền thống của Hàn Quốc để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững hơn dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng văn hóa của nhau.
Tôi lại là người không giữ đúng lời hứa 5 năm vì thấy sống ở Hàn Quốc tôi có nhiều cơ hội phát triển bản thân và môi trường nuôi dạy con cái rất tốt. Tuy nhiên, khi quyết định về lại Việt Nam sinh sống và kinh doanh thì tôi thấy sự lựa chọn của ông xã là rất đúng khi con gái tôi chỉ có khoảng nửa năm mà đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, ông xã tôi có điều kiện tìm hiểu các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đã thành lập một công ty nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm thương hiệu Philos của Hàn Quốc. Đây là một thương hiệu hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam nhưng chúng tôi rất tự tin vì chất lượng sản phẩm cao cấp mà giá cả lại phù hợp với đa phần phụ nữ công sở Việt Nam.
Chúng tôi dự định sẽ sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong 10 năm, tôi hy vọng sẽ tạo dựng được một công ty mỹ phẩm theo phong cách Hàn Quốc có uy tín và được sự tin dùng của người Việt, trên hết là vẫn giữ được nếp sống gia đình mang hai nền văn hóa Việt – Hàn, con gái tôi cũng sẽ có điều kiện hấp thu ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mà mẹ bé đã sinh ra và trở thành một công dân toàn cầu.
Cám ơn chị. Chúc chị luôn thành công trong cuộc sống.
Chị Đinh Thị Kiều Oanh là Phó Chủ tịch Hội người Việt nam tại Hàn Quốc, cơ quan chính thức được bảo trợ trực tiếp của Đại sứ quán Việt nam tại Hàn Quốc. Công việc chính là Hội mở các lớp dạy tiếng Hàn sơ cấp cho các cô dâu Việt mới sang Hàn, dạy tiếng Việt cho trẻ em con cái gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, phối hợp cùng các cơ quan của Hàn Quốc giúp đỡ những gia đình đa văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, hỗ trợ lao động Việt nam tại Hàn Quốc. Trong thời gian ở Hàn Quốc, ngoài công việc chính là thông dịch và biên dịch, chị còn tham gia dịch một số cuốn sách văn học Hàn ra tiếng Việt và hiện nay một số sách cũng đã được xuất bản tại Việt nam như: Seoul ngọt ngào, Bari công chúa. |
Phụ Nữ Ngày Nay