Sự khác biệt giữa hai thế hệ chính là “bức tường vô hình” tạo khoảng cách trong mối quan hệ giữa cha mẹ và các con. Không ít phụ huynh cố gắng tìm cách để “làm bạn” của con, nhưng rồi lại “đau đớn” nhận ra điều này là không thể. Vậy, làm thế nào để đến gần với thế giới của con?
Bao dung với lỗi lầm của con
Người xưa có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” quan niệm này đúng hay sai còn tùy thuộc và cách giáo dục con của mỗi gia đình. Nhưng có một thực tế dễ nhận thấy ở những đứa trẻ được giáo dục trong môi trường quá nghiêm khắc, đi kèm là những hình phạt nặng, chắc chắn chúng sẽ luôn trong một tâm trạng sợ sệt, lo lắng mỗi khi phạm sai lầm.
Quá nghiêm khắc với con sẽ khiến con lo sợ, sống khép mình và không dám nhờ cha mẹ giúp đỡ khi gặp khó khăn. Bao dung với lỗi lầm của con đó là cách để con luôn “mở lòng” trút bầu tâm sự khi chúng vấp ngã hoặc gặp những chuyện tréo ngoe.
Hãy luôn để con thấy rằng tình yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng là vô điều kiện, ngay cả những khi con phạm sai lầm, con vấp ngã, con không có được thành tích tốt nhất. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy an tâm, mới cảm nhận được sự bao dung, ấm áp mà cha mẹ dành cho chúng.
Kiềm chế cơn nóng giận
Con có thể bị điểm kém, bị cô giáo phê bình, hơi không ngoan một chút, chúng có thể gây gổ với đám bạn cùng lớp vì rất nhiều lý do “lãng xẹt” của trẻ con… Và đó luôn là cái cớ để người lớn quát mắng, thóa mạ, thậm chí trách phạt con nặng nề như một cách để “xả stress”. Một lần, hai lần trẻ có thể chấp nhận, nhưng chắc chắn đến lần thứ ba, chúng sẽ tìm cách để nói dối, miễn sao tránh được hình phạt.
Nóng giận trong bất cứ tình huống nào cũng đều không tốt, trong cách nuôi dạy con lại cực kỳ nguy hiểm. Những lúc như thế, kiềm chế cơn nóng giận, nghe con tỏ bày nguồn cơn sự việc. Nếu con sai thì nhẹ nhàng chỉ ra lỗi của con và yêu cầu con phải sửa sai, không tái phạm lần sau nữa.
Kiên nhẫn lắng nghe một lần, những lần sau đó con sẽ tiếp tục tìm đến cha mẹ để tâm sự khi chúng gặp “trục trặc” trong cuộc sống.
Tìm hiểu rõ nguyên nhân thay vì vội vàng kết tội.
Khi con gặp chuyện, phạm sai lầm hoặc làm một điều gì đó không đúng với suy nghĩ của người lớn, đừng vội kết tội con. Hãy đặt ra những câu hỏi đại loại: “Tại sao con lại làm như vậy? Con thấy việc làm của con có sai không? Bây giờ con cảm thấy như thế nào?”. Từ những câu hỏi như vậy sẽ tạo cơ hội cho con được thanh minh, được giải thích và được nói lên quan điểm, cảm nhận của chính con.
Khen ngợi về sự trung thực của con
Không phải đứa trẻ nào cũng can đảm dám nói ra sự thật về những lỗi lầm mà chúng mắc phải cho cha mẹ đâu. Nên nếu con dũng cảm dám nói ra sự thật. Việc đầu tiên, cha mẹ nên làm không phải vội vàng trách phạt. Mà nên dành cho con lời khen về sự trung thực đó. Sau đó, tùy vào mức độ phạm sai lầm mà chỉ ra cho con cách giải quyết, giúp con “giải tỏa” mọi khúc mắc.
Và tất nhiên, khi phạm sai lầm thì con phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả của mình gây ra. Điều này, sẽ giúp con không phạm tiếp lỗi lầm tương tự trong tương lai nữa.
Đi dạo và tâm sự cùng con
Có những đứa trẻ, đặc biệt là các chàng trai sự tự tôn rất cao, nên chúng rất ngại công khai những sai lầm của mình trước đám đông. Vì nếu làm như vậy, chúng cảm thấy bị mất mặt, mất uy tín và mất đi sự tự tôn của bản thân. Lúc này, nên rủ con đi dạo rồi nhẹ nhàng tỉ tê, khuyến khích con nói sự thật. Khi chỉ có hai người con sẽ dễ dàng mở lòng hơn.
Cho con cơ hội sửa sai
Ai rồi cũng phải nhiều lần vấp ngã, phạm sai lầm rồi mới trưởng thành, khôn lớn được. Con trẻ cũng vậy thôi, trong bước đường từ một đứa trẻ trở thành một nàng thiếu nữ, hay một chàng trai bản lĩnh, chúng sẽ phạm rất nhiều sai lầm. Đó là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là mỗi lần con phạm sai lầm, con vấp ngã thay vì vội vàng kết tội, hoặc dành cho con những hình phạt quá khắt khe. Cha mẹ nên bao dung với lỗi lầm của con, tạo điều kiện cho con có cơ hội để sửa sai, để con làm lại những điều tốt hơn. Hãy luôn ở bên con, hướng cho con đi đúng đường thay vì “o bế”, áp đặt những điều cha mẹ muốn lên con trẻ.
Trung thực với chính mình
Trẻ con như một tờ giấy trắng, quyết định viết gì lên đó tùy thuộc vào cha mẹ. Muốn con luôn trung thực trước tiên cha mẹ hãy luôn là người trung thực, vì con sẽ nhìn vào cha mẹ để học cách đối nhân xử thế, học cách làm người. Nếu cha mẹ là người nói dối, không biết giữ lời hứa, không biết nhận lỗi và sửa sai thì chắc chắn con sẽ làm những điều tương tự như vậy. Sự tín nhiệm của con chính là chìa khóa quan trọng để con luôn tin tưởng và nói sự thật mỗi khi chúng phạm sai lầm.
Làm bạn của con
Không phải ngẫu nhiên mà khi phạm sai lầm, hoặc gặp những chuyện “cắc cớ” con luôn tìm đến bạn bè. Vì bạn là những người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, bạn không bao giờ phán xét, không bao giờ có những hình phạt hà khắc trước những lỗi lầm của con cả. Hơn nữa, bạn chính là người đồng hành cùng con mọi lúc mọi nơi, dù là lúc vui hay buồn, lúc thành công hay thất bại đều có bạn ở bên cạnh.
Vì thế, muốn làm bạn của con, trước tiên cha mẹ phải là người biết lắng nghe, biết quan tâm, chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống của con. Muốn làm được như vậy, phải dành nhiều thời gian cho con, ở bên cạnh khi con cần giúp đỡ và đừng ngại chia sẻ mọi “chuyện thầm kín”, khó nói với con, chúng cũng dễ mở lòng chia sẻ với cha mẹ hơn.
Hạ Trâm