Nết ăn – Nết người

Ăn uống, xưa nay vẫn là chuyện vặt, chuyện nhỏ. người ta thường tránh góp ý cho nhau về chuyện ăn uống, coi đó là chuyện cá nhân, tế nhị. Nhưng, dạy con chuyện ăn thì không vặt chút nào. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, các cụ là bố mẹ, là ông bà dạy thế, càng ngẫm càng đúng lắm là đúng.

Có lúc hiếm hoi cà phê với bạn ở chỗ quen của bạn. Ngạc nhiên và thú vị khi nghe bạn thổ lộ:

– Bà có tin không, đến giờ con bé nhà tôi muốn uống một lon nước ngọt, ăn một thứ hoa quả gì trong tủ lạnh cũng phải xin phép tôi. Trước khi ăn mà không xin những thứ ấy thì còn lâu. Nhà bạn thì… giàu nứt. Nhưng bạn đúng. Ăn uống phải tùy lúc.

Nhà tôi ấy à, bạn lại rủ rỉ, trưa tối vợ chồng về nhà ăn cơm. Con lớn nhà tôi nó ăn ít nên nhoằng cái đã xong, đứng dậy về phòng. Tôi bắt quay lại, vì “Con ăn xong trước thì ngồi đây gọt hoa quả hoặc chơi, đợi bố mẹ ăn xong…”. Cũng đúng luôn. Ăn uống phải chú ý đến người cùng ăn với mình. Ăn nhanh quá, đứng lên nhanh quá, khiến người ta mất tự nhiên và có khi lại vội theo mình.

Rồi, bữa ăn đừng có xoi vào cái món mình thích. Khi gắp đừng có lật tìm miếng mình ưa. Gắp đồ ăn rau dưa không được vung vẩy. Nhìn đĩa đồ ăn trên mâm có ít thì hãy kiểm soát “tốc độ”. Đủ thứ phải biết ý về cái nết ăn.

Nết ăn - Nết người

Nhưng, có khi đi khắp gầm trời này không gặp ai dạy con khắt khe như bố tôi. Ông cụ là người lấy tên ông thời đi học để đặt tên khai sinh cho cô con gái duy nhất. Khó tính nghiêm cẩn khủng khiếp, với cái lời nhắc: Vào mâm, thứ đầu tiên đưa lên miệng phải là một miếng cơm trắng nhạt, thứ đến, là rau ăn với miếng cơm thứ hai, miếng thứ ba mới là thịt hoặc thứ gì đó là đồ ăn mặn.

Cụ có cái lý của người thoát ly từ ruộng đồng đói kém, từ những ngày tan học về cởi quần mò cua bắt ốc năm Ất Dậu, từ cái sự ăn một con tôm kho phải đủ cho cả bát cơm lèn chặt… Đến thời bao cấp, đi xếp hàng từ tờ mờ sáng mua theo tem phiếu. Gạo mọt bò lổm ngổm. Ăn độn hạt bo bo bục cả ruột. Có miếng thịt mà ăn cũng là một cái tội, phải giấu giếm. Nhà tôi trước có bác hàng xóm hay quan tâm xem bữa ăn gì, cứ lạch cạch mâm bát là bác lại sang chơi. Sau, mẹ tôi đành để trên mâm dưới chậu (để giấu tí đồ ăn mặn sợ bác sang chơi bất thình lình).

Ấy thế mà mấy anh em lúc nào cũng nhường nhau. Mẹ tôi giờ thịt gà chỉ ăn cổ. Bố, ăn đầu. Nào có phải vì thích, mà vì nhường con miếng ngon, ăn mãi xương xẩu thành quen thôi.

Nết ăn bây giờ hình như cũng nhạt rồi. Tôi đi nhiều nơi, thấy các con ngồi vào mâm là ăn bằng thích. Ăn không biết phần người ăn sau. Uống no kễnh trong lúc ăn. Vừa lủng bủng cơm trong mồm vừa uống vừa nói phun cả cơm ra bàn. Táo gặm cả quả nham nhở. Nho xách cả chùm ra ghế ngồi gác chân lên bàn vừa ăn vừa xem phim.

Nết ăn - Nết người

Mà người lớn nhìn thấy còn cười vui thích nữa. Mừng vì con ăn được nhiều. Nhiều lúc nhìn thấy, lẩn thẩn nghĩ: Ăn nhiều để khỏe, tốt rồi! Nhưng khỏe đã đủ chưa nhỉ?

Lạ. Tại sao người Nhật, họ ăn gì cũng ít một. Nộm trứng cua rong biển một nhúm. Cá sống mỗi thứ vài lát. Đĩa đậu luộc nhỏ xíu. Bát gân bò hầm củ cải cũng nhỏ. Be rượu cũng hâm nóng ít một. Con cá thu đao cũng chỉ mình một đĩa, tí củ cải nhuyễn, lát chanh… Mà họ vẫn thông minh. Vẫn tự lập. Vẫn cao. Vẫn tự tôn.

Ăn vừa vặn. Ăn đúng giờ. Ăn đủ chứ không ăn no bĩnh bầu. Ăn biết nhìn người khác. Ăn để cảm thụ tinh hoa trời đất chứ không phải cốt lấy no.

Đấy là những thứ hơi khó dùng, bây giờ. Nhưng con gái thì vẫn bị tôi đày như thế. Vì bé là con gái.

Hồng Anh (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN