Chỉ mới vào đầu mùa nóng nhưng tại các bệnh viện nhi, các khoa khám bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng… đã chật kín người đưa con tới khám.
- Cần quan tâm sức khỏe răng miệng cho trẻ
- Trẻ và chứng sợ hãi phân ly
- Chăm sóc trẻ: Bé gần hai tuổi chỉ nói được vài từ có đáng lo?
Bệnh tiêu hóa và hô hấp tăng cao
Tại khu vực phòng khám bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh, số bệnh ở trẻ nhỏ tới khám do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa những ngày này luôn đông. Khu vực chờ dành cho người nhà và bệnh nhi chật kín người, một số gia đình chỉ dám cử một người đứng lại để chờ nghe gọi tên còn người nhà phải bế trẻ đi tìm chỗ ghế trống ở các khu khám bệnh khác ngồi. Tương tự tại bệnh viện Nhi Đồng 2, khu khám bệnh lẫn khu điều trị nội trú luôn trong tình trạng quá tải do lượng bệnh nhi hô hấp, tiêu hóa gia tăng. Có con đang điều trị tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Trần Thị Bích Ngọc cho hay: Cháu nhà tôi bị nôn ói nhiều, kèm theo đau bụng và tiêu chảy, vì ở xa nên phải nhập viện điều trị, tuy nhiên một giường bệnh nhưng có đến 2 bệnh nhi, lại kê ở ngoài hành lang do bên trong quá chật chội nên cháu trông có vẻ mệt mỏi hơn.
Theo các bác sĩ tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày đầu tháng 3 cho tới nay, trẻ nhập viên vì bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa tăng gần như gấp đôi so với những tháng trước. Có nhiều trường hợp là bệnh nhi từ các tuyến dưới lên khám và nhập viện, vì vậy dù chưa phải là những tháng dịch nhưng bệnh viện vẫn đang quá tải.
Bệnh thủy đậu và sốt xuất huyết manh nha
Cũng theo nguồn tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhi nhập viện do mắc sốt xuất huyết bắt đầu rải rác, tuy nhiên bệnh thủy đậu những ngày gần đây đang có xu hướng tăng nhanh. Bác sĩ khoa cấp cứu cho hay: những năm trước, từ tháng 5 tháng 6, các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, thủy đậu mới bắt đầu bùng phát nhưng năm nay các bệnh này xuất hiện sớm hơn và có nhiều diễn biến khá phức tạp.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1, anh Dương Thanh Bình, bố của bé Trọng Phúc (6 tuổi ) chia sẻ: Bé nhà mình bị chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, sau một tuần điều trị thì bé ổn định nhưng sang tuần sau bé tiếp tục sốt, xuất hiện các dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi toàn thân. Bé được chẩn đoán là mắc bệnh tay chân miệng kèm sởi.
Cha mẹ cần lưu ý
Theo bác sĩ Đoàn Tiến Phương, khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, trong những tháng nóng, các bậc cha mẹ nên đặc biệt lưu tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân và ăn uống cho trẻ. Giữ ấm cơ thể cho trẻ, không để trẻ phải chịu sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, từ lạnh quá sang nóng quá hoặc ngược lại. Cách ly trẻ với môi trường có thể nhiễm bệnh, nếu nhà có trẻ bị bệnh, cần khử trùng đồ dùng và nhà cửa để tránh lây lan mầm bệnh. Có nhiều bố mẹ thắc mắc rằng tại sao cách ly con, không cho con ra ngoài, nhưng lại bị nhiễm bệnh? Nguyên nhân chính là ở bố mẹ, khi họ đi ra ngoài đã vô tình tiếp xúc với mầm bệnh, về nhà không vệ sinh sạch sẽ mà bế ẵm trẻ, nấu cho trẻ ăn dẫn đến lây lan mầm bệnh qua cho trẻ. Ngoài ra nên chủ động tiêm chủng các loại vắc xin phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh tốt nhất.
Hồng Duyên (Phụ Nữ Ngày Nay)