Ở đây thông thường đàn ông kiếm tiền, đàn bà tiêu tiền. Người đàn ông khi lấy vợ sẽ phải lo cho cả gia đình nên bắt buộc anh ta phải có việc làm tốt, liên tục cố gắng để được tăng lương, tăng thu nhập về đưa cho vợ.
Ở cộng hòa Czech, tới các nơi công cộng, tôi hay để ý nhìn các cặp đôi. Thường thì người đàn ông trông tất bật, lo lắng và hói đầu dù gương mặt còn chưa già lắm. Người phụ nữ bắt đầu phá phom, ngấn mỡ, nhưng gương mặt nhẹ nhõm, thường có con nhỏ bám theo hoặc đẩy xe nôi. Vào những ngày thường trong tuần, ở ngoài phố, trong các khu thương mại chỉ thấy phụ nữ đi một mình, hoặc dắt con nhỏ, đẩy xe nôi, thậm chí chỉ dắt theo chó, mua sắm rộng tay lắm. Họ đi tiêu tiền do người đàn ông của họ kiếm ra từ công việc mà anh ta phải miệt mài ở đó ít nhất 8 tiếng lao động cật lực mỗi ngày.
Ở đây thông thường đàn ông kiếm tiền, đàn bà tiêu tiền. Người đàn ông khi lấy vợ sẽ phải lo cho cả gia đình nên bắt buộc anh ta phải có việc làm tốt, liên tục cố gắng để được tăng lương, luôn tìm các sáng kiến để được cấp trên để ý, nhanh cải thiện vị trí công việc và nâng bậc lương, tăng thu nhập về đưa cho vợ. Chính vì thế mà người đàn ông luôn bị căng thẳng. Người phụ nữ khi sinh con tùy theo nhu cầu, sẽ được nghỉ làm việc ít nhất 3 năm, dài nhất 7 năm (nghỉ ít thời gian hơn thì nhận lương đẻ cao hơn). Nếu trong thời gian đó người phụ nữ sinh tiếp đứa thứ hai, thậm chí thứ ba thì cứ thế mà ở nhà ăn lương đẻ. Chính phủ khuyến khích công dân sinh thêm trẻ con, vì dân số Czech cũng đang già hóa nhanh.
Anh họ tôi, Nguyễn Ngọc Hùng, định cư ở Czech đã hơn chục năm nay, kịp mở dãy nhà hàng fastfood Việt thương hiệu Guty, nay đã phát triển được 49 nhà hàng cả thảy trong các trung tâm thương mại ở Czech, Ba Lan và Slovakia, cạnh tranh mạnh với KFC, cũng đóng góp khoản thuế kha khá cho chính phủ, nhưng nhà chỉ mình anh đi làm, còn vợ anh vì đẻ liền hai con nên vẫn ăn lương đẻ do Chính phủ Czech cấp 7 năm nay rồi. Tuy nhiên, người Việt mình dù ở đâu cũng không chịu ngồi nhà, chị tranh thủ đi làm ở tiệm móng tay kiếm thêm. Đấy là may mắn anh lấy vợ Việt, chứ lấy một cô vợ Tây mà xem, chồng là ông chủ lớn thế thì vợ chỉ việc ở nhà chăm con, hoặc tiêu khiển với thú vui riêng và ra phố tiêu tiền của chồng kiếm được. Xét về khoản kiếm tiền cùng góp với chồng, thì phụ nữ Việt hơn hẳn phụ nữ Tây.
Là đàn ông, ai lại đi tranh cãi với bạn gái về vấn đề tiền nong. Đàn ông kiếm tiền để làm gì nếu không để cho đàn bà tiêu cơ chứ.
Vaclav năm nay 41 tuổi, làm quản lý ở công ty Kostal, chuyên sản xuất thiết bị điện cho ô tô, cách nay chừng 4 năm từng có một cô bạn gái. Tuy họ chưa cưới nhưng vì ở chung với nhau nên phải tìm mua một căn hộ. Lương của Vaclav đưa cả cho cô bạn gái, cô tùy chi tiêu cho cả hai và dành ra một khoản để mua trả góp căn hộ. Khi hai người chia tay nhau, cô gái không muốn căn hộ đó, thế là Vaclav phải vay tiền để trả cho cô khoản tiền tương đương giá trị nửa căn hộ. Nghe ra thật vô lý, nhưng Vaclav là đàn ông, ai lại đi tranh cãi với bạn gái về vấn đề tiền nong, dù cô ấy không đóng đồng nào để mua căn hộ đó. Đàn ông kiếm tiền để làm gì nếu không để cho đàn bà tiêu cơ chứ.
Em gái tôi lấy chồng Bỉ, chồng nó lập một tài khoản chung cho hai vợ chồng. Tiền lương chồng nó đổ tất vào tài khoản đấy, vợ cầm một thẻ chồng cầm một thẻ, cả hai cùng tiêu chung. Nếu tiêu hết thì anh chồng phải quắn lên lo làm thêm. Em gái tôi ở nhà đẻ suốt 6 năm nay không đi làm, nó tiêu tiền là chính. Còn chồng nó bận tối mắt đi làm kiếm tiền đổ vào tài khoản. Thậm chí ngày cuối tuần cũng phải đi làm thêm để có tiền đổ vào tài khoản cho vợ tiêu. Một mình kéo đoàn tàu há mồm 4 toa, tôi nghĩ mà thương cậu em rể ngoại quốc này.
Tuy nhiên, không phải anh Tây nào cũng thực thà một trăm phần trăm, dù các anh vẫn kiếm tiền cho vợ tiêu. Vợ chồng tôi quen một quan chức ngành ngân hàng của Czech, tên anh này là Roman, anh vẫn nộp lương đều cho vợ, nhưng có một số tài sản riêng mà vợ không biết. Sắp tới đây anh này có ý định li dị vợ, đương nhiên tài sản sẽ chia đôi, gồm căn hộ đắt tiền ở Praha, một vila xinh đẹp ngoại ô, ba cái xe ô tô, một du thuyền – những tài sản vợ anh nhìn thấy và nhiều người nhìn thấy. Nhưng dân tài chính có chiêu của họ. Roman đang nhờ chồng tôi tìm một nơi tin cậy để đầu tư khoản tiền lớn vào Việt Nam, tẩu tán trước khi li dị. Bởi, miễn bàn việc cô vợ Roman chưa từng đóng một xu nhỏ nào vào khoản tài sản kia, mà chỉ tiêu đi, thì đương nhiên khi li dị, anh vẫn phải chia đôi bằng chằn chặn tài sản cho vợ. Luật Czech là thế, không làm khác được.
Tôi có em gái nuôi người Hàn Quốc, tên Hana Choi. Em có đôi lần phàn nàn với tôi rằng chồng em đưa ít tiền cho em quá. Tôi hỏi, thế chồng em cất tiền đi đâu? Em nói, anh ấy toàn gửi về cho bố mẹ đẻ. Tôi đành an ủi em, rằng thôi bố mẹ nghèo, lại già yếu, chồng em gửi tiền về giúp cũng phải, nhưng Hana vẫn phụng phịu vì không được quyền quản lý toàn bộ số lương của chồng. Dù sao đàn ông Hàn cũng còn kiếm tiền cho vợ tiêu, dù không phải được tiêu tất cả.
Khi biết chồng tôi, dân gốc Trung Âu, chuyển toàn bộ lương của anh vào tài khoản riêng của tôi, tùy tôi định đoạt chi tiêu trong gia đình, thì Hana bảo, chị sướng thật đấy, được chồng kiếm cho mà tiêu. Tôi thì chả thấy sướng mấy, bởi tôi vẫn hàng ngày bươn bả khắp nơi kiếm tiền, đơn giản là phụ nữ Việt như tôi và chị dâu tôi, vợ anh Ngọc Hùng kể trên, cảm thấy rằng mình ăn bám chồng thì thật là không phải. Thế là, dù được sướng mà cũng không sướng nổi cơ đấy. Có lần, chồng tôi nói, em không cần lo kinh tế nữa, có anh lo rồi. Em hãy làm việc gì em giỏi nhất, thích nhất mà không bị trói buộc bởi suy nghĩ, việc đó có ra tiền hay không. Lời đề nghị thật hấp dẫn của chồng cho đến nay vẫn chưa được tôi chấp nhận. Đơn giản tôi là một phụ nữ Việt, khổ quen rồi sướng không chịu nổi.
Kiều Mai (Phụ Nữ Ngày Nay)