Câu hỏi này vừa hơi… ngớ ngẩn lại vừa khiến người ta giật mình. Yêu thì cưới, để sống cùng nhau trong tình yêu đến trọn đời mới thôi. Thế mà cũng phải hỏi! Ừ, như thế thì lại phải hỏi: Yêu mà không cần cưới vẫn có thể sống cùng nhau đến trọn đời cơ mà! Thế… cưới để làm gì?
- Váy ren gọn gàng cho mùa cưới cuối năm
- Hồ Ngọc Hà, Kim Lý mặc đồ cưới
- Nhã Phương khoe sắc khi diện váy cưới
Hôn nhân vẫn được coi là một biện pháp ràng buộc hai con người lại với nhau. Tất nhiên ở đây là sự ràng buộc tự nguyện. Chắc chắn phần lớn mọi người cưới nhau là vì yêu. Và còn vì:
– Để tình yêu được thừa nhận một cách chính thức và chuyển hóa sang giai đoạn hôn nhân.
– Để có thể sinh con đẻ cái và tất nhiên là con cái khai sinh hợp pháp đủ mẹ đủ cha.
– Để có thể cùng nhau dồn sức tạo dựng tương lai của “chúng ta” chứ không phải của riêng ai.
– Để… về già còn có người bầu bạn.
– Để…
Có vô vàn lý do để người ta cảm thấy cần ràng buộc với nhau bằng hôn nhân. Tuy nhiên, tựu chung lại, có lẽ con người ta cưới nhau vì cần một cảm giác an toàn trong tình yêu.
Mái ấm
Người ta cưới vì muốn ở cùng một nhà – rõ ràng là như thế. Dưới một mái nhà chung, người ta bắt đầu có những kế hoạch cho tương lai: mua sắm đồ đạc, sinh con đẻ cái, tích lũy tài sản… Danh có chính thì ngôn mới thuận, gọi vợ gọi chồng mới không thấy… sái miệng, quở tai. Ở chung một nhà thì người ta cũng dễ yêu thương, chở che nhau hơn, lại cũng đỡ chuyện người ta trông vào. Ừ thì cũng chẳng sau nhưng nhiều khi lại phải giải thích cũng khá là mất thời gian và khó chịu.
Sống dưới cùng một mái nhà, người ta có thể khám phá ra thêm những khía cạnh tốt đẹp ở nhau, cùng với đó là những điểm xấu không còn che dấu. Chấp nhận hết mọi thứ của nhau, dù tốt, dù xấu, chẳng phải đó cuối cùng mới là tình yêu đích thực và bền lâu. Chấp nhận, đồng cảm, chia sẻ, đồng minh… đó là những bước tiến từ tốn trong hôn nhân. Niềm tin trong tình yêu thường khó được hình thành trong thời gian đầu nồng cháy, mà cần phải được mài giũa của thử thách hôn nhân. Để đứng cùng nhau trước mọi sóng gió của cuộc đời, chỉ tình yêu thuần túy đôi khi là chưa đủ, mà sẽ cần sự gắn kết đặc biệt bởi vô vàn thứ trách nhiệm từ to đùng vĩ đại đến nhỏ bé li ti trong cuộc sống hôn nhân: Những đứa con cần được chăm lo khôn lớn, từng bước đi chập chững, từng kỳ thi cam go, từng dấu ấn trưởng thành; Cha mẹ hai bên cần phụng dưỡng; Họ hàng hai bên cần giữ quan hệ giao hảo; Bạn bè chung cần giao lưu, quyến luyến…
Sống dưới cùng mái nhà, ăn cùng những bữa cơm, vun vén từng vật dụng, nghe từng bản nhạc, xem từng bộ phim, ngắm từng bông hoa… mọi sinh hoạt nhỏ bé thường ngày dần trở thành thói quen bên nhau gắn bó. Xa là nhớ, là thấy thiếu thốn… Tình yêu dần trở thành tình thân, một thứ tình cảm mà chỉ những ai sống dưới một gia đình mới có thể cảm nhận được. Mà không phải tình yêu, tình thân mới chính là thứ gắn bó con người ta lâu dài.
Sống dưới cùng một mái nhà, người ta có nhiều thời gian hơn để nhìn ngắm nhau, để cảm nhận được từng sự thay đổi dù là nhỏ nhẹ nhất ở đối phương: Điều gì đó khác lạ trong giọng nói, trong câu chuyện ngày hôm nay; Ánh nhìn thoáng buồn hay thoáng vui; Những tâm tư dù đã cố giấu kín nhưng đã là tri âm tri kỷ thì có thể nào nuốt tiếng thở dài vào trong mà người kia lại không biết…
Chính bởi vậy, ngôi nhà của hôn nhân được gọi là mái ấm.
Không cưới thì sao?
Chẳng sao!
Như đã nói, phần lớn con người ta cưới là vì yêu. Khi còn hỏi “cưới làm gì?” thì đơn giản chỉ là yêu chưa đủ lâu, yêu chưa đủ sâu, chưa xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong hôn nhân, suy nghĩ về tương lai của hôn nhân chưa rõ ràng.
Hoặc là đang ngấp nghé cưới vì bố mẹ, vì sức ép từ gia đình, từ xã hội, người ta cưới hết rồi mà sao còn mỗi mình chưa, hoặc là muốn cưới thử cho biết mùi vị của hôn nhân nhưng vẫn còn băn khoăn chuyện nhỡ đâu lại không rút chân ra kịp thì lại khổ cả đời…
Hoặc là cưới vì… tiền
Hoặc là, cảm thấy những ràng buộc quá phức tạp của hôn nhân là không thực sự cần thiết.
Hoặc là người ta đã đi qua một cuộc hôn nhân giông bão và trở nên sợ hãi trước các cuộc cưới xin.
Cưới làm gì nếu chỉ muốn gọi vợ gọi chồng cho vui tai mà chưa nghĩ đến trách nhiệm làm cha làm mẹ?
Cưới làm gì nếu chỉ muốn chia sẻ với nhau những phút giây yêu đương lãng mạn mà chưa sẵn sàng chia sẻ với nhau những khó khăn của cuộc đời.
Cưới làm gì khi chưa thực sự đủ dũng khí đối mặt với những góc tối của tình yêu, thậm chí là của người mình yêu.
Cưới làm gì khi chính bản thân mình còn chưa sẵn sàng cho một sự thay đổi từ cuộc sống độc thân yêu đương vui vẻ sang cuộc sống gia đình hỗn loạn trăm bề.
Thực lòng, khi còn hỏi “cưới làm gì?” thì đừng nên cưới, cứ yêu thôi. Chỉ yêu thôi, cần gì cưới.
Ừ, thì yêu không cưới cũng vui mà. Một cuộc tình không trách nhiệm sẽ luôn luôn thú vị. Vui thì ở bên nhau, buồn thì ta tránh mặt. Giận hờn cãi vã có thể sẽ ít đi, có thể sẽ qua nhanh, mà cũng có thể sẽ… qua luôn, đường ai nấy đi trong một tích tắc không cần phiền phức ra tòa hòa giải mấy vòng vẫn nhất định là không hợp thì mới được giải quyết. Tất nhiên là những người yêu nhau sẽ luôn luôn phải đối diện với cảm giác bất an vì “chúng ta là gì của nhau?”. Ở viễn cảnh xa xôi hơn, những đứa con nếu được sinh ra sẽ luôn luôn đặt ra những câu hỏi về tình trạng của bố mẹ chúng.
Đấy, nói đến đây nhiều người lại muốn cưới. Hôn nhân là một chặng đường dài chẳng bao giờ là dễ dàng, vừa ngọt ngào vừa cam go, luôn đặt ra một tỷ thứ trách nhiệm vừa đáng ghét lại vừa đáng yêu.
Đích đến của tình yêu là hạnh phúc, không hẳn là hôn nhân.
Thế thì cưới làm gì?
Chỉ người trong cuộc mới trả lời được thôi…
Anh Vân