Ngôi nhà nhỏ ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhiều năm nay luôn rộn ràng tiếng trẻ nhỏ cười đùa, tíu tít. Nơi ấy là chỗ che mưa che nắng của người đàn ông 56 tuổi cùng với 93 người con.
Bảo vệ mạng sống cho các con
Vào một chiều đầu năm 2018, chúng tôi tìm về ngôi nhà của ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Ngôi nhà của ông đang được sửa chữa, mở rộng hơn để cho những đứa trẻ có thêm chỗ ngủ. Đám trẻ nhỏ thấy người lạ đến nhà lễ phép chào rồi nhanh nhảu hỏi: “Chú tìm thầy con ạ. Mời chú vào nhà, thầy con đang ở phía sau”.
Nói rồi những đứa trẻ nối đuôi nhau tíu tít dẫn chúng tôi đến nơi ông Nhật đang dở tay thu gom những vật liệu xây dựng vương vãi. Thấy khách đến, ông Nhật với nụ cười hiền hậu chào khách. Rửa vội đôi tay lấm bẩn, ông rót nước mời khách uống, rồi nói: “Nhà đang sửa sang nên hơi bừa bộn, chú thông cảm ngồi tạm ngoài này”.
Khi được hỏi về những đứa con của mình, ông Nhật cho hay, mỗi đứa trẻ là một kỉ niệm, là một kí ức khiến ông không thể nào quên. “Khi ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, bản thân tôi là một con người nên không đành lòng nhìn những đứa trẻ bị vứt bỏ. Với suy nghĩ đó, tôi mang bọn trẻ về nuôi, đến nay “gia tài” của tôi đã có 93 người con”, ông Nhật với ánh mắt hạnh phúc nói.
Ngược dòng thời gian về năm 2008, ông Nhật cho hay, lúc bấy giờ ông mới dọn đồ đạc về dựng ngôi nhà nhỏ tại thôn 1 (xã Ia Hlốp) sinh sống. Trong một lần đi vào ngôi làng Ja Rai (huyện Chư Prông) chơi, ông chứng kiến cảnh dân làng đang chuẩn bị chôn sống một bé gái đang còn đỏ hỏn. Hỏi ra mới biết, bé gái mới sinh được 2 ngày thì mẹ qua đời nên dân làng làm theo tục lệ là chôn bé theo mẹ. Ngay lúc đó, ông vừa bất ngờ, vừa sốc bởi những quan niệm lạc hậu của người dân nên liền xông vào giành giật lại mạng sống của đứa trẻ.
Dân làng lúc này không đồng ý bởi theo tục lệ của người Ja Rai thì mẹ chết, con phải chết theo mẹ. Lúc bấy giờ, ông không nghĩ đến việc có thể nuôi được cháu bé hay không, chỉ nghĩ là phải cứu được cháu bé thoát khỏi cái chết. Sau một hồi lâu giải thích và nộp phạt một con heo 50kg để người dân cúng Giàng thì ông Nhật cũng đưa được đứa trẻ về nhà.
Khi đưa cháu bé về nhà, ông đi xin sữa từng nhà một để nuôi sống cháu bé. Nhiều người sợ đứa trẻ lạ bú vào lây bệnh cho con mình nên không cho bú trực tiếp. Lúc đó ông chỉ biết xin họ vắt từng tí sữa cho vào bình rồi mang về cho bé bú, đến khi có tiền ông mua thêm sữa ngoài cho cháu bé được đủ chất hơn. Đứa trẻ đỏ hỏn ngày đó nay là bé Đinh Hồng Phúc, đã được 11 tuổi. “Tôi đặt tên cho con là Phúc, bởi vì con may mắn được giữ lại mạng sống nên mới có được ngày hôm nay. Hy vọng sau này lớn lên con sẽ là một con người biết thương yêu giúp đỡ người khác”, ông Nhật tâm sự.
Không chỉ riêng Phúc, mà trong ngôi nhà nhỏ đó còn có nhiều trường hợp, mảnh đời con trẻ mà giờ đây nghĩ lại ông vẫn không kìm được nước mắt. Đặc biệt trường hợp của “Thúi”, cái tên thân thương ông gọi người con bé bỏng của mình bởi chẳng khi nào người con được thơm tho. Nhớ năm đó, vào một lần đi lang thang các buôn làng, ông Nhật đã bắt gặp một bé trai bị bố mẹ bỏ rơi. Kiểm tra cơ thể đứa bé, ông phát hiện cháu nhỏ không có hậu môn. Ngay lập tức, ông Nhật ôm cháu bé xuống TPHCM để tạo “hậu môn” giả bên hông. Những nỗi đau không dừng lại tại đây, khi ông được các bác sĩ thông báo rằng cháu bé còn mắc bệnh down. Nhưng vì tình thương nên ông không đành lòng bỏ cháu bé lại mà đưa “Thúi” về nuôi như con ruột của mình.
Gia tài là 93 người con
Nói chuyện với chúng tôi, ông Nhật tự hào khoe, gia sản lớn nhất của ông bây giờ chính là các con của mình. Ông Nhật bảo, mỗi khi đi đến đâu mà gặp những hoàn cảnh trẻ thơ bất hạnh, bị bỏ rơi thì ông đều đưa về chăm sóc và cho học hành đến nơi đến chốn. Tính từ năm 2008 đến nay, ông Nhật đã nuôi dưỡng 93 người con. Trong số đó, người con lớn nhất năm nay đã 21 tuổi và đang theo học tại Huế.
Nhắc đến các con của mình, ông Nhật không giấu được xúc động. Ông nhớ có những đêm các con ốm, ông đành ôm trong lòng để ru con ngủ. Do mệt quá, các con cùng ông tựa lưng vào tường ngủ quên lúc nào không hay.
Theo ông Nhật, những đứa trẻ đến với ông mỗi đứa một tính nên giáo dục rất khó. Do đó, ông tìm một cách giáo dục chung, đó là “đánh” vào cảm xúc, tâm lý của các con để bản thân chúng tự nhận thức và thay đổi dần dần. Sau những giờ các con học trên lớp, về nhà ông đọc cho các con nghe những mẩu chuyện về gia đình, cho nghe những bài hát nói về tình cảm cha mẹ, con cái. Qua những cuốn sách, bài hát, ông muốn giáo dục các con phải biết trân trọng tình cảm gia đình, biết yêu thương trân trọng tình cảm. Nhiều con khi nghe ông đọc sách, kể chuyện… khóc nấc lên thành lời.
Để khuyến khích các con học tập tốt, ông Nhật đã đặt giải thưởng bằng những chiếc xe đạp để các con cố gắng. Năm vừa rồi, nhiều con đạt được thành tích cao khiến ông vui mừng khôn xiết. Có 6 trẻ do không có khả năng đến trường nên ông cho đi học tại những trường nghề. Giờ đây các con có thể tự làm nuôi bản thân, tự lo chi tiêu hàng ngày. “Sau bao năm bên cạnh, được thấy các con lớn lên, học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chỉ cần các con nhận thức được cuộc sống, yêu thương con người, là tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, ông Nhật ngẹn ngào.
Nói về người cha nuôi của mình, em Siêu H’Sen (lớp 8) cho hay, từ nhỏ em đã được cha Minh Nhật đùm bọc và nuôi dưỡng nên đối với em đây là gia đình thứ hai của mình. Mặc dù thiếu thốn tình cảm của bố mẹ ruột, nhưng bù đắp lại em nhận được tình cảm của rất đông anh chị em. “Em vào đây sống với thầy từ nhỏ, nhiều khi đêm ngủ nhớ về gia đình, nhớ bố mẹ cũng khóc. Có những lúc em tủi thân với bạn bè vì có bố mẹ bên cạnh chăm sóc còn mình thì không. Nhưng bù lại hạnh phúc em có cha Nhật lo lắng, quan tâm và có nhiều anh chị em”, em Siêu H’Sen rưng rưng nước mắt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sĩ Quý – Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp cho biết, việc ông Nhật nhận nuôi những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, bên phía chính quyền địa phương cũng giúp đỡ bằng cách kêu gọi, vận động các các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện. Theo ông Quý, hiện nay số trẻ em tại cơ sở của ông Nhật ngày càng đông, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chính quyền địa phương mong các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện chung tay giúp đỡ để các em có cuộc sống ẩm no, đủ đầy hơn.
Tuy có đến 93 con nhưng chưa bao giờ ông Nhật gọi nhầm hay quên tên con nào. Đối với ông, mỗi người con là một kỉ niệm, mang một ý nghĩa nhất định và cũng là một dấu ấn với cuộc đời ông. “Tôi đã trải qua hơn nửa đời người nên chỉ mong muốn, mong ước mọi người có tình thương, có một hạnh phúc để không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ con để các em nhỏ có một gia đình đầm ấm”, ông Nhật tâm sự.
Theo giadinhnet