Cho “mầm non” tình yêu môi trường

UntitledHiện nay, bảo vệ môi trường đang là vấn đề của cả xã hội. Đặc biệt, đối với trẻ em – là những “mầm non” thì việc giáo dục con trẻ biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường là một hành động cần thiết. Tuy nhiên, giáo dục như thế nào để giúp con hiểu rõ những kiến thức căn bản nhất về bảo vệ môi trường, cách ứng xử với môi trường và ý thức tự giác để có một hành tinh xanh – sạch – đẹp là điều khá nhiều phụ huynh băn khoăn.

chuyen gia anh nguyenCùng lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia Anh Nguyễn (hiện đang công tác tại Đại học Worcester, Vương quốc Anh, thành viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh) để có thể giúp con biết bảo vệ môi trường theo chiều hướng tích cực nhất!

Bố mẹ thường lúng túng trong việc giúp con hiểu thế nào là “bảo vệ môi trường”. Theo chuyên gia, làm thế nào để con nhỏ có thể hiểu đúng vấn đề?

Với trẻ nhỏ hơn 8 tuổi, khái niệm giáo dục trẻ ‘bảo vệ môi trường’ cần phù hợp với độ tuổi. Với người lớn, thường được hiểu là các hoạt động như không xả rác bừa bãi, không sử dụng các túi nilon… Tuy nhiên, với trẻ nhỏ không phải như vậy. Nó cần được hiểu là ‘giúp trẻ trải nghiệm và học về tự nhiên’.

Phần lớn cha mẹ suy nghĩ chưa đúng, như ‘trẻ còn nhỏ đâu hiểu gì về bảo vệ môi trường mà dạy chứ’. Sai lầm này đến từ cách suy nghĩ sai về định nghĩa ‘bảo vệ môi trường’ ở trẻ nhỏ, vô tình tước đi cơ hội dạy trẻ ‘trải nghiệm và học về tự nhiên’- đó cũng là một trong những kỹ năng quan trọng trong phát triển giáo dục trẻ ở độ tuổi sớm được UNESCO đề xuất từ năm 2015. Khi cha mẹ giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm và học hỏi về tự nhiên càng sớm, trẻ sẽ càng có cơ hội phát triển nhận thức tốt về tự nhiên và cuộc sống.

dạy con bv môi trường1Thông qua các trải nghiệm này, trẻ không chỉ nhận thức tốt về tự nhiên và cuộc sống, mà còn xây dựng được khả năng đưa ra suy nghĩ cũng như kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Sự thông minh của một thế hệ nằm ở những con người ở thế hệ đó biết sống có suy nghĩ và tư duy. Những đứa trẻ từ nhỏ có tư duy tốt thì trẻ luôn có ý thức về giữ gìn môi trường.

Để con hiểu và thực hành đúng, bố mẹ nên bắt đầu giáo dục từ việc gì?

Để giúp trẻ trải nghiệm và học hỏi tự nhiên, cha mẹ cần quan tâm 3 điều: cơ hội chơi, cơ hội hoạt động và cơ hội được học. Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng cách thực hành khá đơn giản.

Điều này được hiểu là: khi có cơ hội được vui chơi ở một môi trường bên ngoài, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động như tìm hiểu về tự nhiên, màu sắc khác nhau của lá cây, tại sao có cây thân gỗ to, có cây thân leo nhỏ,… Khi đó, bố mẹ cũng nên giúp trẻ giải thích và nói chuyện về những vấn đề này, chẳng hạn: mất bao lâu để cây lớn lên. Đây đều là những hoạt động mà cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm để mở rộng nhận thức và rèn luyện sự tò mò về tự nhiên.

dạy con bv môi trườngDưới góc nhìn của một chuyên gia, anh có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh khi giáo dục con hay không? Đặc biệt là việc dạy con bảo vệ môi trường?

Theo tôi, các hoạt động giáo dục môi trường cho trẻ nhỏ là cần xây dựng khả năng quan sát về các vấn đề môi trường và khuyến khích trẻ trò chuyện để nêu lên suy nghĩ của trẻ về nó.

Ví dụ, với các bé nhỏ hơn 8 tuổi, bố mẹ nên tập trung vào trải nghiệm và học về tự nhiên thông qua các hoạt động dã ngoại, tham quan và tham dự các buổi trò chuyện về môi trường. Khi về nhà, bố mẹ nên hỏi lại trẻ và đặt thêm những vấn đề để khuyến khích sự chia sẻ và mở rộng suy nghĩ. Các hoạt động cá nhân đơn giản như: cất bút chì màu sau khi vẽ xong hay dọn đồ chơi sau khi chơi xong chỉ là những hoạt động mang tính trách nhiệm mà trẻ nên làm, chứ đừng gắn nó là ‘bảo vệ môi trường’ hay ‘giữ gìn nhà cửa sạch sẽ’.

Earth in children`s handsCha mẹ là người gương mẫu cho các hoạt động cá nhân bởi vì giai đoạn này trẻ chủ yếu quan sát và học hỏi. Hãy giúp trẻ phát triển ý thức về môi trường thông qua trò chuyện về môi trường sống, liên quan đến các hoạt động hằng ngày hoặc đọc sách cho con nghe. Đơn giản như đi siêu thị, hãy mang theo hai túi vải: cho mẹ và cho bé. Khi trò chuyện, có thể lồng vào đó lợi ích của túi vải. Phần lớn cha mẹ thường kể về mặt xấu của túi nilon, nhưng đúng hơn chúng ta nên cho trẻ có những khái niệm đa dạng như lợi ích túi vải, bất lợi của nó, bất lợi của túi nilon và cái lợi của túi nilon… để khuyến khích suy nghĩ của trẻ về vấn đề.

Với các bé lớn hơn, nên cho trẻ làm vai trò chính trong một hoạt động về môi trường. Thông thường, nên bắt đầu từ các hoạt động hằng ngày như có một ngày mỗi hai tuần để dọn đồ cũ, quét sân, đổ rác. Khuyến khích bé tham gia các hoạt động về môi trường trên trường lớp. Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với trẻ về suy nghĩ và giải pháp của trẻ về một vấn đề nào đó về môi trường.

Hy vọng với những chia sẻ trên từ chuyên gia Anh Nguyễn, các bậc phụ huynh có thể định hướng được cho con của mình có cái nhìn đúng hơn về môi trường hiện nay!

Quyên Phạm

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN