Chiêu hay ‘trị’ chồng lười việc nhà, lười chăm con

Em 31 tuổi, làm kiểm toán viên, đã lập gia đình sáu năm, có hai con. Do công việc, em thường xuyên đi công tác xa, có đợt đi lâu đến 10 ngày.

Từ lúc sinh con, nghỉ hết chế độ là em gửi con cho ngoại nuôi. Ba mẹ em ở quê, còn khỏe, lại mới có cháu đầu nên cưng lắm, chăm sóc các cháu rất tốt. Ông bà cũng muốn giúp em rảnh tay bay nhảy, phát triển nghề nghiệp, nên em rất yên lòng khi con ở với ông bà. Cứ hết một đợt làm việc là em về thăm con. Thời gian còn lại, vợ chồng tự thu xếp, em đi công tác thì chồng em tự nấu ăn hoặc ăn cơm bụi.

Nay con trai lớn của em đã năm tuổi, một năm nữa sẽ vào lớp 1. Nếu để cháu ở quê, em nghĩ cháu không có điều kiện học hành tốt, nhưng đón cháu lên thành phố thì cũng khó khăn, vì vợ chồng vẫn đang thuê nhà, công việc của em khó có thể đưa đón con mỗi ngày. Bàn chuyện này với chồng, thái độ của anh khiến em thật sự thất vọng. Anh nhất định cho rằng việc của phụ nữ là chăm con, nếu đưa con lên thì em phải lo mọi chuyện, anh còn có công việc, sự nghiệp.

Giờ em đang bế tắc. Nếu đưa cả hai con lên thì em không chăm nổi, mà đưa cháu đầu lên, thì gia đình em phải chia làm ba nơi: em đi công tác, chồng và con đầu ở nhà, con út ở quê. Em không biết làm sao để chồng chịu chia sẻ việc nhà, việc chăm con với mình. Có phải em đã chọn sai, nên mấy năm qua anh không hề có chút thay đổi nào cho phù hợp…

Kim Thoại (TP.HCM)

Em Kim Thoại thân mến,

Có ông bà ngoại phụ giúp nuôi con là điều may mắn cho vợ chồng em, nhưng có thể vì may mắn đó mà chồng em đâm ra ỷ lại, lâu dần thành quen. Thói quen này không tốt, cần thay đổi. Mặt khác, gia đình em cũng không thể sống mãi theo kiểu chia năm xẻ bảy được. Hạnh Dung tán thành việc em phải tìm lối ra cho tình trạng này.

1

Cần xem thời gian 5 năm qua ông bà ngoại nuôi con giúp mình là một may mắn quá lớn rồi. Trong thời gian đó, mình bay nhảy những đâu, phát triển được những gì, thì cũng đã đến lúc phải dùng những kết quả ấy cho việc xây dựng gia đình của mình, không thể ỷ lại mãi vào ông bà, hoặc đổ hết gánh nặng đó lên vai một mình vợ hoặc chồng.

Em có thể trao đổi với chồng, đồng ý việc anh tập trung lo “sự nghiệp”, nhưng cụ thể là lo những việc gì? Ví dụ, làm việc để kiếm tiền mua nhà, thì tiền dành dụm của cả hai vợ chồng đã được bao nhiêu rồi, có thể mạnh dạn mua nhà được chưa? Nếu chưa đủ, có thể dùng khoản tiền đó thuê người giúp việc được không? Trường hợp vẫn phải thuê nhà, thì chuyển chỗ thuê về gần chỗ anh làm, chỗ con học, để thuận tiện việc đi lại, đưa đón, rồi phân chia hợp lý thời gian đưa đón con giữa hai vợ chồng. Cũng có khi em phải điều đình với công ty đang làm việc về hoàn cảnh riêng, dành cho em một thời gian sắp xếp việc đưa đón con.

Muốn người khác chịu nhận khó khăn, bản thân mình phải chấp nhận trước. Là mẹ, là vợ, em sẽ phải hy sinh ít nhiều. Một năm nữa con mới vào lớp 1, trong thời gian đó mình có thể chuẩn bị tích cực lên, em ạ. “Cái khó ló cái khôn”, đôi khi hoàn cảnh có bắt buộc, mình mới vùng vẫy để vượt qua, mới phát hiện ra những khả năng mới của mình.

Cần duy trì câu chuyện này giữa hai vợ chồng thường xuyên, bắt đầu từ những giải pháp nhỏ và khả thi nhất. Có thể đưa con đầu về vài tháng, rồi đưa con nhỏ về sau. Đến lúc có bọn trẻ trong nhà, em mới thấy tình mẫu tử sẽ cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn, gia đình mới đúng nghĩa gia đình, chồng em cũng sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp. Chúc em mạnh mẽ trong quyết định này, sớm tìm ra được giải pháp phù hợp.

Theo Phụ nữ online

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN