Những người chỉ coi sự thành đạt của con là niềm vui của chính mình nhưng nếu con có vấp ngã, có thất bại thì cũng không lấy đó làm trọng, vẫn giang tay và chờ đón con trở về, nhất là mỗi khi Tết đến.
Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng Chạp là cả nhà tôi chuyển sang tính theo lịch âm. Từ ông bà ngoại của lũ trẻ đã về hưu, tôi, một 7X đời đầu cũng ít nhiều muốn giữ nề nếp, truyền thống cũ, các em 8X làm ở công ty đa quốc gia vốn sợ những ngày dài nghỉ Tết sau đó việc ập lên đầu, cho đến lũ trẻ 9X xôn xao háo hức vì Tết luôn mang lại cho chúng sự “thịnh vượng cụ thể” trong những bao lì xì… “Hôm nay là rằm rồi đó, mẹ đã đặt gà, gạo nếp, đậu xanh, hành hương, nấm… dì Nguyệt mai chuyển từ Nam Định vào, 20 cô Bảy Nga mổ lợn, ngày 21 gói bánh con nhớ về nhà sớm… Lá phải lau từ sáng…”, “Ngày mai 23, con nhớ chuẩn bị bộ cúng ông Táo cả lượt đi lượt về không 30 lại quên”.
Và cả nhà bắt đầu đếm ngược… cho đến thời khắc cuối cùng của năm cũ. Đêm 30 nào cũng tối, và đêm 30 nào cũng sáng. Từ đèn, từ pháo hoa, từ màn hình tivi mở luôn tới sáng… từ đường phố đến 3 giờ vẫn nườm nượp người xe…
Nếu bỏ qua những chộn rộn cập rập của cả tháng trời sát Tết, vẫn sẽ lại nôn nao, dù cái nôn nao chẳng thể nào còn của một đứa trẻ mắt trong veo chờ Tết mà là những nôn nao của người lớn đã từng trải qua mất, được… nhưng luôn thấy ấm vì có gia đình, luôn biết rằng dưới mái nhà kia có hai người luôn coi sự trở về của con là niềm vui lớn nhất suốt năm qua.
Hai người ấy là bố mẹ. Những người cả đời mình chỉ biết đến con chứ không bị phân thân ra vì những mục tiêu khác như công việc, sự nghiệp, bản thân… như chúng tôi bây giờ. Những người chỉ coi sự thành đạt của con là niềm vui của chính mình nhưng nếu con có vấp ngã, có thất bại thì cũng không lấy đó làm trọng, vẫn giang tay và chờ đón con trở về, nhất là mỗi khi Tết đến. Mong con cả năm nhưng có khi chỉ nhận những gói quà và sau này là những bì thư… để bố mẹ đi chơi, hay thích mua gì, thì mua, muốn biếu ai thì biếu! Chờ đến Tết là lại giở những phong bì tiền con đã gửi biếu, cuối năm luôn dày thêm vì tích cóp chứ chẳng tiêu gì… chỉ thi thoảng có mang khoe người thân như niềm tự hào vì con đã thành công và nhớ đến!
Đã nhiều năm, không thể nào nhớ chính xác, có lần mùng Một Tết tôi mới cùng con gái về nhà. Mẹ chờ ở đầu ngõ, đón tay cô cháu ngoại còn ngái ngủ, vào nhà thấy còn y nguyên mâm cỗ cúng giao thừa, lúc ấy mẹ bắt đầu chia bao lì xì, bố pha trà, các em tôi bóc bánh, cắt thịt đông và mẹ bảo: cả nhà đông đủ thì mới bắt đầu là Tết. Từ năm ấy, tôi tự nhủ, có đi trăm phương, Tết cũng phải về nhà.
Tết là khi ta mong, và ai đó trở về… Chỉ khi người ấy trở về, Tết mới ấm.
Phụ Nữ Ngày Nay