Tình cờ đọc cuốn Vợ Đông chồng Tây của tôi nên Hà mạnh dạn làm quen. “Nhà em cũng sắp chuyển về Bỉ cho các cháu vào học lớp Một, sẽ gặp nhau nhé”, Hà hẹn. Chưa kịp gặp cô đã hốt hoảng gọi điện: “Bố chồng và chồng ép em ký cam kết nếu li hôn sẽ không đòi quyền nuôi con và chia nửa căn nhà.”
Bố chồng nàng dâu
“Em không ký, họ càng nghĩ em đã tính toán gì đó trong đầu.” Lúc đó tôi mới định cư tại Bỉ được khoảng ba năm, chưa giao tiếp xã hội nhiều, chưa biết lái xe, cũng chẳng am tường nhiều luật lệ. Tôi chỉ biết động viên Hà: “Đừng ký bất cứ giấy tờ gì. Căng quá thì yêu cầu phiên dịch tiếng Việt hỗ trợ mình cùng gia đình chồng tìm hiểu rõ hơn mọi việc.” Tôi cho Hà số điện thoại của Thanh – một bạn gái đã sống tại Bỉ nhiều năm, mở công ty riêng nên khá rành về luật pháp để giúp Hà khi cần.
“Biết có khách trong nhà mà bố chồng Hà vẫn hỏi vọng vào: Tôi gọi điện hai lần không thấy nhấc máy, tưởng nó đột tử trong nhà rồi chứ?! Chao ôi nhìn ông ta rõ sang trọng, thần thái sáng trưng kiểu người học vấn cao, không ngờ chua ngoa với con dâu Việt đến thế.” Lần đầu đến nhà Hà chơi và động viên tinh thần bạn, Thanh giáp mặt bố chồng Hà như thế. Ông thường xuyên lái xe qua nhà kiểm tra con dâu quan hệ với ai, chăm sóc con cái thế nào mỗi khi chồng Hà đi công tác. Thanh bức xúc: “Vợ chồng đầu gối tay ấp mà sòng phẳng chuyện tiền nong thật đau lòng. Nhưng em vẫn phải nói cho con Hà sáng mắt ra, rằng suốt mười năm qua chồng mày thất nghiệp bên này, tìm đường sang Việt Nam nhờ trợ giúp của mày mới mở được công ty riêng. Cùng làm cùng ăn, sinh con đẻ cái, ngủ nghỉ hoàn toàn ở nhà ông bà ngoại. Tại Việt Nam cái gì cũng là của chung. Thế mà ngôi nhà chồng mày mua để chuyển sang Bỉ sống tại sao lại rạch ròi của riêng? Công bằng ở đâu? Khôn hồn thì đừng ký bất cứ giấy tờ gì họ yêu cầu.”
Hơn hai năm sau, Hà nhớ lại: “Lúc gọi điện cho chị là em đang hoảng loạn tinh thần. Nhờ bạn bè khích lệ, vững vàng hơn. Gần đây mẹ em được mời sang Pháp dự hội thảo rồi tranh thủ qua Bỉ thăm con cháu. Bố chồng em thấy gia đình con dâu ở Việt Nam kinh tế vững vàng, có học hàm học vị hẳn hoi nên nể hơn, không làm khó như trước.”
Mắt nâu hay mắt xanh
Jan Bergs, giáo viên một trường Tiểu học ở thành phố Antwerp (Bỉ) vừa tiến hành thí nghiệm đặc biệt: chia học sinh trong lớp thành nhóm mắt nâu và nhóm mắt xanh. Thực ra cách làm này dựa trên thí nghiệm tương tự từ năm 1968 của Jane Elliott – một giáo viên Mỹ nhằm giúp học trò hiểu rõ cảm giác bị phân biệt đối xử tồi tệ thế nào để rồi sớm có ý thức đấu tranh chống phân biệt kỳ thị. Elliott thực hiện thí nghiệm này sau khi nhà hoạt động vì dân quyền Martin Luther King bị giết hại.
Gần nửa thế kỷ sau, thí nghiệm của thầy Jan Bergs vẫn cho kết quả tương tự: Trong thời gian một ngày, những đứa trẻ từ 10 – 12 tuổi bắt đầu phân biệt nhau qua màu mắt. Trong cuộc thảo luận, bọn trẻ tuyên bố những người nhặt rác thường mắt nâu trong khi các bác sĩ phẫu thuật và cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thường mắt xanh. Khoảng cách chủng tộc còn tồn tại khá lớn ở Bỉ. Và trong xã hội đa văn hoá như Bỉ, điều này không chỉ phản ánh trong lớp học. Vào khoảng năm 2009 – 2010, truyền hình thỉnh thoảng chiếu phim tài liệu về đàn ông Bỉ đến châu Á, châu Phi du lịch rồi làm quen, kết hôn với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn kiểu cha đau mẹ ốm, anh chị em thất học thất nghiệp, gia cảnh nợ nần… Nhiều đàn ông Bỉ phải chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình vợ ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam… Vậy nên trong mắt không ít bố mẹ chồng Bỉ, con dâu châu Á châu Phi thường kết hôn để tìm đường vào châu Âu với nhiều toan tính.
Chính Thanh cũng là nạn nhân của định kiến này trong những năm đầu theo chồng sang Bỉ. “Lúc đó chồng em vừa li dị vợ Bỉ. Thực ra họ li thân bao năm trước ai cũng biết. Nhưng cứ thấy em ló mặt ra là gần như cả khu phố lén nhìn, xì xào nói xấu sau lưng. Căng thẳng đến nỗi bọn em phải chuyển sang thành phố khác sống. Tính đến nay cũng chín năm rồi nhà bố mẹ chồng vẫn treo ảnh cưới của con dâu cũ.”
Bao giờ con quay lại?
Tôi chẳng bao giờ quên mùa đông năm 2009. Đó là mùa đông đầu tiên và cũng là mùa đông lạnh nhất tôi trải qua ở Bỉ cho đến nay, nhiệt độ có lúc xuống đến -13 độ C. Khi ấy tôi chưa biết Ngân, cô bạn sau này mới tình cờ quen trong chuyến bay từ Việt Nam trở lại Bỉ. Cũng mùa đông năm 2009 ấy, đối với Ngân nước Bỉ không chỉ cứng lại bởi tuyết dày bao phủ mà còn buốt thấu xương vì cái nhìn lạnh lùng, dò xét của ba chồng. Ngân nhớ lại: “Mình quen Marc khi anh sang Việt Nam du lịch. Hai đứa yêu nhau trước khi mình nhận được học bổng du học thạc sĩ tại Bỉ. Thế là hai đứa quyết định sống thử trước hôn nhân. Nhà riêng của Marc còn đang xây dở nên bọn mình ở chung với ba chồng. Nhà ba chồng nhiều sách báo, tính mình ham học nên hay lại gần giá sách hoặc chui vào phòng ngủ nằm đọc hàng tiếng đồng hồ. Ba chồng nói nhỏ với Marc: Coi chừng mấy phiếu ăn miễn phí hay kẹp trong đống sách báo đó nhé. Có khi nó còn lấy trộm cả sách ấy chứ.”
Giải thích thế nào ba cũng không chịu hiểu, Marc giận quá đưa người yêu về sống trong ngôi nhà riêng mới xây xong tường và đặt mái suốt mùa đông năm 2009 đó. Không lò sưởi, không nhà bếp, cũng chẳng có chỗ vệ sinh. Sáu tháng trời họ sống trong cảnh hàng ngày bơm nước vào hai thùng nhựa để rửa mặt, lau người, nấu ăn và nước lau rửa thì trữ lại để dội bồn cầu Marc vừa dựng lên tạm bợ. Tuần một lần họ lái xe cả trăm cây số đến nhà bạn xin củi về đốt, vừa sưởi vừa học bài. Một ngày của Ngân bắt đầu từ 5h sáng theo Marc đến Brussels. Trong khi Marc đến chỗ làm việc thì Ngân nằm lăn lóc ở hành lang từ 6h30 chờ đến 8h lớp học bắt đầu và lại chờ đến 5h chiều Marc đón về. Khi nào thèm tắm nước ấm lắm họ rủ nhau đi bơi để sử dụng buồng tắm công cộng. Tắm cho thoả thích rồi về.
Từ khi chuyển ra ở riêng, Marc không về thăm ba. Ông cụ thỉnh thoảng gọi điện giục về, Marc vẫn im lặng. Một buổi tối, ngồi bên đống củi vừa đốt lên trong căn nhà lạnh lẽo, Ngân thủ thỉ với Marc “Có lẽ mẹ vừa mất, chị gái anh lại đi lấy chồng nên ba chỉ còn lại anh bên mình. Ông muốn anh xa em có thể vì lo em rủ anh về Việt Nam sống thì sao? Ba vẫn là ba, giận đến mấy vẫn nên thỉnh thoảng qua thăm sức khoẻ ba thế nào”. Mỗi tuần một lần Ngân theo Marc về nhà ba chồng ăn cơm. Từ chỗ dò xét, ông cụ bắt đầu nói chuyện với Ngân nhiều hơn. Có lần Ngân mời ông trò chuyện online với mẹ mình ở Việt Nam, Ngân phiên dịch. Chỉ vài chục phút nói chuyện và nhìn mặt, ba chồng cô đã trầm ngâm: “Mẹ con cũng là người từng trải, cuộc sống chẳng dễ dàng gì…”
Ngân đã có những khoảnh khắc đẹp nhất cùng ba chồng vào mùa Hè năm 2010. Ông cụ rủ Ngân cùng đi bộ đến ngân hàng gần nhà. Cô đưa tay cho ba chồng tựa vào để bước đi. Cô gái châu Á 23 tuổi thân mật đi cùng cụ già châu Âu 75 tuổi khiến ai đi qua cũng ngoái lại nhìn. Mặc, ông cụ vỗ nhẹ tay Ngân, ba hãnh diện lắm. Khoảnh khắc đó Ngân biết ba chồng đã vượt qua định kiến. Có lần trời nắng đẹp, hai cha con ra vườn, ngồi dưới gốc cây mộc lan đang nở hoa rực rỡ, ông cụ bất giác quay ra bảo Ngân: “Ở tuổi gần đất xa trời nhưng lâu lắm rồi ba mới có được cảm giác gần mặt đất mà bình yên đến vậy.”
Cuối hè năm đó Ngân tốt nghiệp thạc sĩ và chuẩn bị trở về Việt Nam, ba chồng cô dặn đi dặn lại: “Sớm thu xếp công việc trong nước rồi quay lại Bỉ kết hôn với thằng Marc nhé.” Ông cụ đã không đợi được ngày Ngân quay lại Bỉ. Vài tháng sau đó ông qua đời vì bệnh ung thư não. Dọn lại nhà của ba, Marc tìm thấy những mẩu giấy viết bằng tiếng Anh “When will you come back?” Đó là những mẩu giấy ông cụ viết cho con dâu Việt với chút trí nhớ còn sót lại.
Mùa Hè năm nay nắng thật rực rỡ. Ngân đem hai con nhỏ ra ngồi sưởi nắng dưới gốc cây mộc lan trong khu vườn của ba chồng. Hoá ra Ngân cũng như tôi, đều ấn tượng đặc biệt với loài hoa vốn phổ biến ở châu Á nhưng lại đang bung nở những lớp cánh dày cứng cáp khoe vẻ đẹp tinh khiết trong rất nhiều ngôi vườn ở châu Âu này.
Kiều Bích Hương (Phụ Nữ Ngày Nay)