Đánh thức mầm lương tri
Lương tri liệu có hiện hữu trong một đứa trẻ mới ở tuổi chập chững? Có thể khẳng định ngay là có. Nhưng để “mầm lương tri” ấy phát triển tốt tươi, cha mẹ không thể không bỏ công ươm trồng, chăm sóc mỗi ngày… Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay khám phá bí quyết dạy con trẻ.
Dạy con từ thuở… nằm nôi
Ta không thể đòi hỏi các bé lên ba bỗng dưng biết đánh răng hay buộc dây giày nên cũng đừng hy vọng chúng sẽ tự phân biệt được những điều phải – quấy, tự biết cư xử một cách có lương tri.
Theo các chuyên gia giáo dục, để con trở thành đứa trẻ có lương tri – biết tôn trọng, sẻ chia với mọi người, biết kiểm soát được hành vi của bản thân, biết nhường nhịn, hy sinh vì người khác – cha mẹ cần quan tâm dạy dỗ ngay từ thuở con còn đang… nằm nôi! Thế nhưng, trong thực tế thì hầu hết bé dù đã chạy băng băng vẫn được ba mẹ coi là quá bé bỏng để có thể bảo ban hay dạy dỗ điều gì. Và các bé thường chỉ được coi như những đối tượng để cho người phải dõi theo chăm sóc lo lắng suốt 24/7 mà thôi. Việc dạy bảo, răn đe thường chỉ bộc phát mỗi khi bé có hành vi khiến cha mẹ khó chịu. Chỉ khi đó cha mẹ mới giải thích cho con việc này là “hư” việc nọ là “ngoan”. Nhưng để giáo dục một đứa trẻ thì không thể chỉ dùng “biện pháp tình thế” cũng như không nên bỏ phí một thời khắc nào cả, nhất là những thời khắc của giai đoạn “cây non dễ uốn”.
5 nguyên tắc ươm mầm lương tri
- Hãy coi việc bé con chào đời là một mốc son vui vẻ hạnh phúc, chứ không phải là sự kiện đánh dấu thời kỳ trị vì của một “đấng tối thượng” đối với cả gia đình. Trên tinh thần ấy, hãy để bé dần hòa nhập vào cuộc sống của cả nhà thay vì buộc cả nhà phải nhất nhất chạy theo bé, làm đảo lộn hết mọi sinh hoạt. Dĩ nhiên, chăm sóc chu đáo cho bé là cần thiết nhưng không có nghĩa là phải cung phụng bé như một vị “vua con”. Nếu ngay từ khi lọt lòng, bé đã được mọi người coi như “cái rốn” của vũ trụ thì bé sẽ nghĩ đó là… chân lý và sẽ quen thói ứng xử với mọi người chẳng khác gì một “đấng tối thượng”.
- Không bao giờ quy định “đặc quyền đặc lợi” đối với bé. Chẳng hạn, sẽ không mua quà bánh chỉ dành riêng cho bé, ngược lại hãy luôn dạy bé biết chia sẻ món ngon, đồ chơi đẹp với mọi người xung quanh.
- Không vì bé mà làm tổn hại đến quyền lợi của các thành viên khác trong nhà. Mầm lương tri trong bé khó có thể phát triển tốt khi bé lớn lên trong một gia đình mà tất cả những gì tốt nhất, ngon nhất, tiện nghi nhất đều được ưu ái dành hết cho bé.
- Cần giúp bé hiểu rằng không chỉ người lớn mới có thể giúp đỡ bé mà bé cũng hoàn toàn có khả năng trợ giúp người lớn (bằng cách lấy hộ mẹ một chiếc cốc, đưa một tờ báo giúp ông hay mang cái gối lại cho bà…).
- Khi bé làm tổn hại đến người khác (như đánh vỡ chiếc bình quý của bà chẳng hạn), thay vì đánh mắng (chỉ khiến bé sợ hãi, chứ không có tác dụng đánh thức lương tri), hãy giải thích để bé hiểu rằng bé sẽ khiến bà buồn bã ra sao, từ đó khơi dậy trong bé nỗi ân hận, sự mong muốn được sẻ chia với bà và cả ý thức cố gắng khắc phục hậu quả nữa (giúp mẹ dọn đống đổ vỡ hoặc cùng mẹ đi mua chiếc bình mới thay thế…)
Muộn còn hơn không
Khi trẻ đã vào tiểu học ta mới quan tâm đến việc đánh thức lương tri thì quả là rất khó. Bởi ở tuổi này trẻ đã hình thành quan điểm riêng, đã có ý thức rõ về cái tôi của mình. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Để sửa sai, điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm là hãy giúp con xác định lại ai mới thực sự là “tối cao” trong nhà. Việc phân định ngôi thứ trên – dưới trong gia đình rất quan trọng, đó chính là nền tảng để giúp trẻ học cách kính trên nhường dưới, cách tôn trọng “nếp nhà”. Hãy bắt đầu từ những “tiểu tiết” trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, tuyên bố rằng từ nay mẹ sẽ là người quyết định giờ nào bé mới được ăn kẹo còn ba sẽ ấn định việc bé có thể xem hoạt hình trong bao lâu… Cứ kiên định thực thi những “tuyên bố” ấy, một thời gian sau trẻ sẽ quen dần với ý nghĩ: người “cầm trịch” trong nhà là ba và mẹ chứ không phải là mình. Tôi còn nhớ một chị hàng xóm từng kể rằng “ông vua con” 6 tuổi nhà chị mới là người quyết định cả nhà xem kênh tivi nào, ăn món gì bữa tối. Thậm chí nếu cậu không thích bà nội mặc áo màu đen bà phải chạy đi thay ngay áo khác… Mới đây, khi cậu bé đã trở thành học trò lớp 8, bà nội cậu bé đã thở than với tôi: “Thằng này hỏng mất thôi. Nó ích kỷ quá, chỉ biết mỗi mình, chẳng quan tâm đến ai…”.“Mình làm tất cả là vì con vì cái”, “Riêng với con cái thìmình chẳng tiếc gì”… là câu cửa miệng của khá nhiều phụ huynh. Nhưng quan điểm “nước mắt chảy xuôi” ấy chưa hẳn đã tốt cho bọn trẻ. Một khi đã quen với việc có được tất cả mọi thứ mà không cần nỗ lực, chúng sẽ chẳng có ý thức phấn đấu để tự đạt được một điều gì cả. Chưa kể chúng sẽ rất khó thích nghi với một cuộc sống tự lập, sẽ không biết cách lo cho bản thân chứ đừng nói là lo cho người khác. Khi đã sống “đời tầm gửi” như vậy, con người ta làm sao có thể biết đến lương tri?
Để trẻ không biến thành “tầm gửi”, cha mẹ cần rèn cho con thói quen lao động ngay từ nhỏ. Một bé 6-7 tuổi hoàn toàn có thể giúp mẹ nhặt rau, xếp quần áo hay cùng bố nhổ cỏ, tưới cây. Những việc ấy dù trẻ làm còn vụng về, chưa hoàn hảo, nhưng sẽ khiến trẻ cảm thấy mình thật sự hữu ích và có trách nhiệm hơn với gia đình. Khi ấy, nếu lại được nghe những lời động viên của ba mẹ kiểu như: “Ôi, tôi có một chàng phụ tá thật tuyệt vời!” thì trẻ sẽ tự hào lắm lắm. Bạn dạy con thói quen quan tâm đến mọi người, ứng xử nhân hậu với xung quanh chính là bạn đang ươm mầm lương tri trong con. Khi đó, con sẽ hào phóng chia kẹo cho các bạn nhỏ, dịu dàng đỡ một em bé bị ngã hay xăng xái dắt một cụ già qua đường không phải vì con nghĩ rằng mình “cần có lương tri” (con chưa hiểu được khái niệm này) mà chỉ đơn giản là con đã được ba mẹ tập cho thói quen ấy. Xin nói thêm là những câu chuyện cổ tích với những “happy-ending” mà mẹ vẫn kể cho bé nghe cũng có thể làm “người trợ giảng” đắc lực giúp mẹ dạy bé nhận thức về khái niệm lương tri. Lớn lên cùng với những câu chuyện ấy, bé sẽ ý thức rằng làm điều thiện, sống có lương tri chính là nguyên tắc đạo đức cơ bản mà mình cần noi theo.
Phụ Nữ Ngày Nay