Gần đây, vấn đề giáo dục giới tính trong trường học lại nổi lên với câu chuyện học sinh giỏi lén lút “quan hệ”, “quan hệ sớm” mà cha mẹ vẫn tưởng con ngoan. Thực tế, cũng có những học sinh đã thú nhận rằng phim khiêu dâm chính là “tài liệu” giúp các em tự tìm hiểu vấn đề được cho là nhạy cảm và bị né tránh ở trường.
Vậy, trường hợp ở nhà thì sẽ như thế nào? Các bậc cha mẹ nên phản ứng ra sao nếu bắt gặp con mình xem những “tài liệu ngoài luồng” khi chưa đủ lớn?
Nên phản ứng như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia tâm lý giáo dục, kỹ năng sống) đưa ra lời khuyên:
Trước hết, bố mẹ tuyệt đối không xử lý ngay từ đầu, không phải chỉ riêng trường hợp phát hiện con đọc, xem các tác phẩm có nội dung liên quan đến sex mà đối với bất kỳ sự cố gì tiêu cực nào. Lý do quan trọng là vì bố mẹ cần phải bĩnh tĩnh để nghĩ cách xử lý.
Theo đó, không cần phải tịch thu ngay mà phải để trẻ tự giác rời bỏ cuốn sách, có để thêm 1, 2 ngày cũng không làm trẻ hư thêm được. Hoặc có tịch thu ngay thì phần nào cũng khiến trẻ sợ và thông thường sẽ chờ cho bố mẹ nguôi cơn rồi mới sử dụng tiếp. Sau đó, có thể cho trẻ đến các lớp học về giới tính hoặc đề nghị cô giáo chia sẻ về giới tính với trẻ.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, xử lý trẻ theo nội quy gia đình. Điều này cần thực hiện nghiêm túc, ví dụ: Quy định con không được đọc truyện, xem phim khi học bài, khi lén lút đọc thì phạt theo nội quy đã đề ra. Không cần phải tịch thu ngay mà nên để trẻ tự rời bỏ chúng.
Thứ ba, bố mẹ không cần đả động gì đến nội dung. TS Hương nhấn mạnh, phụ huynh hãy để việc này cho những người có chuyên môn, họ sẽ giảng cho trẻ các bài giảng có tính xuyên suốt, hệ thống rất rõ. Đến khi, họ chốt, trẻ sẽ hiểu, nghe và tự biết làm sao cho tốt. Còn nếu bố mẹ nhảy vào giữa cuộc, trẻ sẽ không nghe và không tin.
Theo bà Hương, nếu bố mẹ càng nhấn mạnh “nó xấu lắm, tồi lắm” thì càng kích thích trẻ tò mò. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh rằng điều này sẽ có những cái hại rất cụ thể như kích thích trẻ phát triển sớm.
“Để trẻ hiểu rõ, bố mẹ hãy nói với trẻ là nếu con phát triển sớm, bố mẹ sẽ không cư xử với con như một đứa trẻ: Không cho con đi chơi, con lớn rồi, bố mẹ sẽ yêu cầu con đi làm… Vì thế, trẻ sẽ hơi sợ là sẽ mất đi quyền lợi vì là người lớn và ít nhiều sẽ sợ không dám xem nữa vì chúng sẽ trở thành người lớn sớm quá”.
Lấy ví dụ về một trường hợp các học sinh lớp 5 đọc “truyện người lớn”, TS Hương dẫn lại rằng bà chỉ khuyên trẻ không nên đọc chúng vì các con có thể bị dậy thì sớm và điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản em bé, là rất không nên.
Ngoài việc giảng dạy, TS Vũ Thu Hương còn là chuyên gia được nhiều phụ huynh tìm đến giải đáp khi gặp phải khúc mắc trong giáo dục con cái. Ảnh: FBNV
“Tôi nói chuyện với các em ở góc độ khoa học chứ không đề cập ở khía cạnh đạo đức hay gì cả… Tôi không nói, không đề cập nội dung đó là xấu hay tốt mà chỉ đề cập đó là điều có hại cho các con. Lúc đó, chúng nhận ra là nó gây hại và chủ động từ chối xem các cuốn truyện như vậy”.
Khi trẻ ở tuổi qua lớp 1, lớp 2 thì không thể áp đặt được nữa mà cần được giải thích rất rõ rằng tại sao lại như vậy. Đồng thời, khi bị đề cập ở khía cạnh đạo đức, trẻ sẽ thấy mình bị tổn thương hoặc với những em quá quậy thì các sẽ cố tình làm theo xu hướng ngược.
Sai lầm của bố mẹ khiến trẻ mất an toàn tình dục
TS. Vũ Thu Hương cũng chỉ ra 4 điểm sai lầm ở bố mẹ khiến con mất an toàn tình dục, đó là:
Thứ nhất: Sai lầm nguy hiểm và nhiều bố mẹ dễ mắc nhất là cho con ngủ chung. Vì bố mẹ có quan hệ tình dục, trẻ có thể nhìn thấy và sẽ học theo. Trẻ nghĩ bố mẹ làm được, trẻ cũng làm được.
Thứ hai: Bố mẹ quá tự do thoải mái khi tắm, thay đồ. Điều này dẫn đến trẻ sẽ có sự thoải mái quá đà, nó khiến trẻ không biết giữ mình.
Thứ ba, bố mẹ đối xử với con không đúng với giới tính. Ví dụ, cho bé trai mặc váy, buộc tóc như bé gái, hoặc vì không có con trai nên cho con con gái ăn mặc quá “tomboy”. Điều này vô tình khiến trẻ bị lệch lạc giới tính theo xu hướng ăn mặc.
Thứ tư, bố mẹ xem phim, xem chuyện quá nhạy cảm một cách công khai trước mặt con. Bà Hương lý giải, việc này sẽ làm trẻ bị kích thích khiến trẻ cũng thích xem.
“Các bộ phim bao giờ cũng có lứa tuổi 18+, 16+, 12+. Bố mẹ nên cho trẻ xem đúng theo lứa tuổi. Ví dụ, một đứa trẻ dưới 12 tuổi thì không nên xem các bộ phim ghi mười mấy cộng. Đối với đứa trẻ trên 12, bố mẹ có thể cho trẻ xem các bộ phim 12+. Các việc này bố mẹ phải biết và làm. Đừng vì thương con mà cho trẻ xem tràn lan bất cứ thứ gì.
Nếu bố mẹ muốn xem các bộ phim hay nội dung sách chuyện gì chỉ phù hợp với người lớn thì cần làm khi trẻ đã đi ngủ hay không có mặt ở đó…”.
Theo giadinhnet