Bạn hãy vui khi có những con dốc để leo lên…

Cuộc sống luôn là những vòng xoáy trôn ốc bất tận. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi trước những áp lực của cuộc sống, bạn hãy lấy làm… vui, bởi vì bạn vẫn đang ở trên hành trình leo dốc. Bạn sẽ có những khoảng nghỉ xuống dốc, nhưng cuộc đời sẽ lại đưa đến những con dốc mới để bạn chinh phục.

d1Đó là cách mà cuộc sống vận động.

Ngay cả khi bạn chết đi, thì cuộc sống vẫn không dừng lại

Bạn sẽ có phản ứng như thế nào khi đọc được trên facebook của một người bạn khá thân thiết những dòng chữ đáng sợ: “Những vết đâm đau quá! Liệu cái chết có đủ thức tỉnh một con người? Ước mơ duy nhất lúc này là được nằm xuống, ngủ một giấc thật sâu và không bao giờ tỉnh lại nữa!”.

Chắc hẳn là bạn sẽ muốn tới bên bạn ấy ngay, để nói vẫn bạn ấy rằng: “Ngay cả khi bạn chết đi, thì cuộc sống vẫn không dừng lại!”

Có rất nhiều câu chuyện vẫn đang xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta, về những con người gặp phải những cảnh ngộ rất trớ trêu trong cuộc sống. Đọc một câu chuyện này, bạn có thể sẽ thấy là tận cùng đắng cay, tận cùng đau khổ. Hôm sau lại một câu chuyện khác, bạn lại thấy rằng ơ câu chuyện ngày hôm qua có vẻ như vẫn chưa xi nhê gì cả.

Ai cũng có những lúc gặp những câu chuyện (mà mình cho rằng) đau khổ trong cuộc sống: Cãi vã trong gia đình, mâu thuẫn với đồng nghiệp, hiểu lầm với bạn bè, sự nghiệp hay việc kinh doanh không như ý… Thế nhưng khi than vãn hay chia sẻ với những người khác, lại mới nhận ra rằng ơ hóa ra những đau khổ của mình thực ra lại cũng không có gì là đáng kể lắm. Kiểu như bạn kể chuyện con hư, nhưng phát hiện ra bạn mình còn chẳng thể có con. Hay khi doanh nghiệp bạn làm việc gặp khó khăn, bạn bị giảm lương, nhưng người khác lại còn bị mất việc. Bạn bị một căn bệnh nào đó, dù phải phẫu thuật, nhưng vẫn có thể phục hồi, có thể sống tiếp, còn người khác có thể mắc bệnh nan y, và dù họ có yêu tha thiết cuộc đời này, sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu là đau đớn, họ cũng không thể ở lại…

d2Hạnh phúc nào cũng giống nhau, nhưng mỗi khổ đau thì lại là khác biệt. Và có một thực tế là mỗi chúng ta thường có xu hướng phóng đại các vấn đề của bản thân. Tôi không khuyên bạn so sánh sự khổ đau, những nỗi buồn, sự bế tắc của mình với vấn đề của những người khác. Nhưng bạn cần biết rằng, ngay cả khi bạn dừng lại, thì cuộc sống cũng sẽ không dừng lại. Một lựa chọn cực đoan có thể chấm dứt sự bế tắc mà bạn đang gặp phải, nhưng nó sẽ mở ra sự đau khổ liên hoàn cho bao người thân – những người yêu quý bạn, luôn ở bên cạnh bạn, liệu bạn có nghĩ đến điều này?

Sự đau khổ này sẽ không thể kết thúc bằng một sự đau khổ khác. Những điều không may mắn bạn đang gặp phải, đơn giản chỉ thể hiện rằng bạn đang ở trong hành trình leo lên một con dốc mới của cuộc đời mình. Thế thôi!

Hít sâu, thở nhẹ, mỉm cười và nhấc từng bước chân

Thống kê tại Việt Nam về tỷ lệ gia tăng các rối loạn tâm lý, tâm thần, đặc biệt là chứng trầm cảm, có thể khiến bạn giật mình – hóa ra chúng ta không hề là “trường hợp cá biệt” trong xã hội hiện nay. Thống kê năm 2018 của Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy có tới 30% dân số Việt Nam mắc các chứng rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm là 25%. Tức là cứ một trong số ba người Việt Nam đang phải đối mặt với các rối loạn tâm lý. Và cứ bốn người mắc rối loạn tâm lý thì một người đang phải đối mặt với chứng trầm cảm – chứng bệnh được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng.

Và các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Căng thẳng thần kinh (stress) đang trở thành một vấn nạn của cuộc sống hiện đại. Stress khiến bạn chìm đắm trong những nỗi buồn, mất đi mọi hứng thú với cuộc sống. Việc mất khả năng tập trung, đặc biệt là trong công việc, càng khiến cho kết quả nhận được thêm phần tồi tệ, lại khiến “stress chồng stress”. Không chỉ tác động đến tâm lý, tình trạng stress còn tác động trực tiếp với các biểu hiện rõ rệt về sức khỏe vật lý: Rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn sex, đau đầu, đau cơ, đau tim, đau bụng… thậm chí là dẫn đến các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, thậm chí là ung thư…

Stress đang giết chết bạn, hay bạn sẽ loại trừ stress ra khỏi cuộc sống của mình?

Cách loại trừ stress đơn giản nhất là tập thở. Bạn cũng biết rằng hơi thở chính là ngọn nguồn của sự sống. Còn thở, tức là bạn còn sống. Thử khỏe, tức là bạn sống khỏe. Thở đúng cách, tức là bạn đang đáp ứng đúng nhịp điệu của cuộc sống, để có thể hòa mình vào nó, nhẹ nhàng leo qua từng con dốc mà cuộc sống vẽ nên, để vững chân bước tới.

d4Có một thực tế là theo nhịp sống ngày càng nhanh thì chúng ta cũng đang thở ngày càng… nhanh. Thở nhanh và nông sẽ gây khó thở và gia tăng sự lo lắng. Trong khi hít thở sâu sẽ giúp bạn bình tâm lại, giúp giảm áp lực của cuộc sống. Hãy quan sát một đứa trẻ đang ngủ, bạn sẽ thấy khi thở sâu thì không phải ngực, mà là bụng của chúng nhô lên hạ xuống theo nhịp của giấc ngủ trong trẻo, không âu lo. Thở đúng cách, bạn cũng sẽ như một đứa trẻ, đón nhận mọi chuyện một cách trong sáng, tích cực, không áp lực.

Rất đơn giản: Hãy hít vào thật chậm qua mũi, nhẩm đếm trong đầu theo nhịp 1… 2… 3… Hít sâu giúp luồng khí không chỉ xuống ngực, mà còn xuống tới bụng. Hãy đặt một tay lên ngực, một tay xuống bụng để cảm nhận luồng khí khi bụng phình lên. Giữ 1… 2… nhịp trước khi bạn thở ra từ từ bằng mũi, hoặc chu miệng lại và thở ra từ từ…

Hít thở sâu nhiều bao nhiêu, cuộc sống của bạn chậm lại bấy nhiêu. Bạn sẽ nhận thấy rằng có rất nhiều thứ tưởng rằng “urgent” trong cuộc đời, hóa ra đều có thể giải quyết một cách từ tốn.

Giống như leo dốc, thở sâu, bước chậm và vững chãi, bạn sẽ chinh phục các đỉnh núi theo cách dễ dàng hơn.

Sẽ không có đích đến cuối cùng

Bạn đang cảm thấy hạnh phúc, đúng không? Khi đã đến đỉnh dốc, bạn sẽ thấy mọi sự nhẫn nại, cố gắng, đều sẽ được đền đáp xứng đáng.

Để nuôi một đứa trẻ trưởng thành, bạn mất ít nhất mười tám năm. Trong suốt hành trình đó, chẳng phải bạn đã cùng con leo qua những con dốc sơ sinh, trẻ thơ, tiểu học, trung học. Mỗi mốc đều có những khó khăn, và những giây phút vỡ òa hạnh phúc.

Để tạo dựng một sự nghiệp, một doanh nghiệp, bạn cũng sẽ cần thời gian, ba năm, năm năm, mười năm… Từ một nhân viên tập sự bỡ ngỡ, bạn thăng tiến dần đến trưởng nhóm, trưởng phòng, trưởng ban, giám đốc… hoặc bạn sẽ trở thành chuyên gia… Doanh nghiệp của bạn từ start-up thành group, thành tập đoàn… Mỗi nấc thang cũng đều được đánh đổi bằng những thử thách, những áp lực, thậm chí là những đớn đau. Bạn thậm chí có thể sẽ khóc khi nhìn lại những hành trình mình trải qua, nhưng bạn cũng cảm thấy mình xứng đáng, đúng không?

Nhưng, đừng ngạc nhiên hay bực bội khi bạn nhận thấy rằng vừa bước qua con dốc này, một con dốc khác đã ập tới. Không ai có thể ở mãi trên một đỉnh cao. Và ngay cả hành trình xuống dốc cũng không hề bằng phẳng, mà vẫn là những chặng lên rồi lại xuống, ở các cấp độ khác nhau.

Bạn được phép dừng nghỉ ở mỗi chặng hành trình, để nhìn lại, rồi bước tiếp. Thật vui là lúc này bạn đã hiểu được “cơ chế vận hành” của cuộc sống, và niềm vui, hạnh phúc. Nhưng hãy lưu ý rằng, ngay cả khi xuống dốc, bạn cũng phải làm chủ được tốc độ. Tuột dốc không phanh cũng là một trạng thái khá tệ hại, mà tác động tiêu cực đến bạn còn hơn cả hành trình leo dốc mệt mỏi. Càng vội vàng, chúng ta sẽ càng ngã đau hơn mà thôi.

d3Thậm chí, có những lúc bạn không xác định được mình đang leo dốc hay đang tuột dốc. Chậm lại một chút. Hít thở sâu một chút. Nhìn lại chặng đường mình đã qua. Nhìn lại những con người xung quanh bạn. Bạn không cần phải mạnh mẽ hay dũng cảm, chỉ cần bạn yêu thương nhiều hơn: yêu thương chính bản thân mình, yêu thương mọi người, mọi thứ quanh mình. Bạn sẽ nhận thấy rằng mọi hành trình của cuộc sống đều có một đích đến giống nhau: là hạnh phúc – là sự bình an trong bản thân con người bạn, tâm trí bạn. Và cuối cùng, chỉ một mình bạn mới nắm chắc được tay lái cuộc đời mình.

Anh Vân

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN