5 mẹo của bậc thầy chăm sóc bé sơ sinh

Đối với những ông bố bà mẹ dù lần đầu hay lần 2, 3 sinh con, vẫn luôn cảm thấy khó khăn khi phải chăm sóc trẻ sơ sinh. Với một hình hài quá bé bỏng và mỏng manh như vậy, ai mà chẳng cảm thấy lo lắng, lúng túng và hồi hộp khi chăm sóc, cưng nựng. Tuy nhiên, trái với vóc dáng yếu ớt đó, bé sơ sinh cũng khá cứng cáp đấy ba mẹ à. Bật mí cho bạn 5 tuyệt chiêu chăm sóc bé hiệu quả, ngay cả đối với nhóc tì khó chiều nhất!

1/ Chăm sóc dây rốn

Rốn sẽ có dấu hiệu rụng khi trở nên khô và gốc rốn có màu đen. Lúc này, mẹ cảm thấy khá lo lắng khi tắm rửa hay lau người cho con, vì sợ rằng mình sẽ vô tình làm rụng rốn bé và làm da bé bị tổn thương. Đúng vậy, nếu không được cái y bác sĩ trợ giúp, nguy cơ nhiễm trùng với bé là rất cao. Mẹ phải làm gì?

Tuyệt chiêu: Mẹ có thể giúp bé nói “bye bye” với dây rốn một cách an toàn mà không cần bác sĩ hay y tá trợ giúp. Thông thường, mẹ hay được khuyên phải lấy bông thấm cồn để vệ sinh dây rốn cho bé hằng ngày. Theo các nghiên cứu gần đây, cồn chỉ có tác dụng chút chút trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm, nhưng lại làm dây rốn bé lâu rụng hơn.

Thay vì vậy, mẹ nên dùng một miếng gạc ẩm thấm nước sạch lau xung quanh phần cuống rốn, cũng như phần da xung quanh nó. Mỗi ngày, mẹ vệ sinh một lần, và làm tương tự khi cần thiết thay đổi miếng gạc. Lưu ý sau khi lấy gạc cũ ra, mẹ dùng một miếng gạc mới vỗ nhẹ lên phần cuống rốn và xung quanh để da mau khô.

Khoảng 2-8 tuần, dây rốn sẽ rụng. Chỉ đến lúc này, mẹ mới được dụng xà phòng tắm cho em bé để vệ sinh vùng dây rốn vừa rụng. Đừng hoảng hốt nếu mẹ thấy có một ít máu chảy ra, vảy da khô rớt ra dĩ nhiên sẽ ra một ít máu. Mẹ có thể yên tâm vì rốn bé sẽ nhanh chóng tự lành. Lưu ý, nếu thấy máu không ngừng rỉ ra hoặc rốn bé có dấu hiệu mưng mủ, có mùi hôi, đỏ hoặc sưng, ngay lập tức đưa bé đi bác sĩ, thay vì tự ý mua thuốc mỡ thoa cho bé.

2/ Bé bị ngạt mũi

Trẻ 2-3 tuổi còn chưa chắc biết cách xì mũi ra để đỡ khó chịu mỗi lần ngạt mũi, huống gì là bé sơ sinh nhà bạn. Vì vậy, mẹ ngay lập tức trang bị dụng cụ hút mũi để giúp bé hít thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng cảm thấy an toàn khi đút ống hút mũi to đùng vào lỗ mũi bé tí hin của bé con.

Tuyệt chiêu: Để bé không co người giãy dụa, mẹ nên quấn bé trong khăn để giữ hai tay của bé ở hai bên hông. Tiếp đến, nhỏ một vài giọt dung dịch nước muối vào mũi bé để làm các dịch nhầy lỏng ra. Sau đó, nhẹ nhàng đưa ống hút vào mũi bé, bóp nhẹ để dụng cụ nhanh chóng hút sạch chất nhầy. Tháo ống hút ra khỏi mũi bé, dùng khăn giấy hoặc khăn mỏng lau sơ qua. Mối nguy thật sự: Lực hút quá mạnh có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, gây đau nhức và chảy máu. Vì vậy, mẹ chỉ nên hút mũi bé khi bé thực sự khó chịu.

3/ Đo nhiệt độ ở trực tràng

Đây là cách đo nhiệt độ tốt nhất với trẻ sơ sinh, nhưng mẹ lại thực sự băn khoăn về cách đặt để không gây khó chịu cho bé.

Tuyệt chiêu: Đa số các nhiệt kế đều có một đầu bạc nhỏ dài khoảng 1,5cm. Đây là độ dài chuẩn để đưa vào trực tràng bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Để dễ quan sát, mẹ đặt bé nằm ngừa lên giường, co hai chân bé lên tận ngực và giữ ở đó. Một tay giữ chân bé, một tay đút nhiệt kế vào hậu môn.

Nhớ bôi chút dầu em bé, dầu ôliu để tăng độ trơn tru cho đầu nhiệt kế. Giữ nhiệt kế trong trực tràng khoảng 1 phút, sau đó rút ra lau sạch và đọc nhiệt độ. Quá trình này có thể kích thích nhu động ruột, vì vậy, mẹ đừng quên đặt khăn lót dưới mông bé và “thủ” sẵn khăn giấy ướt tại trận.

4/ Vệ sinh vùng kín cho bé

Cách vệ sinh vùng kín và thay tã cho bé trai và bé gái là hoàn toàn khác nhau. Bé gái sơ sinh đôi khi có chút dịch tiết ra từ âm đạo trong một vài ngày sau sinh. Hơn nữa, vùng kín của bé gái có nhiều nếp gấp da cần làm sạch.

Tuyệt chiêu: Lau nhẹ từ trước ra sau ở vùng kín của cả bé trái và bé gái để tránh phân dính vào bộ phận sinh dục và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Với những mẹ đã nong bao quy đầu cho con trai từ lúc mới sinh, nên nhẹ nhàng lau đầu dương vật bé bằng nước ấm với miếng gạc sạch sau mỗi lần thay tã, cuối cùng thoa vaseline để bảo vệ vùng da bé khi cọ xát với tã. Trong thời gian này, mẹ nên yên tâm nếu thấy xuất hiện những mảng vảy màu vàng. Khi bé thức, mẹ nên để bé thông thoáng và không nên mặc tã.

5/ Cắt móng tay

Móng tay của trẻ sơ sinh dài rất nhanh dài, vì vậy mẹ luôn phải cắt cho bé hằng tuần. Vấn đề là bàn tay nhỏ xinh của bé lại khiến mẹ thấy hết sức khó khăn khi cắt.

Tuyệt chiêu: Sử dụng bấm hoặc kéo cắt móng tay mini, cắt trong khi bé đang ngủ, hoặc quấn bé trong khăn với tay đặt 2 bên hông để giữ bé nằm yên. Khi lỡ tay làm bé chảy máu, mẹ nên dùng miếng gạc vô trùng đặt lên. Tránh băng đầu ngón tay bé vì có thể khi mút tay bé có thể nuốt vào.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN