Phần lớn các vụ ly hôn là vì các cặp đôi chưa hiểu rõ bản chất của hôn nhân, hoặc cố tình bỏ qua sự thật phũ phàng về nó.
Nhà văn Trung Quốc Trương Ái Linh từng viết: “Tình yêu khiến cho con người ta trở nên toàn năng”. Cũng vì tình yêu, các cặp đôi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, chuyển sang một giai đoạn mới của cuộc sống. Nhưng lý do nào khiến họ vỡ mộng, rồi quyết định bứt ra khỏi cuộc sống chung đó? Theo tờ Kknews, đó là vì đôi khi các cặp đôi chưa hiểu rõ bản chất của hôn nhân, hoặc cố tình bỏ qua sự thật phũ phàng về nó. Hôn nhân có 5 bản chất quan trọng.
Ảnh minh họa. Freepik.
Hôn nhân là hy sinh sự tự do
Bước vào hôn nhân, không ít người nhanh chóng “vỡ mộng” vì mất đi sự tự do vốn có, đồng thời trải nghiệm những vấn đề khác hoàn toàn so với tưởng tượng ban đầu của họ.
Trái với mong đợi về một cuộc sống ngọt ngào, thoải mái, tự do bên người mình yêu, bạn nhận ra hôn nhân khiến cho bạn bị ràng buộc với quá nhiều thứ: ràng buộc vào các mối quan hệ, ràng buộc về thời gian, ràng buộc về kinh tế… Tức là, để có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, một gia đình ổn định, bạn buộc phải “đổi” bằng chính sự tự do của mình.
Đây là một phương thức trao đổi rất công bằng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống hôn nhân. Thế nên, nếu bạn chỉ muốn rong chơi như thời son rỗi, chi tiêu như một kẻ độc thân, sẵn sàng lao vào những mối quan hệ tình cảm như khi chưa kết hôn, thì rõ ràng, bạn không thể nào có được hôn nhân hạnh phúc.
Tiền bạc là nền tảng của hôn nhân
Thực tế là chúng ta đang sống trong thế giới vật chất, vì vậy, nếu muốn có một cuộc sống hạnh phúc thì sức mạnh kinh tế sẽ phần nào quyết định mức độ hạnh phúc của chính cuộc hôn nhân đó.
Trước ngưỡng cửa hôn nhân, nếu bạn không tích lũy được tiền bạc, đó đã là khó khăn ban đầu của hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian kết hôn, khi có con cái, bạn vẫn không thể nào tháo gỡ được sự khó khăn về tài chính đó, khiến cuộc sống của gia đình chật vật, thì kỳ vọng của bạn về một cuộc sống hôn nhân bền vững và hạnh phúc sẽ thật khó thành hiện thực.
Kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự hòa hợp của hôn nhân, khiến con người bị vắt kiệt sức. Cuộc sống hiện đại đã xa rời câu chuyện cổ “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” từ rất lâu rồi. Thế nên, đừng coi thường giá trị của tiền bạc trong đời sống hôn nhân. Đề cập thẳng thắn về vấn đề tài chính cũng như vun vén tài chính là cách thể hiện quan trọng trong việc tạo dựng chất lượng cuộc sống hôn nhân của chính mình.
Hôn nhân không có nghĩa là phải có con
Nếu bạn chưa sẵn sàng để có con, thì cũng đừng nghĩ rằng “lấy chồng/lấy vợ là phải sinh con”. Tất nhiên sẽ có áp lực bên ngoài (từ gia đình, bạn bè, hàng xóm…). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là: kế hoạch sinh con của bạn thế nào, bạn đã chuẩn bị gì cho việc đó? Đừng quên rằng, việc nuôi dạy một đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản, nó là sự chuẩn bị cả hai yếu tố tiền bạc và tinh thần.
Về tiền bạc, bạn cần phải chuẩn bị tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân lẫn con cái, tạo cho con một môi trường phát triển tốt. Về tình cảm, bạn cần phải sẵn sàng để đứa trẻ bước vào cuộc sống của mình, đảm bảo cho con có chỗ dựa an toàn về tinh thần, cảm xúc trong mọi giai đoạn của cuộc đời trẻ. Thế nên, nếu bạn cảm thấy mình chưa đủ sẵn sàng, thì không nên ép bản thân lẫn bạn đời sinh con cái. Hơn ai hết, bạn chính là người có quyền chọn lựa một cuộc sống hôn nhân phù hợp cho mình và đối tác, chứ không phải là bố mẹ, anh chị em…
Chẳng có cuộc hôn nhân nào không có cãi vã
Mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân là một điều rất bình thường. Chẳng có cặp đôi nào cả đời bên nhau mà không giận hờn, xích mích. Thế nên người xưa nói, “bát đũa còn có lúc xô” là vậy
Nhiều cặp vợ chồng vội vã sinh con sau khi cưới mà chưa hề có bất cứ sự chuẩn bị nào. Khi đứa con chào đời, nhịp sống quen thuộc của họ bị gián đoạn, chất lượng cuộc sống cũng giảm sút, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ vợ chồng. Hôn nhân cũng vì thế mà tan vỡ. Tuy nhiên, chìa khóa cho những mâu thuẫn đó lại nằm ở hai chữ “Thỏa hiệp”. Liệu hai phía có sẵn lòng thỏa hiệp nhằm giải quyết hậu quả của những cuộc cãi vã đó mới là chìa khóa để gìn giữ hôn nhân.
Dù là vợ chồng, trên thực tế, chẳng ai có thể hiểu nửa kia 100%. Thế nên, cãi vã, xung đột là điều không tránh được. Chỉ khi học cách thỏa hiệp, học cách lắng nghe, học cách đón nhận và tha thứ.
Hôn nhân là sự phân công lao động hợp lý
Mô hình “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” truyền thống khuyến khích đàn ông kiếm tiền, trong khi phụ nữ ở nhà vun vén nhà cửa, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, với tư duy tiến bộ hơn của giới trẻ, mô hình hôn nhân truyền thống không còn phù hợp. Điều đó cũng cho thấy, không có một mô hình hôn nhân tiêu chuẩn nào, cũng không có sự phân công lao động cụ thể nào trong mỗi gia đình.
Việc phân công lao động hợp lý trong gia đình chính là chìa khóa của một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Gia đình này người chồng có thể là trụ cột, người vợ lo việc nhà, nhưng gia đình khác, người chồng có thể chăm con, lo việc nhà, còn người vợ thành công trong sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền, đảm bảo cho gia đình có kinh tế vững chãi. Bản chất của hôn nhân hạnh phúc chính là người vợ cũng có thể đảm nhận một phần trách nhiệm kiếm tiền, người chồng cũng có thể chia sẻ việc nhà ở nhà, cả hai cùng nhau chăm sóc, vun vén, dựa trên sự hiểu biết và thông cảm.
Nguồn: KKNews
Thùy Linh (Theo Vnexpress)