4 thói quen nhiều bố mẹ hay làm khiến con mất tự tin

Việc nhắc lại lỗi lầm của con từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác sẽ làm con bị run, mất tự tin khi bắt tay làm một việc tương tự.

Các con bước vào tuổi mới lớn thường dễ tự ái, nóng giận khi bị người lớn trêu chọc hay chê bai. “Ở tuổi này, các con luôn muốn thể hiện và tự khẳng định mình” – chị Kim Yến, một nhân viên bán hàng ở Từ Liêm, Hà Nội, có 2 con ở tuổi 12 và 15 cho biết. Vì vậy, trong trong sinh hoạt hàng ngày, nếu bố mẹ cứ vô tư có những lời nói hay thói quen sau thì sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự hình thành tính cách của con sau này.

1. Mắng, chê bai, kể tội con trước mặt bạn của con hoặc người quen

Nhiều bố mẹ khi đã nổi giận lên rồi thì chẳng cần biết xung quanh mình đang có những ai, “xả” ra hết những lời nói khó nghe với thái độ gay gắt để chỉ trích, trách mắng con. Chị Yến kể lại: “Một lần, biết con bị điểm kém, giận quá, chị đã mắng con té tát ngay trước mặt đứa bạn thân của con. Đứa con xấu hổ vì bị mắng trước mặt bạn sau đó đã không nói chuyện với mẹ đúng một tuần liền”.

Nhiều bố mẹ còn có thói quen, hễ cứ ông bà, cô bác đến nhà chơi là ngồi kể tội con trước mặt mọi người. Đứa con xấu hổ quá chỉ biết chui tọt vào phòng, trở nên lầm lì, ai hỏi cũng không nói gì. Theo kinh nghiệm của chị Yến, trẻ đang ở lứa tuổi mới lớn rất nhạy cảm, sĩ diện và coi trọng cái tôi. Thay vì vô tư công khai mọi chuyện xấu của con thì bố mẹ nên dành thời gian riêng ở bên con chỉ bảo, khuyên răn.

2. Ngắt lời, không cho con nói ý kiến của mình

Không ít bố mẹ vẫn giữ quan điểm “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hay “bố mẹ nói con cấm được cãi” trong khi dạy dỗ con. Nhiều trường hợp, vì nóng giận, bố mẹ không cho con nói hết câu, không cho con giải thích từ đầu đến cuối mà đã trách mắng con. Việc không lắng nghe con nói có thể làm bố mẹ hiểu không đúng bản chất sự việc rồi trách mắng oan con. Còn đối với đứa trẻ, khi biết có nói nữa bố mẹ cũng chẳng nghe, sẽ trở nên thu mình trong cái “mai rùa” và hạn chế chia sẻ. Trong những trường hợp này, bố mẹ nên học cách lắng nghe để có thể thấu hiểu con và giúp con tháo gỡ khúc mắc.

Trẻ luôn muốn được bố mẹ đối xử như một người bạn. Ảnh minh họa: E.B.
Trẻ luôn muốn được bố mẹ đối xử như một người bạn. Ảnh minh họa: E.B.

3. Trêu chọc, đùa dai, gán ghép con

Con có thể sẽ cáu gắt, thậm chí là khóc khi bị bố mẹ đùa dai, trêu chọc. Nhiều lần bị trêu với cùng một nội dung, con sẽ ám ảnh mãi về sau này. Chị Yến cho biết, “lúc con còn bé, tôi hay trêu và gán ghép cô con gái với con nhà chị hàng xóm mặc dù biết con bé không thích và xấu hổ. Sau này, con bé nhất định không chịu chơi với con nhà chị hàng xóm nữa”. Bố mẹ có thể nghĩ đơn giản đó chỉ là trêu đùa con cho vui nhưng con lại nghĩ “nghiêm túc” hơn bố mẹ nhiều. Vì vậy, nếu biết con không thích, bố mẹ nên dừng lại việc trêu đùa này.

4. Thường xuyên nhắc lại những lỗi của con

Việc nhắc lại lỗi lầm của con từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác sẽ làm con bị run, mất tự tin khi bắt tay làm một việc tương tự. Trong những trường hợp khác, lời nhắc của bố mẹ sẽ làm con cảm thấy buồn khi nghĩ rằng bố mẹ chẳng bao giờ quên và tha thứ cho những lỗi mà con đã mắc phải. Cũng theo chị Yến, đa số các bố mẹ khi nhắc lại những lỗi của con đều có ý muốn nhắc nhở, cảnh báo con đừng mắc lỗi như thế mà không để tâm đến những cảm xúc này của con. Vì vậy, thay vì nhắc lại lỗi của con, bố mẹ có thể động viên con rằng “trong đời người, ai cũng có lúc mắc lỗi, nhưng quan trọng là sau đó họ có biết sửa sai và tái phạm hay không” để giúp con tự tin hơn.

Nguồn Ngoisao.net

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN