4 lời khuyên về tiền bạc bất kỳ ai cũng nên biết

Các quy tắc về tiền bạc có thể rất đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng áp dụng. Nếu muốn trở nên giàu có, bạn phải liên tục xây dựng các thói quen tiền bạc và suy nghĩ lại về cách nhìn của bạn đối với tiền bạc. Dưới đây là một số lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất mà mà mọi người nên biết hoặc học lại, hãy cùng tham khảo nhé!

Tạo dựng thói quen quản lý tiền bạc

Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có, là thứ khó cảm nhận lúc mới đầu nhưng dần dần sẽ không dễ để phá vỡ. Vì vậy, nếu bạn có một số thói quen xấu liên quan đến tiền bạc và không đủ tinh ý để nhận ra hoặc không cố gắng định hướng, về sau bạn sẽ rất khó thay đổi. Do đó, hãy quyết định thật khôn ngoan từ sớm thay vì cố cứu vãn khi đã quá muộn. Đó là lí do nên tạo dựng thói quen quản lý tiền bạc cho mình càng sớm càng tốt. Đồng thời, tư duy về tiền bạc cũng nên được duy trì và rèn luyện, bởi nó quyết định bạn có khả năng cân đối chi tiêu và sống thoải mái với số tiền kiếm được hay không. Bạn cần luôn biết rõ về thu – chi của mình để có những bước hành động tiếp theo.

“Bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Đây là lời khuyên rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đúc rút từ thực tế cuộc sống và khẳng định. “Bỏ trứng vào nhiều giỏ” về cơ bản thường được hiểu là một trong những nguyên tắc đầu tư để giúp cho tài sản cá nhân của bạn không bị sụp đổ “kép” như hiệu ứng domino từ những cuộc khủng hoảng tài chính. Nguyên tắc này đi liền với quản lý rủi ro/ tỷ suất sinh lợi của một danh mục đầu tư, nhưng ít ai để ý là nó cũng là nguyên tắc “vàng” được áp dụng trong quản lý tiền bạc đối với vấn đề tài chính cá nhân. Nếu bạn có một giỏ trứng, hãy chia nhỏ chúng ra thay vì để chung một chỗ. Từ đó, bạn có thể tạo ra sự ổn định về tài chính và nhiều cơ hội tài chính trong cuộc sống của bạn. Đây cũng là cách để bạn hình thành, phát triển đa dạng các kĩ năng trong quản lý tiền bạc, mở rộng tầm nhìn của bạn về những điều bạn có thể làm để kiếm thêm thu nhập trong tương lai và giúp đa dạng hóa các nguồn thu nhập của bạn.

Kiểm soát nợ nần

Nợ nần không đáng sợ, đáng sợ là bạn không kiểm soát được nó. Vấn đề tài chính là một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra căng thẳng hàng đầu, vì vậy bạn nhất định phải biết cách kiểm soát được nợ nần của mình. Có nhiều cách để kiểm soát như, chia nhỏ nợ để thanh toán dần, lên danh mục và đặt vị trí ưu tiên cho các khoản nợ phải trả, tìm cách giảm lãi suất vay, mở rộng thêm các nguồn thu và tiết kiệm chi tiêu…

Nợ nần có thể kiểm soát cuộc sống bạn. Khi không mắc nợ, bạn có thể chú tâm vào mục tiêu của mình. Hãy cố gắng kiểm soát nợ nần ở phạm vi an toàn và thanh toán càng sớm càng tốt trước khi bạn lại có thêm các khoản nợ mới (nếu có).

Luôn lập kế hoạch chi tiêu

Trong bất cứ việc gì, lập kế hoạch và tuân thủ theo luôn là chìa khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa dẫn đến thành công và giàu có. Khi lập kế hoạch, bạn có thể chắc chắn là tiền chi không lớn hơn tiền thu. Nếu chi nhiều hơn thu, bạn cần xem lại và giới hạn những gì bạn không cần hay chưa cần. Hãy hạn chế các chi phí cho đến khi kiếm được nhiều tiền hơn mức chi.

Ví dụ, bạn có thể lập kế hoạch chi tiết như:

Các khoản dành cho chi tiêu cần thiết (chiếm 50-60% thu nhập): Các khoản chi tiêu cần thiết sẽ chiếm một khoản khá lớn trong trong ngân sách của bạn như: Chi tiêu cá nhân (ăn uống, mua sắm, tiền điện thoại, trả nợ, khác), chi tiêu nhà cửa (tiền điện, tiền nước, internet, tiền thuê/mua nhà…), chi tiêu đi lại (tiền xăng, tiền giữ xe, tiền rửa xe, tiền đi lại khác/ tiền mua xe), chi tiêu gia đình (tiền học phí cho con cái/ tiền tiêu vặt cho con)…

Các khoản dành cho tiết kiệm sau này (tùy vào mục tiêu của bạn mà dành ra từ 10-20% thu nhập) ví dụ dành cho các khoản lớn như mua nhà, mua xe, du lịch…

Một khoản làm quỹ dành cho tình trạng khẩn cấp (5-10% thu nhập của bạn).

Một khoản dành cho giáo dục hoặc đầu tư (10%) Bạn nên để một khoản dùng để đầu tư sinh lời hoặc đầu tư vào giáo dục cho mình về kiến thức, kĩ năng… bằng các khóa học hoặc tài liệu sách vở hoặc đầu tư vào giáo dục chất lượng cao cho con cái… cũng chính là đầu tư cho tương lai.

Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người mà có kế hoạch chi tiêu cụ thể khác nhau. Quan trọng là bạn biết cách lập kế hoạch và tuân thủ chúng, căng thẳng vì tiền bạc sẽ không phải là điều bạn lo lắng.

Tóm lại, “Giàu có là khi bạn có thể kiểm soát tiền bạc của mình. Nếu không nó sẽ quay lại điều khiển bạn” – Dave Ramsey – một trong những cố vấn tài chính nổi tiếng thế giới đã nhận định. Và đó cũng chính là điều mà Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink muốn chia sẻ với bạn thông qua 4 lời khuyên về tiền bạc.

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Thanh Thủy

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN