Đòi hỏi sự hoàn hảo của người khác là một sai lầm. Có ba điều “không hoàn hảo” mà bạn buộc phải chấp nhận nếu muốn có một cuộc sống tốt.
- Nhiều bạn trẻ không muốn lập gia đình, tại sao?
- Nếu đã lập gia đình thì bạn nên đọc câu chuyện này
- Cách dạy trẻ tự lập từ ‘gốc rễ’ của người Nhật
Chấp nhận sự không hoàn hảo của cha mẹ mình
“Hoàn hảo” và “cha mẹ” là hai cụm từ không thuộc về nhau ở bất cứ đâu. Thực tế là vậy. Mỗi bậc cha mẹ đều có những khuyết điểm của riêng mình. Có cha mẹ không thành đạt, giàu có, có người sống lộn xộn, vô tổ chức, thô lỗ, không đúng giờ, hoặc họ có thể học dở tệ môn toán, hay yếu đến mức không chơi thể thao được với con cái.
Cha mẹ thường bù đắp những khuyết điểm của mình bằng tình yêu với con cái. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tình cảm của cha mẹ và con cái trong gia đình. Các nghiên cứu đã chứng minh một cách rõ ràng sự thật: tình cảm của cha mẹ là chìa khóa cho sự khỏe mạnh của một đứa trẻ, chứ không phải là sự hoàn hảo của họ. Rõ ràng, sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ đủ để bù đắp sự không hoàn hảo của chính họ.
Thế nhưng, có những người con không chấp nhận sự thiếu hoàn hảo của cha mẹ. Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Vì sao cha mẹ tôi nghèo khó, không thể cho tôi nhiều tiền như những cha mẹ khác?”, “Vì sao họ không giỏi giang như những người khác”…
Trên thực tế, cha mẹ cũng như tất cả mọi người khác, đều có những vấn đề khó nói của riêng mình. Nhưng trên tất cả, cha mẹ nào cũng yêu thương con cái. Một người mẹ bị cằn nhằn, bị đánh giá là keo kiệt có thể dốc những đồng xu tiết kiệm của mình để cho con mua nhà. Một người bố khó tính, độc đoán cũng có thể âm thầm hỗ trợ con cái khi khó khăn. Từng chút từng chút, họ bổ sung sự không hoàn hảo của mình bằng tình yêu thương.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của bạn đời
Đơn vị phát triển cộng đồng của Singapore từng gây ấn tượng mạnh mẽ khi phát sóng đoạn phim ngắn đặc biệt. Nhân vật chính trong đoạn phim – một người vợ – có bài điếu văn trong đám tang của chồng mình. Không giống như những điếu văn thông thường, người phụ nữ bắt đầu bằng việc nói về những tật xấu của chồng, ví dụ như anh thường ngáy rất to, hay xì hơi rất mạnh. Sau khi nói về những điểm xấu đó, cô nói: “Những khuyết điểm đó của anh ấy lại là những điều mà tôi luôn nhớ đến. Chính những khiếm khuyết nhỏ này đã giúp chúng tôi cùng nhau tạo nên sự hoàn hảo của cuộc sống”.
“Vì thế, tôi muốn nói với các con của mình rằng, một ngày nào đó, các con cũng có thể tìm thấy một nửa của mình. Một nửa có thể không hoàn hảo và xinh đẹp, cũng như cha của các con trong mắt mẹ, nhưng những điều không hoàn hảo đó mới làm nên giá trị hôn nhân”.
Cuộc sống không hoàn hảo, con người không hoàn hảo. Khi hai người bước vào ngưỡng cửa hôn nhân và bắt đầu cuộc sống chung, dù tính cách có giống nhau đến đâu, tình cảm sâu đậm đến đâu đi nữa, giữa họ cũng sẽ luôn có sự khác biệt, sẽ luôn có những xích mích nhỏ. Nếu bạn học cách chấp nhận khuyết điểm của đối phương, thì dù việc lớn đến đâu cũng sẽ biến hóa nhỏ. Ngược lại, nếu bạn coi đó là cái gai trong mắt và chỉ muốn “nhổ” đi, thì kể cả thứ nhỏ nhặt, cũng có thể trở thành rắc rối lớn. Tình yêu đích thực không chỉ phải yêu những ưu điểm của nhau mà còn cả những khuyết điểm.
Muốn hôn nhân viên mãn, bạn cần chấp nhận sự thực rằng một nửa của mình không hoàn hảo. Nhưng họ hiểu và chia sẻ với bạn. Họ có thể không đủ lãng mạn, nhưng họ có thể ở bên cạnh khi bạn ốm đau. Họ có thể ít tiền, không tài ba, nhưng sẽ là người quan tâm đến bạn nhiều nhất có thể.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của con cái
Con cái là sự tiếp nối lý tưởng của cha mẹ. Do đó, bậc cha mẹ thường dồn hết kỳ vọng vào con cái, bất chấp một thực tế rằng chúng không thể hoàn hảo như họ muốn. Luôn luôn kỳ vọng con cái “cá chép hóa rồng”, thực tế chỉ là một liều thuốc độc, khiến đứa trẻ bị suy giảm lòng tự trọng và biến thành một con người khác. Do đó, chấp nhận sự không hoàn hảo của trẻ là tình yêu sâu sắc nhất mà cha mẹ có thể dành cho con của mình.
Vợ chồng diva người Hong Kong Lý Á Bằng và Vương Phi là một ví dụ điển hình. Khi con còn trong bụng, Vương Phi qua các xét nghiệm y tế đã biết con hở hàm ếch. Không muốn từ bỏ sinh mệnh bé nhỏ, Vương Phi quyết định sinh con. Trong quan điểm nuôi dạy bé từ khi con chào đời, vợ chồng cô nhất quán: “Tôi đối xử với Lý Yên như một đứa trẻ bình thường. Tôi nghĩ con bé thực sự xinh đẹp như mọi bé gái khác, chút khiếm khuyết thực sự không có vấn đề gì cả. Tâm lý của chúng tôi là như vậy, thế nên Lý Yên cũng sẽ có một tâm lý tích cực, tinh thần khỏe mạnh”.
Trên thực tế, không đứa trẻ nào sinh ra hoàn hảo. Dù trẻ khiếm khuyết về ngoại hình hay có khuyết điểm về tính cách, thì bản thân trẻ không tự tạo ra nó. Đó đơn thuần là từ bố mẹ nhào nặn, dạy dỗ. Vì vậy, thay vì bất mãn và chán ghét khi con không hoàn hảo, hãy tôn trọng và chỉ bảo trẻ. Chấp nhận sự không hoàn hảo của con và dạy con làm thế nào phát triển bản thân tích cực, đó mới là người cha, mẹ tốt.
Phàn nàn không mang lại cho bạn hạnh phúc. Trước khi phàn nàn về sự không hoàn hảo của người khác, nên kiểm tra bản thân trước. Nếu bạn không hoàn hảo, không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác.
Trong suốt cuộc đời của một con người, biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của cha mẹ là lòng hiếu thảo lớn nhất của chúng ta đối với họ. Biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của người bạn đời là trách nhiệm lớn nhất của chúng ta đối với hôn nhân. Biết cách chấp nhận sự không hoàn hảo của con cái là món quà tuyệt vời nhất của chúng ta dành cho con cái.
Nguồn: QQ
Thùy Linh (Theo VnExpress)