3 câu nói ‘tối kỵ’ khi nuôi dạy con trai

Nhiều người mong muốn con trai lớn lên thành người mạnh mẽ, trở thành trụ cột nên đã dạy con bằng 3 câu nói không đúng sự thật.

con traiVì mong muốn con trai trở thành người đàn ông mạnh mẽ mà nhiều phụ huynh vô tình nói những câu làm con bị tổn thương. Ảnh minh họa: Expert Life.

“Không được khóc, chỉ con gái mới khóc nhè”

Tự nhiên sinh ra hai phái mạnh – yếu, đương nhiên người con trai được ví với hình ảnh “đội trời đạp đất”, mạnh mẽ. Từ nhỏ, con trai được rèn luyện cần phải mạnh mẽ, can đảm, tương lai có thể trở thành người đàn ông thực thụ. Điều này có thể khiến nhiều cha mẹ thốt lên câu nói trên khi bé trai “có ý định chảy nước mắt”.

Tuy nhiên, trên thực tế, con trai hay con gái thì việc khóc là một phản ứng rất bình thường, rất tự nhiên, là sự đào thải cảm xúc tiêu cực. Trẻ khóc không có nghĩa là trẻ rụt rè, yếu đuối, mà đơn giản là cách trút bỏ những cảm xúc của mình.

Đừng so sánh trẻ “như con gái”, khiến đứa bé hình thành suy nghĩ là mình yếu đuối, kém cỏi, dần dần mất đi sự tự tin vốn có, đó chính là khiếm khuyết về tính cách và tâm lý đứa trẻ.

“Đàn ông phải giỏi giang, giàu có”

Tư duy đàn ông kiếm tiền xây nhà, tích cóp của cải, đàn bà ở nhà làm nội trợ giờ đây đã trở nên lỗi thời, khi nam giới và nữ giới bình đẳng và có thu nhập ngang ngửa nhau. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn bảo lưu suy nghĩ rằng đàn ông phải giỏi giang, giàu có mới là đàn ông đích thực. Sức mạnh tài chính hẳn nhiên là thế mạnh, nhưng đó không phải là tất cả.

Việc bạn dạy cho trẻ rằng con trai lớn lên phải giỏi giang, kiếm nhiều tiền sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ lệch lạc, coi trọng giá trị đồng tiền, đánh giá con người qua giá trị đồng tiền, từ đó nể sợ người giàu, khinh ghét kẻ nghèo. Tâm lý này rất nguy hiểm, bởi nó làm con người biến chất, lấy đồng tiền làm thước đo mọi thứ.

Thay vì dạy trẻ phải giỏi giang kiếm tiền, nên hướng tới việc giáo dục nhân cách, dạy cho con cách sống hiện đại, sử dụng lợi thế tự nhiên của mình để san sẻ công việc với mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ xung quanh, trước hết là mẹ, sau đó là bạn đời.

“Đừng như bố con”

Con trai lấy bố làm mẫu hình để từ đó phát triển bản thân. Hẳn nhiên không phải người bố nào cũng là hình mẫu lý tưởng với con cái, nhưng khi bực dọc, nhiều người mẹ/người bà sẽ không kiềm chế được mà nói câu “Đừng như bố mày”. Câu nói này vô tình sẽ gây tác động lớn đến tâm lý đứa bé trai, bởi bố được coi như là hình ảnh khuôn mẫu của bé, khi nó còn nhỏ. Thêm vào đó, câu nói này tác động đến cảm xúc của trẻ, khiến tình cảm cha con của bé sứt mẻ, hình ảnh người cha trong mắt bé cũng bị rạn nứt đôi phần.

Tốt nhất là cha mẹ mâu thuẫn, không nên để con cái bị “kéo” vào cuộc chiến đó.

Nguồn: Sina

Thùy Linh (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN