Cha mẹ mong con mình tốt hơn, nhưng đôi khi vô tình làm tổn thương chúng bằng tình yêu và sự bảo vệ quá mức.
- Dạy con ngừng đổ lỗi
- Dạy con trưởng thành từ những bài học tiết kiệm tài chính mà ai cũng nên biết
- Dạy con cách xử lý khi bị mệt mỏi, ho, sốt ở trường
Họ có thể đưa ra những quyết định thiếu nhất quán, bỏ qua ý kiến của con hoặc phá vỡ quy tắc do chính họ đặt ra. Những hành động như vậy khiến trẻ bối rối, không biết nên làm thế nào cho đúng.
Con không được nói dối, nhưng bố mẹ thì được
Cha mẹ dạy con luôn nói sự thật và chấp nhận hậu quả khi thực hiện hành vi này. Nhưng đôi khi, họ nói dối trắng trợn, che giấu sự thật hoặc lấp liếm một số thông tin. Điều đó có thể trông khá đạo đức giả trong mắt một đứa trẻ.
Con phải ngủ một mình, nhưng bố mẹ thì không
Cha mẹ tin rằng việc ngủ chung khiến trẻ thiếu sự độc lập. Vì vậy, họ không nằm cạnh con cho đến khi đứa trẻ thiếp đi. Nhưng tại sao bố mẹ ngủ chung phòng với nhau mà trẻ lại bị tách ra?
Tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne (thuộc Khoa học Tâm lý và Não, Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ) cho rằng, giúp con ngủ thiếp đi sẽ tạo mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ và cải thiện sức khỏe tinh thần của trẻ.
Con phải ăn thứ bố mẹ chỉ định
Ăn uống lành mạnh là quan trọng, nhưng ai cũng có sở thích riêng. Đôi khi, chúng ta không muốn ăn một loại thực phẩm nào đó, trẻ cũng vậy. Người lớn có thể thay thế bất kỳ món ăn nào theo ý thích, dù đó là bữa ăn không khoa học hoặc thậm chí bỏ bữa nếu không đói.
Tuy nhiên, trẻ con thường bị tước mất quyền này và luôn phải tuân theo quy tắc của cha mẹ.
Con không được chằm chằm nhìn điện thoại, nhưng bố mẹ có quyền
Trung bình, một người dành hơn 3 giờ mỗi ngày để truy cập internet trên di động, chưa kể thời gian làm việc trên máy tính xách tay, máy tính bảng và xem TV. Trong khi đó, họ giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ.
Có vẻ khá đạo đức giả khi nói với con rằng chỉ muốn giải trí mà lại lướt mạng xã hội cả ngày. Tốt nhất, muốn đặt ra giới hạn cho trẻ, cha mẹ cũng nên xem lại chính mình.
Lựa chọn trang phục không phù hợp cho con
Cha mẹ có thể bảo vệ con quá mức khi mặc cho trẻ quần áo không phù hợp với thời tiết. Họ không để tâm đứa trẻ thực sự cảm thấy thế nào mà thường tự đưa ra nhận định cảm tính.
Con phải chia sẻ, nhưng bố mẹ thì không
Cha mẹ thường dạy con phải chia sẻ đồ chơi, thỏa hiệp hoặc đòi trẻ làm theo một số tình huống gây khó chịu cho chúng. Trong khi đó, họ lại có tính sở hữu cao, bướng bỉnh và không muốn hy sinh sự thoải mái của chính mình.
Trẻ em là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu và quan điểm riêng. Vì vậy, cần thiết lập ranh giới lành mạnh và biết lắng nghe con.
Con phải lập tức làm theo yêu cầu của bố mẹ
Cha mẹ mong con thực hiện “mệnh lệnh” mình đưa ra ngay lập tức, bất kể đứa trẻ đang làm gì. Việc bỏ qua ý kiến của con có thể khiến chúng nghĩ quan điểm và nhu cầu của mình không quan trọng.
Vì vậy, không phải chúng ta không rèn cho con tính kỷ luật, mà hãy cho chúng chút thời gian cần thiết để làm theo những gì bạn mong đợi.
Con phải quan tâm đến cảm xúc của bố mẹ, nhưng bố mẹ không cần
Trẻ em khó nhận biết và quản lý cảm xúc của mình. Vì vậy, bố mẹ cần giúp con điều hướng. Tuy nhiên, bỏ qua cảm xúc của con hoặc trừng phạt sẽ không mang lại kết quả mong đợi.
Con luôn phải cố gắng tốt hơn
Cha mẹ luôn muốn con thành công trong cuộc sống và thúc chúng học tập, thử thách những điều mới. Khi đứa trẻ chán nản hoặc thiếu động lực, phụ huynh sẽ giải thích lý do con cần kiến thức này. Tuy nhiên, họ lại thường “nói không đi đôi với làm”, không làm gương cho con cái.
Con không nên sợ thể hiện mình trước đám đông, nhưng bố mẹ lại sợ dư luận
Người lớn thường xem con là phiên bản tốt nhất của mình nên khuyến khích chúng làm những việc thậm chí khiến chúng sợ hãi. Dẫu biết điều cốt yếu là khuyến khích trẻ sống thật với chính mình, nhưng đôi khi, cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái.
Trong khi, họ không giải thích cho con thấy cách thế giới vận động và điều chúng có thể kỳ vọng trong một tình huống tương tự.
Con không nên lo lắng, nhưng bố mẹ sẽ như vậy
Cha mẹ muốn con hạnh phúc, không phải lo lắng về điều gì – đặc biệt khi chẳng thể thay đổi được điều đó. Nhưng trẻ cần chia sẻ vấn đề của mình để không kiềm nén cảm xúc hoặc không cảm thấy vấn đề của mình chẳng đáng để nói ra.
Nhật Minh (Theo Vnexpress)