Những chiêu chinh phục mẹ chồng khó tính của Vân trong ‘Sống chung với mẹ chồng’

Với những mẹ chồng “quái” như mẹ chồng Vân trong “Sống chung với mẹ chồng”, không phải là không có cách.

Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo khán giả xem truyền hình bởi nó chạm đến nhiều góc cạnh rất thực của cuộc sống, ấy là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Trong suốt hơn nửa hành trình của cả bộ phim, người xem hòa cùng cảm xúc của các nhân vật trong phim, bởi nó quá “đời thường”. Một mẹ chồng khó tính, luôn yêu và coi con trai mình là nhất, luôn soi mói con dâu là hình ảnh của nhiều bà mẹ chồng trong thực tế. Con dâu Vân (do diễn viên Bảo Thanh thủ vai) cũng không phải hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại.

1

Mối quan hệ ngày càng đẩy đi xa hơn từ những mâu thuẫn rất nhỏ, thậm chí là lặt vặt trong gia đình. Thực tế, nếu nắm những nguyên tắc sau đây thì bất kể một mối quan hệ nào, với một mẹ chồng khó tính cỡ nào, các nàng dâu đều có thể “hóa giải” được.

1. Chân thành:

Chân thành luôn là điều giúp bạn đi được đường xa nhất trong mọi mối quan hệ. Điều đó càng đúng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nếu bạn không thật lòng, bạn không thể nào “thu phục” mẹ chồng cho dù bạn cố gắng biết bao nhiêu. Mối quan hệ giữa bà Phương (mẹ chồng) và Vân (con dâu) sẽ không thể nào hóa giải khi bà Phương chưa bao giờ yêu thương con dâu thật lòng. Và con dâu Vân cũng chưa bao giờ hết khinh thường khi nghĩ đến mẹ chồng.

2. Tôn trọng:

Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của bà Phương và Vân, điều này ít được khán giả nhìn thấy. Người ta chỉ thấy một cô con dâu có chịu nhịn nhưng thiếu tôn trọng với mẹ chồng. Đã không ít lần Vân dùng những ngôn từ như “bà ta”, “bà ấy” để nói về mẹ chồng mình, thậm chí nói ngay trước mặt con trai bà khi Vân tức giận.

Muốn người khác tôn trọng mình, trước tiên bạn phải tôn trọng họ. Đó là nguyên tắc chung trong mọi mối quan hệ và mẹ chồng – nàng dâu không phải ngoại lệ. Bạn nên biết rằng thái độ tôn trọng là cơ sở của mọi mối quan hệ yên bình. Khi người trong cuộc duy trì được sự tôn trọng cao trong mối quan hệ của mình thì khả năng cao là mối quan hệ đó ít gặp vấn đề trục trặc.

3. Gần gũi:

Trong suốt hơn nửa hành trình bộ phim, người ta chưa bao giờ thấy hai mẹ con bà Phương ngồi tâm sự với nhau. Ngay kể cả khi bố chồng và chồng đi công tác, Vân có cơ hội được gần gũi và hiểu mẹ chồng hơn thì cô luôn tìm cách lảng tránh. Thậm chí hết giờ làm, cô cũng phải tìm cách để tránh về nhà ăn tối với mẹ chồng. Hai mẹ con sống chung nhà nhưng chỉ gặp nhau lúc đi làm và lúc Vân trở về. Chính sự thiếu gần gũi ấy khiến họ càng ngày càng xa, càng ngày càng không hiểu nhau, là tiền đề của nhiều điều rắc rối nhỏ mà hậu quả lớn về sau.

Bởi vậy, cách tốt nhất để “chinh phục” mẹ chồng khó tính chính là hiểu, nắm bắt được tâm lý của mẹ chồng. Phải gần gũi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thì không có bố mẹ chồng nào từ chối lắng nghe.

Có thể nói, câu chuyện về mẹ chồng nàng dâu bao giờ cũng là đề tài nóng. Vì thế, để trách những xích mích, điều không hay với mẹ chồng thì bạn nên bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh để duy trì không khí thân ái, hòa hợp trong gia đình. Bạn hãy biết lắng nghe, thấu hiểu tâm ý của bố mẹ chồng.

Theo Gia đình & Xã hội

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN