Cho dù bạn quan tâm đến tâm linh, lịch sử, hay chỉ là tò mò, bạn sẽ vẫn yêu thích những địa chỉ linh thiêng dưới đây của chúng tôi.
- 12 tour du lịch thách thức những người dũng cảm nhất
- 5 điểm check – in nổi tiếng ở châu Á và những lý giải tâm linh huyền bí
1. Ghats của Varanasi, Ấn Độ
Mặc dù ô nhiễm, sông Hằng vẫn là con sông linh thiêng của Ấn Độ. Người ta tin rằng nó có khả năng chữa lành các vết thương trên cơ thể và tâm hồn. Ở Varanasi, một trong bảy thành phố thiêng của đất nước, người dân liên kết với con sông thông qua Ghats – các bến nước có bậc thang dẫn xuống sông – và coi đó như địa điểm thực hiện các nghi lễ thờ phụng. Tại Ghats diễn ra những nghi thức tắm để thanh tẩy tội lỗi, các buổi hành hương để xin nước thánh và cả cho lễ hỏa táng.
2. Taktsang, Bhutan
Tu viện phật giáo, hay còn gọi là “Hang của Hổ” nằm trên một vách đá cao 900 mét trên thung lũng Paro ở Bhutan. Taktsang xây dựng vào năm 1692, là nơi mà Guru Rinpoche, tức Đức Phật đời thứ hai, đã thiền định trong suốt 3 năm, 3 tháng và 3 giờ để xua đuổi tà ma.
3. Borobudur, Indonesia
Nằm ở Java, Indonesia, Borobudur là một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng với kiến trúc có từ thế kỉ thứ 8 và 9, trong triều đại Syailendra. Di sản thế giới UNESCO này có 3 tầng, với 72 tháp nhỏ có chứa các di tích liên quan đến Phật, và một tháp lớn trung tâm ở chính giữa. Kiến trúc đại diện cho con đường dẫn tới sự giác ngộ. Mỗi cấp độ đại diện cho một nấc của vũ trụ. Càng leo cao, bạn càng đến gần với niết bàn.
4. Nhà thờ Rock-Hewn, Lalibela, Ethiopia
Nằm ở phía bắc Ethiopia, thị trấn nhỏ Lalibela nổi tiếng với 11 nhà thờ trung cổ, khắc từ đá nguyên khối. Có tuổi đời từ thế kỷ 12, các nhà thờ được xây dựng theo lệnh của vua Lalibela. Ông muốn tạo ra một Jerusalem mới trong thời đại mà các cuộc hành hương về đất thánh bị cản trở bởi người Hồi Giáo.
5. Nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Mulk, Iran
Hay còn gọi là Nhà thờ Hồng, Nasir al-Mulk ở Shiraz nổi tiếng với sắc màu của mình. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa cửa kính màu với kiến trúc khảm kính. Xây dựng từ năm 1888, nhà thờ được thiết kế để đón nhận ánh sáng. Mặt trời chiếu xuyên qua cửa kính, tạo nên hiệu ứng cầu vồng, nhấn mạnh những viên gạch trang trí và các tấm thảm bên trong.
6. Stonehenge, Vương quốc Anh
Mặc dù nguồn gốc ra đời của Stonehenge vẫn là một bí ẩn, có rất nhiều học thuyết vây quanh nó như: các hòn đá được đưa đến từ Ireland; vòng tròn là ám chỉ đến sự sinh sản của nữ giới; hay đây là một công cụ dự đoán thiên văn… Cho dù thế nào, đây vẫn là một trong những điểm thu hút du khách nổi tiếng của vương quốc Anh. Nó nằm cách London khoảng 2,5 giờ lái xe.
7. Đền Abu Simbel, Ai Cập
Một di sản văn hóa UNESCO khác, đến Abu Simbel, được xây dựng dưới thời vua Ramses II từ năm 1279 đến năm 13 công nguyên. Khu phức hợp gồm có Đền lớn và Đền nhỏ. Đền lớn, được chạm khắc từ đá sa thạch, có lối vào bao quan quanh bởi 4 bức tượng của vua Ramses với các thành viên trong gia đình ở dưới chân ông. Vào ngày 21 tháng 2 và ngày 21 tháng 10 hàng năm, mặt trời chiếu chính giữa Đến lớn và soi rọi vào tận bên trong.
8. Boudhanath, Nepal
Giống như Borobudur, tháp Boudhanath ở Kathmandu, Nepal thiết kế với các bậc tượng trưng cho sự giác ngộ. Phần dưới cùng tượng trưng cho trái đất, mái vòm tượng trưng cho nước, tháp tượng trưng cho lửa và chóp nhọn ở trên tượng trưng cho không khí. Boudhanath là địa điểm hành hương nổi tiếng của các tín đồ theo Phật giáo Tây Tạng.
9. Uluru, Úc
Uluru là địa danh mang tính biểu tượng của nước Úc. Người dân bản địa Anangu coi đây là hòn đá thiêng và khu vực xung quanh là do tổ tiên họ tạo ra. Để bảo vệ, Ban Quản lý Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta gần đây đã bỏ phiếu về việc đã cấm du khách leo lên tảng đá. Bắt đầu từ ngày 26/10/2019, khách du lịch sẽ chỉ được đi vòng quanh tảng đá thiêng để chiêm ngưỡng.
10. Angkor Wat, Cam-pu-chia
Ngôi đền nổi tiếng từ thế kỷ thứ 12 được mô phỏng theo ngọn núi thần Meru – nơi các vị thần cổ đại sinh sống trong tín ngưỡng của người Hindu. Quần thể đền thờ có sự liên quan đến cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, với hình chạm khắc hơn 3.000 nữ thần cùng nhiều nhân vật huyền thoại khác.
Theo Hữu Nguyên (Dân Trí)